Tiền mặt ơi, chào mi!

Mới đây khi dịch một đoạn bài báo của Thomas Friedman, tác giả “Thế giới phẳng”, và đưa lên Facebook kể câu chuyện người ăn xin ở các thành phố lớn Trung Quốc “xài” mã QA trên bát ăn xin để người đi đường có thể quẹt thẻ khi muốn cho tiền… thì nhiều bình luận cho rằng ngay cả Friedman cũng bị truyền thông Trung Quốc làm hoa mắt về phát triển công nghệ của họ.

Tuy vậy, tôi tin rằng rồi đây mục tiêu giảm sử dụng tiền mặt là xu thế tất yếu của tất cả xã hội văn minh trong thế kỷ 21, không riêng xã hội Trung Quốc.

Việt Nam, dù đang là “quốc gia khởi nghiệp”, cũng đang hướng đến mục tiêu khoảng 90% dân số không dùng tiền mặt vào năm 2020. Những nhà hoạch định chính sách tin rằng điều này sẽ nhanh chóng thúc đẩy Việt Nam trở thành một trong số những quốc gia đầu tiên áp dụng số hóa trong giao dịch tiền tệ trên toàn thế giới bao gồm Bỉ, Pháp và Canada.

Thật vậy, tính đến tháng 9/2017 chỉ có một nước châu Á là Hàn Quốc, nằm trong top 10 nước ít xài tiền mặt nhất.

Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt với mục tiêu đến cuối năm 2020, tỉ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%.

Thách thức

Thật ra rất khó đạt đến kỳ tích trên, vì với dân số lớn (95 triệu), nhưng dân nông thôn chiếm đến 63,5% và thu nhập còn tương đối thấp (6.400 USD/ người tính theo sức mua đồng tiền và khoảng trên 2.200 USD theo tỉ giá).

Nhà kinh tế Alan Phan từng viết: “Tôi còn nhớ một đại gia IT nổi tiếng cũng từng kết luận là số người sử dụng điện thoại di động ở Việt Nam tăng trưởng ấn tượng 36% mỗi năm trong 5 năm qua và lên đến 68 triệu người hay khoảng 80% dân số. Kết luận của anh chuyên gia trẻ này là tương lai IT của Việt Nam phải sáng ngời và sẽ vượt trội các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines… Đây là những kết luận ngây thơ về thực tại của xã hội. Một người trẻ suốt ngày la cà quán cà phê hay quán nhậu sẽ không đóng góp gì về sáng tạo hay năng động, cũng như những anh chị nông dân với điện thoại cầm tay không thay đổi gì về diện mạo nông thôn ngày nay” (e-book “Kinh tế Việt Nam: một cái nhìn khác”, trang 16).

Tuy nhiên, nếu người dân thấy được tiện lợi, họ sẽ áp dụng. Ví dụ: Khi Uber vào Việt Nam cách đây gần 3 năm, lúc đó nhiều người cho rằng xài dịch vụ này sẽ bị mất tiền, nhưng nay thì hàng triệu người đã sử dụng, nhất là khi có Uber xe gắn máy. Ở đây cần nhắc lại: Các cơ quan Chính phủ phải từ bỏ thói quen can thiệp hoặc bênh vực lợi ích nhóm, mà cản bước tiến của phát triển.

“Việt Nam đang hướng tới việc trở thành một xã hội hạn chế tiền mặt”, nghe có vẻ thật mơ mộng, nhưng với thời đại công nghệ 4.0, thì kỳ tích đó không phải là không thể vươn tới. Hơn nữa lộ trình này có thể dài, hoặc rất dài, nhưng quan trọng, nó được tiến hành song song với các cách xài tiền mặt khác và được khuyến khích của Chính phủ qua các chính sách ưu tiên cho việc không xài tiền mặt. Ví dụ như cách các công ty du lịch hiện nay giảm giá 10-20% cho các du khách trả tiền phí du lịch qua mạng.

Lợi ích đối với phát triển

Một số nhà phân tích cho rằng, hiện nay 90% các giao dịch tại Việt Nam đều dựa trên tiền mặt và đó đã trở nên cơn ác mộng của logistics: In tiền, vận chuyển tiền, đổi tiền, đếm tiền… với một khối lượng lớn khi mà giá trị chuyển đổi của tiền đồng Việt Nam thuộc loại rẻ nhất trên thế giới (2017: Gần 23.000 VND đổi 1 USD).

Sử dụng tiền mặt đương nhiên gặp phải một số vấn đề. Nào là vận chuyển tiền mặt rất tốn kém, phải lo bảo vệ, nào là tiền mặt rất mất vệ sinh vì qua tay biết bao người, không phân biệt và dễ tham nhũng, hối lộ, làm ăn phi pháp, dễ bị ăn cắp, hoặc cướp, đôi khi còn gây ra tai ương cho người có tiền. Gần đây số vụ cướp tiền mặt tại các ngân hàng tăng lên đáng kể, đến nỗi tờ PN News ngày 28/9/2017 đã chạy một cái tựa giật mình: “2017-năm của những vụ cướp ngân hàng táo tợn tại Việt Nam”. Bài báo viết: “Nếu như trước đó, rất hiếm khi xảy ra các vụ cướp ngân hàng thì chưa hết năm 2017, hàng loạt vụ cướp ngân hàng đã xảy ra khiến dư luận vô cùng hoang mang”.

