Tiến độ 9 dự án, công trình tác động lớn đến thị trường bất động sản Lâm Đồng hiện đang ra sao?

Ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng vừa chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm tỉnh giai đoạn 2020 – 2025.

UBND tỉnh Lâm Đồng sắp công nhận nhà đầu tư dự án Khu đô thị mới Nam sông Đa Nhim quy mô gần 12.000 tỷ đồng

Theo đó, ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, đến nay, trong số 9 công trình trọng điểm do Tổ công tác số 02 theo dõi có 2 dự án đã hoàn thành cơ bản thủ tục và triển khai các hoạt động đầu tư xây dựng gồm, xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh và dự án Khu du lịch hồ Đại Ninh.

Bên cạnh đó, có 7 dự án đang thực hiện các thủ tục, chưa triển khai xây dựng gồm, Khu du lịch Đan Kia – Suối Vàng; Đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương; Khu trung tâm Hoà Bình; Khu du lịch hồ Prenn; Khu du lịch núi Sa Pung – Bảo Lộc; Xây dựng khu đô thị Liên Khương – Prenn; Khu đô thị Nam sông Đa Nhim, huyện Đức Trọng.

Cũng theo ông S, quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, một phần là do năng lực của chủ đầu tư hoặc đơn vị tài trợ ý tưởng quy hoạch. Mặt khác, do cơ chế, chính sách có nhiều thay đổi, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư còn phức tạp và kéo dài.

Trên cơ sở đánh giá các thuận lợi, khó khăn nêu trên, ông Phạm S đề nghị các thành viên Tổ công tác số 02 căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, thẩm định và hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch có liên quan như Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch 704; Quy hoạch chung thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận; quy hoạch phân khu Khu du lịch hồ Prenn…

Việc đẩy nhanh tiến độ các quy hoạch nêu trên nhằm tạo cơ sở để tiếp tục triển khai thủ tục tiếp theo của các dự án, công trình trọng điểm bị chậm tiến độ.

Bên cạnh đó, cần chủ động rà soát các nhiệm vụ cần triển khai đối với từng dự án, công trình trọng điểm. Nếu có vướng mắc thì kịp thời xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý. Nếu có thể thực hiện đồng thời nhiều thủ tục thì tiến hành thực hiện đồng thời nhằm tiết kiệm thời gian chuẩn bị, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Trong quá trình triển khai các thủ tục đối với các dự án, công trình trọng điểm cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền địa phương để thực hiện đồng bộ, thống nhất đối với các thủ tục về đất đai và rừng.

Bài viết mới