Thuốc thử IPO nặng đô kế tiếp cho TTCK

Ngay từ đầu năm 2018, thị trường chứng khoán (TTCK) đã bị ảnh hưởng từ liều thuốc thử IPO tỷ đô của 5 ông lớn gồm Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR); Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil); Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power); Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) và Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGenco3).

Chưa có số liệu thống kê đầy đủ về việc dòng tiền trên thị trường niêm yết rút ra để đóng tiền cho các đợt IPO hay không, tuy nhiên do cộng hưởng một phần từ TTCK thế giới và tâm lý giảm margin trước kỳ nghỉ Tết đã khiến Vn-Index giảm hơn 100 điểm trong tuần đầu tháng 2.

Tuy nhiên, đây mới là liều thuốc thử đầu tiên. Ngay sau kỳ nghỉ lễ này thị trường sẽ lại trải qua một đợt khảo nghiệm khác; tuy quy mô nhỏ hơn nhưng tính chất cộng hưởng nối tiếp từ đợt IPO trước sẽ một lần nửa kiểm định chất lượng của dòng vốn trên thị trường.

Chưa thể so sánh với đợt IPO “26.000 tỷ” trước kỳ nghỉ lễ nhưng sự xuất hiện của những cái tên nổi tiếng khác cũng được đánh giá khá cao và là bài thuốc thử vừa phải cho giai đoạn này. Đây là “Tam anh” IPO gồm Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro); Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) và Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV (Protrade Corp).

Thuốc thử IPO nặng đô kế tiếp cho TTCK - Ảnh 1.

Mặc dù đợt IPO này vẫn còn nhiều doanh nghiệp khác cũng thực hiện bán đấu giá nhưng xét về quy mô vốn và tiếng tăm, có lẽ 3 cái tên trên là các doanh nghiệp có thể gây tác động đến dòng tiền trên thị trường chứng khoán.

“Tam anh” đấu giá gần 2.500 tỷ đồng

Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) sẽ là cái tên đầu tiên “xuất trận” khi thực hiện đấu giá bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào lúc 9h sáng ngày 14/3.

Theo đó, Vinafood II sẽ đấu giá công khai 114,8 triệu cổ phiếu, tương đương gần 23% vốn điều lệ. Với giá khởi điểm 10.100 đồng/cổ phần, giá trị Nhà nước thu về vào khoảng 1.160 tỷ đồng cũng là phiên bán vốn lớn nhất trong đợt này.

Theo phương án cổ phần hóa, vốn điều lệ của tổng công ty sau cổ phần hóa là 5.000 tỷ đồng. Trong đó, Bộ NN&PTNT chiếm 51% vốn; khối lượng IPO chiếm tỷ lệ 23%; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động 5 triệu cổ phần; cổ phần bán cho tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp 200.000 cổ phần; cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược 125 triệu cổ phần, chiếm 25% vốn điều lệ.

Vinafood II là đơn vị giữ vai trò chính trong việc đàm phán, bán hàng với các nước nhập khẩu gạo, cũng như mở rộng và phát triển thị trường xuất khẩu cho hạt gạo Việt. Nửa đầu năm 2017, doanh thu của tổng công ty đạt 4.433 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp chỉ đạt gần 200 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, Vinafood 2 lỗ ròng tới 118 tỷ đồng sau nửa năm.

Về lộ trình bán cổ phần cho NĐT chiến lược, mới đây Vinafood II cho biết mới nhận được duy nhất hồ sơ đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược từ Công ty cổ phần Tập đoàn T&T khi thời điểm cổ phần hoá cận kề.

Kế đến, một “Tổng” khác từ Bình Dương cũng thực hiện IPO là Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV (Protrade Corp). Phiên đấu giá dự kiến diễn ra vào 9h ngày 28/3.

Cụ thể, Protrade Corp sẽ thực hiện chào bán 30 triệu cổ phần, chiếm 10% vốn điều lệ (3.000 tỷ đồng) ra công chúng với giá khởi điểm 12.000 đồng/cp, như vậy nếu chào bán thành công Tổng công ty sẽ thu về tối thiểu khoảng 360 tỷ đồng.

Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương tiền thân là Xí nghiệp sản xuất hàng cao su 3/2 được thành lập vào năm 1982 theo quyết định số 02/QĐTU do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sông Bé ban hành. Từ 2010, Protrade Corp được chuyển đổi hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con.

Đây cũng là tổng công ty thứ 3 đến từ Bình Dương tiến hành IPO trong khoảng thời gian vừa qua. Trước đó, Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ – TNHH Một thành viên (Thalexim) và Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp – TNHH MTV (Becamex IDC) đều đã thực hiện IPO và cũng đã đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Cuối cùng, một đại diện từ miền Bắc là Công ty mẹ – Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) sẽ tiến hành IPO vào lúc 8h30 ngày 30/3 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Theo đó, Hapro sẽ thực hiện chào bán 75,93 triệu cổ phần, chiếm 34,51% vốn điều lệ. Giá khởi điểm được xác định là 12.800 đồng/cp, nếu thành công Hapro dự kiến thu về tối thiểu 971 tỷ đồng.

Với phương án cổ phần hóa, vốn điều lệ của Hapro là 2.200 tỷ đồng tương ứng với 220 triệu cổ phần. Hình thức cổ phần hóa là kết hợp hình thức bán toàn bộ phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa phát hành thêm để tăng vốn điều lệ.

Về cơ cấu vốn điều lệ, Nhà nước không nắm giữ cổ phần; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 1.074.000 cổ phần, chiếm 0,49% vốn điều lệ; 75,93 triệu cổ phần bán đấu giá công khai, chiếm 34,51% vốn điều lệ; 143 triệu cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 65% vốn điều lệ.

Hapro hiện hoạt động theo mô hình Công ty mẹ – Công ty con với trên 40 đơn vị thành viên, có thị trường tại hơn 70 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong năm 2017, doanh thu thuần của Hapro giảm 17% còn 1.927 tỷ đồng; cộng thêm doanh thu tài chính sụt giảm mạnh khiến cho lợi nhuận trước thuế của tổng công ty chỉ bằng 1/6 năm 2016 đạt 11 tỷ đồng.

Liều thuốc thử vừa phải

Có thể nhận thấy một hiện tượng trong tháng đầu của năm 2018 là “trâu chậm uống nước đục”. Dễ dàng nhận thấy sự “hụt hơi” của dòng tiền trong các đợt IPO sau này với sự suy giảm mạnh về lượng đăng ký, mà điển hình nhất là 2 phiên IPO khá ế ẩm của VRG và EVNGenco3. Điều này liệu có lặp lại?

TTCK sau đợt điều chỉnh mạnh đã có lúc rớt xuống 1.000 điểm nhưng hiện tại vẫn duy trì tốt chỉ số và dần tiến về mốc 1.100 điểm. Do vậy, nếu vượt qua bài kiểm tra lần này, thị trường sẽ có đủ niềm tin và mạnh mẽ tiến nhanh đến những mốc mới.

Không giống đợt IPO khủng trước đó, quy mô đợt bán cổ phần này thấp hơn rất nhiều (quy mô khoảng 1/10) nhưng vẫn đặt ra nhiều lo ngại từ ảnh hưởng “cộng hưởng” từ đợt trước. Lượng tiền chôn vào đợt IPO trước vẫn chưa thể nhanh chóng chốt lời và lượng tiền trên TTCK sẽ lần nữa rút thêm ra cho đợt IPO này. Do vậy, đây có thể xem là liều thuốc thử vừa phải.

Hiện nay về quỹ đầu tư, nếu như PYN Elite vẫn tăng cường mua vào cổ phiếu trên sàn thì hai nhà quản lý quỹ lớn nhất thị trường Việt Nam là Dragon Capital và VinaCapital thời gian qua lại đang dần thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp như PVS, FPT, VGT,… và cũng đã rất tích cực tham gia trong các đợt IPO vừa qua.

Ngoài ra, dòng tiền “nóng” vào Việt Nam thời gian qua cũng tăng rất mạnh, đặc biệt là dòng vốn từ Hàn Quốc và Thái Lan giúp thị trường đủ sức vượt qua bài kiểm tra này cũng như nhiều thử thách khác trong thời gian tới.

Bài viết mới