Vẫn nước chảy chỗ trũng?
Năm 2017 được cho là năm kinh doanh thành công của ngành ngân hàng, trong đó có nhiều nhà băng đạt mức lãi chưa từng có trong lịch sử ngành nói chung cũng như của chính ngân hàng mình nói riêng.
Trong khối ngân hàng quốc doanh, dẫn đầu là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – VCB) với lợi nhuận trước thuế trước dự phòng rủi ro là 17.206 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ 2016 và đạt 111% kế hoạch 2017.
Sau khi trừ dự phòng, lợi nhuận trước thuế đạt 11.018 tỷ đồng, tăng 32,9% so với năm 2016 và là con số cao nhất từ trước tới nay. Đồng thời con số hơn 11.000 tỷ cũng là lợi nhuận cao nhất của một ngân hàng Việt đạt được cho đến thời điểm này.
Cùng với lợi nhuận, cổ phiếu của Vietcombank năm 2017 cũng ghi nhận mức cao kỷ lục (đã tính đến các yếu tố điều chỉnh), cho đến ngày 12-1 là trên 58.000 đồng, nâng vốn hóa thị trường lên trên 155 nghìn tỷ đồng, là ngân hàng có vốn hóa cao nhất ngành và nằm trong top đầu của toàn thị trường chứng khoán.
Xếp sau Vietcombank, 2 “ông lớn” là VietinBank và BIDV có lợi nhuận trước thuế ước đạt 9.206 tỷ và 8.800 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu của Đại hội đồng cổ đông đề ra.
Ở khối ngân hàng cổ phần, VPBank gây ấn tượng mạnh mang tính đột phá với thông báo tổng thu nhập hoạt động trong năm 2017 đạt hơn 25.023 tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2016.
Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 36%, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt hơn 1.448 tỷ đồng, tăng 70% so với năm 2016. Tăng trưởng lợi nhuận hợp nhất trước và sau thuế của VPBank trong năm 2017 đạt gần 65%, tương đương 8.126 tỷ đồng và 6.438 tỷ đồng.
Cũng có mức tăng trưởng mạnh gây chú ý, HDBank báo lãi 2.420 tỷ đồng trong năm 2017 và dự kiến lợi nhuận bình quân tăng 37%/năm trong 3 năm tới.
Ngoài ra, nhóm ngân hàng có quy mô nhỏ cũng cho thấy tiềm lực bứt phá ngoạn mục của mình. Dù sự chuyển biến mới đang ở điểm khởi đầu, nhưng Ngân hàng Kiên Long (Kienlong Bank) đã đạt lợi nhuận trước thuế đã đạt 259,5 tỷ đồng, tăng tới 71% so với năm 2016.
Có tốc độ mạnh hơn nữa, Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng cho biết đã đạt lợi nhuận trước thuế 1.405 tỷ đồng trong năm qua, tăng trưởng tới 100% so với cùng kỳ năm trước và đạt tới 187% kế hoạch cả năm.
Hay như Ngân hàng An Bình (ABBank) cũng đã tạo được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận lên tới 115% trong năm 2017, với 619 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế…
Tuy nhiên, bên cạnh những ngân hàng “ăn nên làm ra”, vẫn còn những ngân hàng chỉ lãi vài chục tỷ.
Vietcombank đạt lợi nhuận trước thuế 11.018 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay.
Thưởng Tết bao nhiêu?
Theo tính toán của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, lợi nhuận trước thuế của các tổ chức tín dụng năm 2017 tăng hơn 40% so với năm 2016; lợi nhuận sau thuế cũng ước tăng 44,5%.
Thu nhập từ hoạt động tín dụng tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng do tín dụng tăng tương đối đều ngay từ những tháng đầu năm.
Lãi thuần từ hoạt động tín dụng tăng 33,1% so với năm 2016, chiếm 79% tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh. Bước sang năm 2018, nhiều ngân hàng Việt đang lạc quan với triển vọng kinh doanh của mình.
Khảo sát vừa được Vụ Dự báo thống kê (Ngân hàng Nhà nước) thực hiện trên toàn hệ thống cho thấy, dự kiến trong năm 2018, có tới 92,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị sẽ tăng trưởng dương so với năm 2017, với mức tăng trưởng toàn hệ thống bình quân kỳ vọng đạt 19,33%, cao hơn nhiều so với mức bình quân kỳ vọng 13,4% của các tổ chức tín dụng tại cuộc khảo sát cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận khủng, nên mức thưởng Tết đang “nóng” ở khối ngân hàng, sau khi có thông tin một ngân hàng thưởng Tết mức cao nhất lên đến 1,5 tỷ đồng.
Một thông tin khác cho biết có nhà băng sẽ thưởng Tết cho nhân viên tới 7-8 tháng lương. Tuy nhiên, khi được hỏi, một số “người trong cuộc” cho biết đến thời điểm này vẫn “đang ngóng”.
Nhiều ý kiến cho rằng dù lợi nhuận cao, thưởng Tết có thể tăng hơn năm ngoái nhưng sẽ không thể có đột biến và không có kiểu “cào bằng”, thậm chí những nhân viên không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ không có thưởng Tết.
Song, dù có thưởng nhiều đến mấy, thì mức cao nhất cũng chỉ rơi vào tầm 3 tháng lương, khó có thể lên tới 7-8 tháng lương như “đồn đoán, hoặc 8 tháng lương chỉ là lương kinh doanh, vì một số ngân hàng chia lương thành 2 mức: lương cứng và lương kinh doanh, trong đó lương cứng chiếm 80% và lương kinh doanh chỉ chiếm 20%.
Do vậy, nếu thực sự có thưởng tới 8 tháng lương đi chăng nữa, thì mức thưởng cũng không cao như đồn đoán.