Từ đầu năm 2018, tức chỉ còn hơn một tháng rưỡi nữa, làn sóng ô tô nhập khẩu giá rẻ từ các nước ASEAN có thể sẽ đổ vào Việt Nam do thuế giảm từ 30% xuống còn 0%.
Thế nhưng đến thời điểm này, giữa các doanh nghiệp (DN), cơ quan nghiên cứu và nhà hoạch định chính sách vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Tranh cãi về thuế
Bộ Tài chính mới đây đã trình Chính phủ đề xuất điều chỉnh thuế suất nhập khẩu linh kiện ô tô về 0%. Qua đó nhằm giúp các hãng sản xuất ô tô trong nước giảm chi phí sản xuất, từ đó giảm giá xe, tăng lợi thế cạnh tranh với xe nhập khẩu.
Điều kiện để được hưởng thuế suất 0% là linh kiện không sản xuất được ở Việt Nam. Bên cạnh đó còn phải đáp ứng nhiều điều kiện khác như sản lượng tối thiểu phải đạt từ 34.000 xe/năm.
Sau đề xuất này đã nổ ra tranh cãi lớn. Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) không tán đồng với đề xuất trên. Ông Toru Kinoshita, Chủ tịch VAMA, cho rằng nên giảm hoặc bãi bỏ thuế nhập khẩu linh kiện từ năm 2018 cho tất cả nhà sản xuất ô tô và các nhà sản xuất linh kiện ô tô mà không gắn với điều kiện về sản lượng, tỉ lệ nội địa hóa. Lý do là từ năm 2018, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN bằng 0%, nếu tiếp tục duy trì chính sách thuế nhập khẩu linh kiện như hiện nay sẽ trở thành chính sách thuế hỗ trợ nhập khẩu thay vì khuyến khích sản xuất, lắp ráp trong nước.
Giá ô tô tại Việt Nam cao gấp hai, ba lần các nước vì chi phí cao hơn nhiều so với Thái Lan, Indonesia… Ảnh: QUANG HUY
Trong kiến nghị gửi các cơ quan chức năng, Công ty Cổ phần Ô tô TMT cũng cho rằng từ ngày 1-1-2018, ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN về Việt Nam đều áp dụng mức thuế suất nhập khẩu 0%. Nhưng vẫn còn nhiều dòng thuế linh kiện ô tô nhập khẩu chịu mức thuế suất từ 3% đến 25% nên ô tô sản xuất lắp ráp trong nước phải chịu thuế suất cao. Điều này dẫn đến giá thành sản xuất xe trong nước tăng cao, làm xe trong nước khó cạnh tranh với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN.
Ngược lại, Bộ Tài chính lập luận nếu giảm thuế không gắn với yêu cầu về sản lượng và tỉ lệ nội địa hóa thì khó duy trì được ngành công nghiệp ô tô. Bà Nguyễn Thanh Hằng, Vụ phó Vụ Chính sách thuế – Bộ Tài chính, nói: “Các DN, hiệp hội đề nghị giảm thuế nhập khẩu linh kiện trong khi lại muốn phát triển công nghiệp phụ trợ. Đó là nghịch lý. Tôi khá thất vọng với các giải pháp mà VAMA nêu ra. Thực tế từ năm 2004 đến nay dù nhận nhiều ưu đãi, tại sao nội địa hóa vẫn thấp? Vậy các DN có thực sự muốn nâng nội địa hóa hay không? Muốn làm công nghiệp hỗ trợ hay không?” – bà Hằng đặt vấn đề.
Cũng theo bà Hằng, các DN đừng nên tập trung quá nhiều vào chính sách thuế mà cần có các giải pháp khác. “Mong các hãng ô tô ủng hộ, không nên đến thời điểm này mà còn đưa ra quan điểm khác hẳn như thế” – bà Hằng nhấn mạnh.
