Tháng 1/2018 là tháng bận rộn nhất đối với các nhà đầu tư tổ chức trong những năm qua. Trong đó, đợt IPO của 3 ‘ông lớn’ trực thuộc Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam đã tiến hành IPO trong tháng 1/2017 có sức hút mãnh liệt nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Báo cáo tháng 1 của Vietnam Opportunity Fund (VOF) – quỹ lớn nhất thuộc quản lý của VinaCapital mới đây cho biết, quỹ này đã đầu tư 45 triệu USD vào 2 DN thuộc PVN trong đợt IPO vừa qua là Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) khi cho rằng, cả 2 doanh nghiệp trên có đủ yếu tố về tiềm năng tăng trưởng cùng định giá hợp lý.
Trong đó, VOF đã mua khoảng 10% cổ phần của BSR trong đợt chào bán với tổng giá trị khoản đầu tư khoảng 25 triệu USD. Mức giá trúng đấu giá của VOF thấp hơn giá bình quân của thương vụ IPO Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn là 23.000 đồng/cp (1,01USD).
VOF cho rằng, BSR hoạt động trong một thị trường tiềm năng với 33% thị phần khiến đơn vị này trở thành khoản đầu tư tiềm năng nhất theo quan điểm của quỹ VOF. Quan trọng hơn đối với VOF là giá đấu giá ban đầu là rất hấp dẫn, ước tính P/E năm 2017 là 5.6x và 2017 EV /EBITDA 3.8x so với P/E hiện tại của thị trường là 20x.
Đối với khoản đầu tư hơn 20 triệu USD vào PV Power, VOF cho rằng công ty điện lớn thứ hai tại Việt Nam, với tổng công suất 4,2 GW thuộc thị trường điện tiềm năng giá trị 1,5 tỷ USD là rất hấp dẫn với P/E ước tính là 11,5x ở mức giá khởi điểm là 14.400 đồng (0,63 USD).
Danh mục VOF tại ngày 31/1/2018 chỉ còn 1,1% NAV là tiền và tương đương tiền (nguồn VOF)
Thị trường tăng trưởng mạnh và định giá cổ phiếu ngày càng cao đang giúp VOF tăng giá trị tài sản. Tính đến hết tháng 1/2018, giá trị tài sản ròng của VOF ở mức gần1,2 tỷ USD, NAV/cổ phiếu là 6,03 USD, tăng 9,2% so với thời điểm kết thúc năm 2017.
Sau khi đầu tư vào 2 doanh nghiệp trên, tỷ lệ tiền mặt trên tổng tài sản (NAV) của VOF đã giảm mạnh từ mức 7% tại ngày 31/12/2017 xuống còn 1,1% tại ngày cuối cùng tháng 1/2018. Tương ứng với mức giảm khoảng 63,3 triệu USD.
Như vậy, trong tháng 1/2017, VOF đã chi đầu tư hơn 60 triệu USD trong tháng đầu tiên năm 2018. Tức khoảng 15 triệu USD cho các thương vụ khác bên cạnh 45 triệu USD mua BSR và PV Power.
VOF cũng cho biết sắp tới vẫn sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội ở nhóm doanh nghiệp nhà nước thoái vốn trong năm 2018. Đồng thời, để ngỏ khả năng huy động thêm nguồn vốn từ nước ngoài dành tiền cho các mục tiêu trong tầm ngắm.