Hơn nữa, Việt Nam bị xếp hạng “cao” trong bảng xếp hạng những quốc gia tham nhũng, vì vậy Chính phủ phải tìm mọi giải pháp để người dân, doanh nghiệp và quan chức bớt hoặc không sử dụng tiền mặt trong các giao dịch tài chính hay chi trả.

Tôi đã nhiều lần nghe nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi còn đương nhiệm kêu gọi người dân và các cơ quan, xí nghiệp, công ty tăng cường sử dụng tài khoản ngân hàng. Ông tin rằng đó cũng là một trong những công cụ làm minh bạch các nguồn tiền.

Một trong những vấn đề quan trọng khác là tiền mặt không thể tự mình giúp phát triển thêm sự giàu có. Bằng cách giữ tiền mặt dưới gối thay vì để ở ngân hàng hoặc tổ chức phi ngân hàng, thì số tiền đó sẽ bị “ăn mòn” do lạm phát khiến đồng tiền mất giá. Do đó, một trong những giải pháp khả dĩ về tài chính là đưa tiền mặt lưu thông bằng các công cụ tài chính để có thể giúp những người nghèo nhất thoát khỏi đói nghèo. Ví dụ: Cho người hưởng hưu trí được tự do đầu tư sinh lợi.

Cuối cùng, ở một nước đang phấn đấu để tái cơ cấu lại hệ thống phúc lợi xã hội như Việt Nam trong khi phải chịu thách thức bởi một dân số “chưa giàu đã già”, thì các nền tảng kỹ thuật số hay công nghệ thông tin là phương pháp tốt để sử dụng các nguồn đầu tư công một cách hiệu quả và trực tiếp mang lại ích lợi cho nhân dân.

Tâm lý sợ tiền ảo

Để đạt được mục tiêu lên đến 90% giao dịch phi tiền mặt, các phương tiện thanh toán cải tiến cũng sẽ được phát triển ở nông thôn, việc lồng ghép tài chính sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu và tối thiểu 70% trong số những người trên 15 tuổi sẽ có tài khoản ngân hàng vào năm 2020.

Trong 7 năm qua, số tài khoản tại các ngân hàng tăng lên ấn tượng. Tất nhiên số tài khoản tăng lên không đồng nghĩa với việc người có tài khoản không sử dụng tiền mặt. Nhưng đó cũng là công cụ đầu tiên để từ đó có thể khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện phi tiền mặt như thẻ tín dụng, ví điện tử, e-banking, momo, paypal…

Hơn nữa, với 254.000 điểm bán hàng kỹ thuật số đã được triển khai trên toàn quốc và với 38,3% dân số trưởng thành sở hữu một thiết bị điện thoại thông minh, cho thấy Việt Nam đã có cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản cần được vượt qua nếu muốn đạt đến mục tiêu năm 2020. Điều quan trọng nhất trong số này là làm thế nào để thuyết phục những người đã quen với việc xài tiền mặt. Trong tất cả các loại giao dịch từ doanh nghiệp-doanh nghiệp, khách hàng-doanh nghiệp hoặc thậm chí cả doanh nghiệp-chính phủ, tiền mặt vẫn là phương thức giao dịch ưu tiên.

Một ví dụ điển hình của thách thức này là việc thanh toán trực tuyến, một chức năng đã được sử dụng trong nhiều năm. Mặc dù tính dễ sử dụng và lợi ích rõ ràng so với nhiều quy trình thanh toán thủ công, nhưng đến nay chỉ có 4,5 triệu người (hoặc 18,47% dân số) chọn lựa phương pháp thanh toán này.

Tương tự, 90% người lớn ở thành thị có ít nhất một thẻ tín dụng, nhưng chỉ có 15% trong số họ sử dụng thẻ để thanh toán trong môi trường bán lẻ.

Cuối cùng vấn đề này nằm ở chỗ lòng tin. Mặc dù rủi ro vốn có của việc mang tiền mặt nhưng đa số người vẫn coi đó là một lựa chọn “chắc ăn” hơn với những gì mà họ biết về giao dịch trên mạng. Thật ra đó là thói quen, như nhiều người nói: Tờ tiền hữu hình vẫn có mùi thơm hơn là con số vô hình trên mạng, dù giá trị y như nhau.

Nỗi sợ hãi về “đồng tiền ảo”, tức là tâm lý, vẫn là trở ngại đáng kể để nền kinh tế trở nên minh bạch hơn, lành mạnh hơn, văn minh hơn khi “giã từ tiền mặt./.

Người Việt thích thanh toán bằng tiền mặt, vì sao?

Bài viết mới