Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, mặc dù có nhiều bất ổn về chính trị, phương thức thanh toán đôi khi còn chưa thuận tiện nhưng Trung Đông được đánh giá là thị trường còn nhiều dư địa tăng trưởng cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam do nhu cầu hải sản đang tăng và ngày càng trở thành món ăn không thể thiếu trên bàn tiệc và trong các bữa ăn gia đình của người dân Trung Đông.
Theo VASEP, trong giai đoạn từ 2007-2017, giá trị xuất khẩu (XK) thủy sản chung của Việt Nam sang thị trường Trung Đông đạt trung bình khoảng 300 triệu USD/năm. XK thủy sản sang thị trường này đạt cao nhất vào năm 2014 với trên 328 triệu USD nhờ đồng USD tăng giá và đạt thấp nhất vào năm 2007 với 78 triệu USD khi thị trường này còn chưa được chú ý nhiều. Từ 2007 – 2012, XK thủy sản sang thị trường này tăng trưởng liên tục. Từ 2013-2017, XK sang thị trường này tăng, giảm thất thường.
Nguồn: VASEP
Trong năm 2017, top 5 thị trường nhập khẩu (NK) lớn nhất thủy sản Việt Nam gồm Israel (75 triệu USD), Ả Rập Xêut (65 triệu USD), UAE (45,5 triệu USD), Ai Cập (31,4 triệu USD), Iraq (10 triệu USD).
Nguồn: VASEP
Thủy sản liên tục nằm trong nhóm 5 mặt hàng XK lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Những mặt hàng thủy sản XK sang thị trường này chủ yếu là cá tra, tôm, một số sản phẩm hải sản đóng hộp như cá ngừ, cá sacdin, cá thu và một số loại cá khô khác. Mặt hàng cá tra của Việt Nam đã có chỗ đứng và tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng trong khu vực.
Cá tra, tôm, cá ngừ là 3 mặt hàng thủy sản chính XK sang thị trường Trung Đông trong đó cá tra chiếm tỷ trọng cao nhất. Năm 2017, trong tổng cơ cấu các sản phẩm thủy sản XK sang Trung Đông, cá tra chiếm tỷ trọng cao nhất 47%, cá ngừ chiếm 30% và tôm chiếm 18%.
Từ 2007-2017, tỷ trọng cá tra giảm từ 73% xuống còn 47%, tỷ trọng tôm tăng từ 11% lên 18%, tỷ trọng cá ngừ tăng từ 9% lên 30%. Tỷ trọng cá tra XK sang thị trường này có xu hướng giảm trong khi tỷ trọng cá ngừ ngày một tăng, tỷ trọng tôm tăng từ 2007 đến 2015, tuy nhiên từ 2016 đến nay có xu hướng giảm.
Cá tra luôn chiếm tỷ trọng cao nhất trong số các mặt hàng thủy hải sản XK sang Trung Đông với tỷ trọng trung bình khoảng 60% từ năm 2007-2017. Từ năm 2007 – 2017, Việt Nam XK chủ yếu sản phẩm cá tra phile đông lạnh (thuộc mã HS 0304) sang Trung Đông, sản phẩm cá tra chế biến (thuộc mã HS 16) vẫn chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn.
Saudi Arabia, Ai Cập và UAE là 3 thị trường NK cá tra, basa lớn nhất của các DN Việt Nam, trong đó, Saudi Arabia là thị trường có xuất phát điểm thấp nhất nhưng lại có bước tăng trưởng nhanh nhất, mạnh mẽ nhất trong khu vực.
Theo thống kê của ITC, Việt Nam là nguồn cung cá tra lớn nhất và duy nhất của Saudi Arabia. Tốc độ tăng trưởng NK sản phẩm cá tra của Saudi Arabia khá tốt. Năm 2016, cá tra, basa chiếm thị phần lớn nhất trong cơ cấu NK cá thịt trắng của Saudi Arabia, tiếp đó là thịt cá rô phi (HS 030493); cá rô phi đông lạnh (HS 030323), cá rô phi tươi, ướp lạnh (HS 030271). Ngoài ra, thị trường này cũng NK một số sản phẩm cá thịt trắng khác như cá hake tươi, ướp lạnh (HS 030254), cá cod đông lạnh (HS 030363), thịt cá Alaska pollock (HS 030494)…
Năm 2016, Việt Nam là thị trường nguồn cung cá thịt trắng lớn nhất của Saudi Arabia chiếm 43% tổng NK, tiếp đó là thị trường Myanmar, Ai Cập, Đài Loan, Bangladesh, Thái Lan… Ngoài NK cá tra, basa và cá rô phi từ Việt Nam, Saudi Arabia cũng NK cá tra đông lạnh (HS 030324), cá rô phi (HS 030461) từ Myanmar;cá rô phi đông lạnh (HS 030323) từ Thái Lan, cá rô phi tươi, ướp lạnh (HS 030271) từ Ai Cập.
Sự khó khăn, rào cản kỹ thuật, thương mại tai các thị trường lớn như Mỹ, EU khiến các nhà XK chuyển hướng mạnh mẽ hơn sang thị trường Châu Mỹ, Châu Á, trong đó có Saudi Arabia.
VASEP cho biết, trong thời gian tới, nhu cầu NK cá tra của Saudi Arabia khá tốt, do đó, các DN XK cá tra có thể tập trung hơn vào thị trường này. Với Ai Cập và UAE nhu cầu tiếp tục ổn định. Sản phẩm cá tra phile đông lạnh cũng vẫn là lựa chọn ưu tiên trong thời gian tới của các khách hàng Trung Đông.