Tiền ảo Bitcoin giao dịch với giá hơn 10.000 USD ở Zimbabwe

Từ đầu năm 2017, Bitcoin đã tăng trưởng ngoạn mục lên đến hơn 6.000 USD. Tuy nhiên, tại Zimbabwe, tiền ảo này được giao dịch với mức giá cao kỷ lục trên 10.000 USD chỉ trong một tuần qua trên sàn giao dịch Golix tại thủ đô Harare, CNN cho biết.

“Giá Bitcoin đã tăng vọt thời gian qua và sẽ còn tiếp tục tăng nữa”, điều phối giao dịch Yeukai Kusangaya của Golix nhận định. Cô dự báo nhu cầu tăng mạnh sẽ còn đẩy giá tiền ảo này lên cao nữa.

Tại Zimbabwe, tiền ảo Bitcoin không còn là thứ chỉ dành cho dân chuyên mà ngày càng trở nên phổ biến, thậm chí còn được chập nhận thanh toán bởi nhiều công ty.

Nền kinh tế đang chìm trong khủng hoảng tiền tệ của Zimbabwe cũng tạo điều kiện lý tưởng cho Bitcoin “tung hoành”. Lạm phát nghiêm trọng khiến chính quyền Tổng thống Robert Mugabe phải thay thế đồng đô la Zimbabwe bằng đồng USD. Tuy nhiên, giờ đây, quốc gia nam Phi này lại phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt đồng USD khiến các ngân hàng phải hạn chế cho phép rút tiền.

Chính phủ nước này phải tìm cách bù đắp sự thiếu hụt này bằng cách phát hành “trái phiếu” và quy giá trị tương đương với USD. Tuy nhiên, giá trị “trái phiếu” này cũng giảm thảm hại trên thị trường “đen” và không được chấp nhận bởi các nhà cung cấp nước ngoài. Giá cả các loại hàng hoá vẫn không ngừng leo thang.

Trong khi đó, các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt khiến thương mại quốc tế càng trở nên khó khăn, buộc các nhà nhập khẩu phải tìm những giải pháp mới, trong đó có việc dùng tiền ảo.

“Vì không bị kiểm soát bởi ngân hàng trung ương nên Bitcoin trở thành cứu cánh được các nhà nhập khẩu vận tới”, nhà phân tích công nghệ Nigel Gambanga của Zimbabwe nhận định và cho biết thêm rằng ngày càng có nhiều doanh nghiệp chấp nhận hình thức thanh toán bằng loại tiền ảo này.

Lạm phát nghiêm trọng khiến đồng nội tệ Zimbabwe trở nên vô giá trị - Ảnh: CNN.

Lạm phát nghiêm trọng khiến đồng nội tệ Zimbabwe trở nên “vô giá trị” – Ảnh: CNN.

“Khi người ta mất niềm tin vào đồng nội tệ do chính sách tiền tệ hoặc bất ổn chính trị, thì Bitcoin thường trở thành ‘vịnh tránh bão’ bởi giá trị của nó hoàn toàn biến động theo thị trường”, Nolan Bauerle, giám đốc nghiên cứu của trang CoinDesk, cho biết.

Tuy nhiên, nếu giá Bitcoin tiếp tục tăng, chính phủ Zimbabwe có thể sẽ gây áp lực với thị trường tiền ảo này. Dù vậy, một số người cũng cho rằng chính phủ nước này có thể sẽ đảm nhận vai trò tích cực hơn đối với Bitcoin hoặc ít nhất thừa nhận tiền ảo này thông qua một số quy định, nhà phân tích Gambanga nói. Nhà phân tích này thậm chí còn nhận định khả năng Bitcoin trở thành tiền tệ chính thức tại Zimbabwe.

“Zimbabwe đã có nhiều biện pháp cực đoan như cấm nhập khẩu hoa quả, vì vậy, việc đưa Bitcoin vào ‘giỏ tiền tệ’ của Zimbabwe cũng không phải điều gì quá khó xảy ra”.

Có nên coi Bitcoin là “hàng hóa” đặc biệt?

Bài viết mới