Ngày 09/12, tại một buổi hội thảo thường niên về bất động sản, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV đã có những chia sẻ về xu hướng đầu tư tiền ảo.
Tiến sĩ cho biết, bitcoin và các loại tiền tương đồng khác có tên đúng là tiền kỹ thuật số, không phải là tiền ảo. Sức mạnh và tiềm năng của đồng tiền này đến từ công nghệ đứng sau: blockchain.
Ở thời điểm này, tiến sĩ cho rằng rất khó để dự đoán diễn biến của đồng bitcoin. Giá cả của Bitcoin phụ thuộc vào vấn đề cung cầu giống như các loại hàng hóa khác và tâm lý nhà đầu tư.
Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, phía nguồn cung của bitcoin được cho là đang bị hạn chế và thắt chặt. Trong khi đó, ở phía cầu, giá trị bitcoin gắn với niềm tin của nhà đầu tư, ”càng tin thì giá bitcoin càng tăng”. Mặt khác, theo tiến sĩ, trong một thế giới có càng nhiều rủi ro thì mọi người sẽ xem bitcoin như một kênh đầu tư trú ẩn an toàn, “nhà đầu tư sẽ coi nó là cứu tinh trong những thời điểm khó khăn và thách thức”.
Bitcoin cũng sẽ dần tác động đến lĩnh vực bất động sản. Hiện nay, Dubai đã chính thức chấp thuận cho dùng bitcoin để thanh toán giao dịch bất động sản. Đồng tiền này sẽ là một kênh đầu tư bổ trợ hữu hiệu nhưng để triển khai cụ thể cần phải tiếp tục nghiên cứu. Đầu tư bitcoin hiện nay đang là xu thế, trào lưu và hấp dẫn được sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư.
Hiện nay, nhà đầu tư có thể kiếm lời rất nhiều từ bitcoin, tuy nhiên nhưng rủi ro cũng rất lớn do những biến động với biên độ mạnh của đồng tiền này. Nhà đầu tư cần phải biết cân nhắc và tùy “khẩu vị” của mỗi người để quyết định tham gia hay đứng ngoài thị trường.
Trên thế giới có khoảng 850 đồng tiền kỹ thuật số khác nhau và Tiến sĩ Cấn Văn Lực cũng đồng ý rằng, vốn hóa của các loại tiền này có thể lên tới 500 tỷ USD từ mức hiện nay (khoảng 200 tỷ USD).
Đối với Việt Nam, tiến sĩ cho rằng, nước ta cần tương đối thận trọng đối với loại hàng hóa này vì nhiều lý do. Đầu tiên là trình độ phát triển của Việt Nam vẫn đang còn thấp, thứ hai là vì tâm lý của người Việt đầu tư thường theo phong trào giống như chứng khoán, bất động sản, “lúc lên thì cùng lên, xuống thì cùng xuống”.
Chính phủ Việt Nam cũng rất “sốt ruột” với sự phát triển mạnh mẽ của đồng bitcoin sau khi nghe phản hồi của các chuyên gia tư vấn, Chính Phủ cũng đã yêu cầu các bộ ngành sớm nghiên cứu và đưa ra quy định về tài sản ảo trong đó có tiền ảo, để có phương thức quản lý phù hợp.
Còn hiện nay, nếu như Việt Nam chưa hiểu rõ, chưa quản chế được tiền ảo thì chưa nên vội chấp nhận. Việt Nam cần phải có một cách tiếp cận thận trọng và cũng cần “nhìn” các nước khác đón nhận ra sao. Điển hình như Trung Quốc, đất nước này cực kỳ thận trọng với tiền ảo, trong khi Nhật Bản lại khá thông thoáng một phần vì đây là cái nôi của bitcoin – do một nhóm người Nhật tạo thành.
Trên thế giới đã có 15-20 nước bắt đầu công nhận bitcoin, nhưng cũng có một lượng tương tự chưa chấp thuận bitcoin và quản lý rất chặt chẽ với đồng tiền này. Lựa chọn của Việt Nam và nhà đầu tư sẽ cần thời gian để quyết định.