Vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bấm nút khởi công tổ hợp sản xuất ôtô thương hiệu VinFast của VinGroup tại Hải Phòng, với lời khẳng định, ôtô không chỉ là ôtô mà còn là một thương hiệu quốc gia.
Khi ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Pan Group tuyên bố đã chính thức sở hữu cổ phần chi phối tại Bibica… khát khao về việc xây dựng và giữ gìn những thương hiệu Việt một lần nữa được khơi dậy, trong bối cảnh đã có quá nhiều thương hiệu do người Việt làm ra, do người Việt xây dựng, bây giờ chỉ còn là những cái tên vang bóng một thời.
Ngày nay, bước chân vào đa số các cửa hàng dược phẩm, người ta không còn tìm thấy Cao Sao Vàng một thời dành đã gắn bó với tuổi thơ của không biết bao nhiêu người Việt. Đi siêu thị, cũng chẳng thể mua được kem đánh răng Dạ Lan đã từng làm mưa làm gió trên thị trường nhiều năm về trước…
Giành và giữ
Có quá nhiều thương hiệu Việt từng là niềm tự hào, bây giờ đang dần tàn lụi, thậm chí chỉ còn trong ký ức của các thế hệ người Việt hôm qua và hôm nay. Còn tương lai, xây dựng và giữ gìn thương hiệu Việt sẽ là một cuộc chiến thực sự không đơn giản, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu và rộng.
Hơn nữa, tiềm lực tài chính của đa số các doanh nghiệp Việt còn mỏng và khả năng quản trị của tầng lớp doanh nhân non trẻ còn yếu nên khả năng bị khuất phục trước làn sóng mua bán, sáp nhập và thâu tóm doanh nghiệp là không thể tránh khỏi.
Bibica, một thương hiệu bánh kẹo của người Việt, đã có lúc lao đao vì rơi vào một cuộc chiến giành giật và tham vọng thâu tóm của một nhà đầu tư nước ngoài – Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc. Đã có lúc, thương hiệu Việt ấy, tưởng chừng sẽ mất. Tức là, lại có thêm một thương hiệu Việt rơi vào tay những người ngoại quốc, tương tự như thương hiệu gạch Prime của Việt Nam đã rơi vào tay người Thái.
Câu chuyện của Bibica, Lotte và một nhà đầu tư Việt Nam – Pan Group, đã từng tốn rất nhiều giấy mực. Tất cả vì một cuộc chiến giữa một bên muốn giành và những con người muốn giữ lại một cảm giác ngọt ngào của thương hiệu Việt.
Cách đây vài ngày, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Pan Group đã vui mừng thông báo về việc đã thực hiện được mong mỏi giữ gìn thương hiệu Việt.
“Hôm nay, chúng tôi chính thức sở hữu chi phối Bibica, đưa Bibica, Lafooco, Aquatex Bến Tre về chung một mái nhà Pan Food. Trong 5 năm kể từ khi chúng tôi đầu tư và gắn bó với Bibica, công ty đã tăng trưởng đáng kể về doanh thu, lợi nhuận và cả giá cổ phiếu. Lợi nhuận năm 2016 đạt 81,3 tỉ đồng, gấp 3,14 lần năm 2012. Điều quan trọng là chúng tôi đã giữ lại được và phát triển được một thương hiệu Việt nữa”, ông Hưng viết trên trang cá nhân của mình.
Đây là một ví dụ cho thấy, vẫn còn rất nhiều người không muốn bán lúa non mà muốn giữ gìn thương hiệu Việt. Đây cũng là một bằng chứng cho thấy, làm được điều đó, thực sự không hề đơn giản.
Thay đổi, hay là chết?
Vì những lý do khác nhau, nhiều thương hiệu Việt từng có đóng góp đáng kể trong sự vận động của nền kinh tế và tiến trình phát triển đất nước, đang bị rơi vào tình trạng ngày càng teo tóp, sự hiện diện trên thị trường ngày càng thưa thớt, tên tuổi ngày càng bị lùi dần vào quên lãng.
Một loạt thương hiệu Việt được coi là vàng son vào nhiều năm về trước, như diêm Thống Nhất, Xe đạp Thống Nhất, cơ khí Thăng Long… đang đứng trước bờ vực của sự lụi tàn, nếu không có những thay đổi đột phá trong chiến lược phát triển. Quan sát sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp Việt Nam, nhiều người đã chỉ ra rằng, vòng đời của một thương hiệu Việt, thường không tồn tại được quá 30 năm.
Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng trong các trường hợp không chịu vận động theo sự đổi mới của nền kinh tế, sự hội nhập quốc tế, theo dòng chảy mới về tài chính, quản trị và sáng tạo. Thực tế, nếu như ở lĩnh vực hàng thực phẩm, vẫn có một Vinamilk vươn lên mạnh mẽ sau hơn 40 năm phát triển, thì ở lĩnh vực công nghiệp điện, vẫn còn một Điện Quang đang sáng rực ở thị trường chiếu sáng hiện nay.
Sau một hành trình phát triển suốt từ khi thành lập vào năm 1973, thăng trầm là không thể tránh khỏi. Cho đến hôm nay, 45 năm đã trôi qua, từ một xí nghiệp bóng đèn điện, Điện Quang đã ghi danh trở thành một thương hiệu vang bóng, nhưng cái bóng ấy vẫn đang hiện hữu, vẫn lớn nhất trên thị trường chiếu sáng Việt Nam, chứ không phải là sự vang bóng một thời.
“Ở đâu có điện, ở đó có Điện Quang”. Điện Quang đã mang đến ánh sáng đi cùng với sự phát triển, để cùng bao nhiêu thế hệ người Việt sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Bóng đèn Điện Quang, cũng như sữa Vinamilk, đã in sâu vào trong tâm thức của người Việt đến tận bây giờ.
Những thương hiệu này có nhiều điểm giống nhau là cùng sớm thoát ra khỏi sự tư duy quản lý kinh tế nhà nước bằng cách cổ phần hoá. Từ năm 2005, Điện Quang đã thực hiện cổ phần hoá, đưa mọi hoạt động của công ty trở nên minh bạch.
Chỉ ba năm sau, tức vào năm 2008, mã chứng khoán DQC của Điện Quang đã chính thức niêm yết trên thị trường chứng khoán. Từ đây, mọi hoạt động của công ty, từ tài chính đến quản trị, đến chiến lược phát triển đều công khai và lãnh đạo công ty chịu trách nhiệm trước cổ đông và các cơ quan quản lý nhà nước.
Kết quả của những quyết định chịu thay đổi ấy được thể hiện bằng những con số. Năm 2008, doanh thu của công ty này chỉ đại 390 tỷ đồng, lợi nhuận 1,6 tỷ đồng. Nhưng chỉ 5 năm sau, tức 2013, doanh thu của Điện Quang đã lên đến 800 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế là 123 tỷ đồng. Đến năm 2016, lợi nhuận của Điện Quang đã lên đến 204 tỷ đồng. .
Kết quả kinh doanh của Điện Quang – một thương hiệu lâu đời.
Là chủ tịch hội đồng quản trị Điện Quang, ông Hồ Quỳnh Hưng luôn nhấn mạnh công tác nghiên cứu, sáng tạo để tồn tại và phát triển, đặc biệt trong bối cảnh thị trường buớc vào cuộc cạnh tranh gay gắt với các nhà sản xuất khác.
Công tác nghiên cứu các sản phẩm mới, với tính năng khác biệt, áp dụng đón đầu các công nghệ của cuộc các mạng công nghệ 4.0 vào sản xuất được chú trọng đặc biệt.
Hiện nay, không dừng lại ở bóng đèn chiếu sáng đơn thuần, Điện Quang đã chú trọng vào việc ra mắt các sản phẩm smartlighting, chip led chiếu sáng, thiết bị điện tử công nghệ cao…
Sự tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp không đơn thuần chỉ vì chính nó, mà chắc chắn còn vì cả nền kinh tế. Thương hiệu của doanh nghiệp không phải chỉ có ý nghĩa với cổ đông – những người chủ doanh nghiệp đó, mà nó có ý nghĩa với sự phát triển quốc gia, niềm tự hào dân tộc.
Mỗi thương hiệu được sinh ra đều có sứ mệnh của mình trong dòng chảy phát triển. Các doanh nghiệp dược vì sức khoẻ người Việt. Doanh nghiệp sữa vì sức vóc người Việt. Thì như Điện Quang, ông Hồ Quỳnh Hưng luôn nhấn mạnh là để giữ lấy thị trường trong nước, đẩy lùi hàng Trung Quốc kém chất lượng.