Đã quá muộn
Ông Nguyễn Minh Đồng, cựu chuyên gia thiết kế máy ô tô của hãng Volkswagen (Đức), ủng hộ việc miễn thuế nhập khẩu linh kiện ô tô và cần thực hiện ngay vì đã quá muộn. Tuy nhiên, ông Đồng cho rằng chỉ miễn thuế về 0% cho các linh kiện, phụ tùng kỹ thuật cao mà hiện tại Việt Nam chưa sản xuất được như động cơ, hộp số.
“Còn những linh kiện, phụ tùng ô tô đơn giản mà Việt Nam đã sản xuất được thì ngược lại cần phải tăng thuế cao như bố thắng, gạt nước. Khi đó mới tác động đến các DN ô tô trong nước để họ tự đầu tư sản xuất nhằm tăng tỉ lệ nội địa hóa cao hơn” – ông Đồng phân tích.
Theo đại diện một DN ô tô, thời điểm năm 2018 không chỉ là cuộc đấu giữa các hãng xe trong nước và nhập khẩu mà còn là cuộc chiến giữa các nước trong khối ASEAN như Indonesia, Thái Lan. Những nước này đang hỗ trợ rất nhiều cho các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô của họ để tận dụng cơ hội thuế nhập khẩu xe từ các nước ASEAN về 0%. Vì vậy, giờ không phải là lúc ngồi tranh cãi nhau.
Kêu cứu Thủ tướng
Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) vừa gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ bày tỏ quan ngại về một số quy định mới với DN sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô tại Nghị định số 116/2017 có hiệu lực từ ngày 17-10-2017. Ví dụ nghị định này yêu cầu khi tiến hành kiểm tra, thử nghiệm, DN nhập khẩu ô tô phải cung cấp cho cơ quan quản lý chất lượng các giấy tờ sau: Bản sao giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài. VAMA cho hay giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu không tồn tại ở nhiều quốc gia, do vậy quy định này làm khó nhà nhập khẩu.
Ngược lại, Bộ Công Thương lại cho rằng nghị định này giúp các DN trong nước và DN đầu tư nước ngoài cạnh tranh công bằng hơn, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
“Trước mắt cần giảm thuế thu nhập DN, miễn thuế giá trị gia tăng cho những công ty sản xuất, lắp ráp ô tô cỡ nhỏ có số lượng lớn. Đặc biệt tạo điều kiện, hỗ trợ những đơn vị xuất khẩu ô tô ra các nước trong khu vực” – đại diện DN này đề xuất.
Tán đồng với quan điểm này, nhiều ý kiến khác cho rằng chính sách thuế về ô tô phải nhất quán, không nên “lúc nóng, lúc lạnh”, DN không biết đường nào mà lần. Đặc biệt nếu chỉ loay hoay với thuế thấp hay cao và tiếp tục tư duy chính sách như lâu nay thì giá xe ở Việt Nam sẽ tiếp tục đắt gấp hai, ba lần so với ở các nước và công nghiệp ô tô vẫn chỉ là giấc mơ.
“Ngay từ những năm 2000, Thái Lan đã có chính sách hỗ trợ có chọn lọc ngành ô tô như giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với dòng xe bán tải và họ đã gặt hái thành công. Đây là bài học để Việt Nam có thể nghiên cứu” – một chuyên gia gợi ý.
Cạnh tranh ô tô sẽ rất khốc liệt
Ông Bùi Kim Kha, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco), cho rằng hiện nay các nhà sản xuất ô tô Việt Nam vẫn phải nhập khẩu phần lớn các loại linh kiện vì chưa sản xuất được. Cùng với đó DN còn phải đóng mức thuế nhập khẩu linh kiện khá cao, từ 15% đến 25% tùy loại linh kiện. Đây là lý do khiến chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn nhiều so với Thái Lan và Indonesia.
Sau năm 2018, khi thuế nhập khẩu từ ASEAN giảm về 0%, các nhà sản xuất ô tô của Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt đối với dòng sản phẩm nhập từ Thái Lan và Indonesia vốn có lợi thế cạnh tranh về chi phí. Vì vậy việc miễn, giảm thuế nhập khẩu sẽ giúp DN giảm được chi phí sản xuất.