Tỉ lệ mua sắm online của người Việt tăng gấp 3 lần trong vòng một năm qua

Một năm với nhiều thay đổi: Tỉ lệ người mua sắm online đã tăng gấp 3 lần

Những năm gần đây, sự ra đời của hàng loạt các website thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Adayroi… việc mua sắm online đã không còn mấy xa lạ với người người tiêu dùng Việt, đặc biệt là người tiêu dùng trẻ thuộc thế hệ 8x, 9x, 2000.

Ngoài ra, thị trường mua sắm trực tuyến trở nên sôi động hơn khi người tiêu dùng (NTD) trẻ tham gia vào việc mua bán trên mạng xã hội ngày càng nhiều như Facebook, Zalo, một thị trường mang tính tương tác cao, kết nối rộng, thuận tiện trong giao thương… đang dần hình thành xu hướng tiêu dùng mới – mua bán online. Thật vậy, mua bán online là miếng đất màu mỡ và giàu tiềm năng để các nhà bán lẻ khai thác, cũng như hứa hẹn mang đến nhiều lợi ích cho NTD.

Gần đây, trong một báo cáo nghiên cứu của CBRE Việt Nam, được thực hiện thông qua ghi nhận ý kiến khoảng 1.000 người tại TP.HCM và Hà Nội, cho thấy: 25% số NTD được khảo sát dự định sẽ giảm tần suất mua sắm tại cửa hàng thực tế, trong khi 45 – 50% số người được hỏi cho rằng họ sẽ mua sắm trực tuyến thông qua máy tính để bàn/máy tính xách tay hay điện thoại thông minh/máy tính bảng, thường xuyên hơn trong tương lai.

Kết quả khảo sát HVNCLC cũng cho thấy kết quả tương tự: xu hướng mua bán online ngày càng rõ rệt, đặc biệt với giới tiêu dùng trẻ. Nếu như kết quả khảo sát HVNCLC 2017 về nơi chọn mua sản phẩm, cho thấy mua sắm online mới chỉ chiếm 0,9%, thì chỉ sau một năm, kết quả khảo sát HVNCLC 2018 cho thấy số NTD chọn mua online đã tăng gấp ba lần (2,7%).

Ngoài ra, kết quả khảo sát còn cho thấy, tất cả các sản phẩm tiêu dùng ít nhiều đều được NTD lựa chọn mua online, trong đó tập chọn mua online ngày càng nhiều các dòng sản phẩm thuộc các ngành hàng như thiết bị – đồ điện tử kỹ thuật cao; đồ chơi – dụng cụ thể thao; mỹ phẩm; chăn mền, drap, gối, rèm cửa; dụng cụ làm đẹp; văn phòng phẩm và các mặt hàng thời trang (chiếm tỷ lệ từ 10 – 30% NTD chọn mua online).

Kênh online: Nơi người tiêu dùng tham khảo trước khi mua trực tiếp

Nhiều ý kiến cho rằng, mua sắm trực tuyến tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh, và đang định hình để thay thế việc mua sắm tại cửa hàng trong tương lai gần. Những nỗ lực giúp cho việc mua sắm trực tuyến trở nên dễ dàng hơn và giải quyết những lo ngại của khách hàng trong thời gian qua, như cải thiện độ an toàn của giao dịch, chính sách đổi/trả hàng, đưa ra mức phí gửi hàng thấp hay miễn phí… là những lý do góp phần thúc đẩy sự bùng nổ tiếp tục việc mua sắm trực tuyến tại thị trường Việt Nam.

Mặt khác, kết quả khảo sát HVNCLC cũng chỉ ra kênh thông tin online ngày càng được nhiều NTD tiếp cận và chọn là kênh tham khảo thông tin chính khi lựa chọn sản phẩm, đặc biệt là NTD ở khu vực thành thị. Ðây là kênh thông tin có khả năng tương tác tốt nhất với NTD mà không bị giới hạn bởi thời gian và không gian; xu hướng tham khảo thông tin qua online mặc dù mới xuất hiện gần đây, nhưng sẽ là kênh thông tin ngày càng phổ biến và là xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ số, các doanh nghiệp cần tận dụng nguồn thông tin này để quảng bá sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt những sản phẩm hướng tới đối tượng tiêu dùng trẻ.

Kết quả khảo sát HVNCLC 2018 cho thấy có tới 23% NTD lựa chọn các kênh online để tham khảo thông tin trước khi quyết định mua sản phẩm, tăng 5% so với kết quả khảo sát HVNCLC năm 2017 (18%) ở tất cả các kênh thông tin online, trong đó website công ty có tỷ lệ tham khảo tăng gấp đôi (từ 3,3% lên 6,7%), là kênh thông tin mà doanh nghiệp hoàn toàn chủ động tạo ra nội dung thông tin để tiếp cận, thu hút và chinh phục NTD.

Thống kê về hành vi sử dụng internet của Google năm 2015 (website consumerbarometer) đã chỉ ra “mỗi người Việt Nam sử dụng trung bình một thiết bị có kết nối internet, trong đó smartphone chiếm 44%”.

Có thể nói. ít có thiết bị quảng cáo truyền thống nào như tivi, radio hay báo giấy, lại có sức ảnh hưởng lớn như kênh thông tin online. Internet đã góp phần rất lớn trong việc xoá bỏ các ranh giới trong hoạt động tiếp thị, khi mà các thiết bị như tivi, đồng hồ thông minh, máy tính bỏ túi… được nối mạng, là tiền đề tạo nên bước nhảy vọt của online marketing (hay internet marketing) nói riêng, và digital marketing nói chung trong hoạt động kinh doanh. Thiết nghĩ, đây là những vấn đề mà doanh nghiệp cần quan tâm cho chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh trong thời đại công nghệ số hiện nay.

Về cuộc điều tra HVNCLC 2018:

Cuộc điều tra bình chọn (thường niên) Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao (HVNCLC) năm thứ 22 do Hội Doanh nghiệp HVNCLC chủ trì thực hiện đã khép lại sau 3,5 tháng, với 17.300 phiếu đạt chuẩn.

380 phỏng vấn viên trên toàn quốc đã thực hiện phỏng vấn trực tiếp 13.000 hộ gia đình và 3.000 điểm bán tại 12 tỉnh, thành phố là những trung tâm kinh tế trọng điểm của cả nước (miền Bắc, miền Trung – Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ). Ngoài ra, cuộc điều tra năm nay còn thực hiện ghi nhận ý kiến bình chọn đánh giá của người tiêu dùng (NTD) thông qua kênh trực tuyến (online), đây là căn cứ đối chiếu với kết quả điều tra trực tiếp nhằm đảm bảo tính khách quan và độ tin cậy của kết quả bình chọn.

Việt Nam gần “đội sổ” ở Đông Nam Á về mua sắm online



Bài viết mới