TIN MỚI
Trước khi Qatar phát hiện dầu mỏ vào năm 1939, cuộc sống ở vùng Vịnh chỉ xoay quanh ngọc trai. Những viên ngọc óng ánh đã định hình văn hoá, chính trị và cả đời sống của người dân nơi đây trong hơn 7.000 năm.
Với độ bóng và sáng rực rỡ, ngọc trai vùng Vịnh đặc biệt thu hút giới quý tộc và tầng lớp trung lưu mới nổi ở châu Âu và Mỹ. Chúng chủ yếu được dùng để làm trang sức cho giới quý tộc và người nổi tiếng trên khắp thế giới.
Ngọc trai đắt giá được đính trên thảm Baroda.
Cùng với các nước láng giềng, Qatar đã đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng trên toàn cầu. Vào năm 1907, 48% trong tổng số 27.000 dân ở Qatar làm việc trong lĩnh vực chế tác ngọc trai.
Các thương nhân buôn bán ngọc trai và những người kiểm soát đội tàu chở ngọc là những người tích luỹ được khối tài sản khổng lồ từ báu vật của thiên nhiên. Trong khi đó, những thợ lặn ngọc trai thì có cuộc sống khá khắc nghiệt khi phải dành 4 tháng mùa hè trên biển. Họ sẽ phải tiết kiệm thức ăn và nước uống. Với 50-60 lần lặn mỗi ngày, họ còn phải đối mặt với nguy cơ bị cá mập tấn công hoặc mắc các bệnh về da.
Đến thập niên 1930, mặt hàng xuất khẩu chính của Qatar vẫn là ngọc trai. Nhưng với sự phát triển của công nghệ nuôi cấy ngọc trai từ Nhật Bản, ngành khai thác ngọc trai tự nhiên ở vùng Vịnh đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Thông thường, 8.000 con vớt từ biển mới thu được 5-15 viên ngọc trai, chưa kể là chúng không phải lúc nào cũng đẹp. Nhưng với ngọc trai nhân tạo, 8.000 con sẽ cho ra những viên ngọc với đúng hình dạng, màu sắc và kích thước mong muốn.
Vì thế, đây được xem như là dấu chấm hết cho ngành khai thác ngọc trai tự nhiên ở Qatar. Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, không một chiếc thuyền chở ngọc trai nào rời cảng Doha. Những con tàu lớn nằm phơi mình và dần mục nát trên bờ biển.
Lặn mò ngọc trai ở Qatar.
Sự xuất hiện của dầu mỏ chỉ là một phần dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng và khốc liệt của ngành khai thác ngọc trai ở vùng Vịnh. Nhưng di sản phong phú của ngành này thì vẫn được lưu giữ trong bảo tàng quốc gia.
Tại Qatar ngày nay, các tài liệu về khai thác ngọc trai trước kia vẫn được gìn giữ cẩn thận. Các công trình nghệ thuật công cộng với chủ đề ngọc trai được đặt ở nhiều nơi, chẳng hạn như Đài tưởng niệm Ngọc trai ở lối vào Cảng Dhow của Doha.
Đài tưởng niệm Ngọc trai ở Doha, Qatar.
Du khách vẫn có thể mua sắm những viên ngọc trai quý hiếm và đắt đỏ ở vùng Vịnh tại cửa hàng The Old Pearl Diver. Cửa hàng này do ông Saad Ismail Al Jassem, 80 tuổi, điều hành. Ông nhận mình là một trong những thợ lặn mò ngọc trai tự nhiên cuối cùng ở Qatar.
Qatar hiện đang hồi sinh hoạt động lặn mò ngọc trai tại các lễ hội. Ví dụ, lễ hội Senyar hàng năm sẽ có cuộc thi lặn tìm ngọc trai. Các thợ lặn thắng cuộc được trao giải thưởng trị giá 110.000 USD. Ngoài ra, cuộc đua thuyền buồm truyền thống Katara cũng có các gian trưng bày hoạt động khai thác ngọc trai truyền thống.
Ở phía tây bắc của quốc gia là một khu trưng bày ngọc trai nhỏ tại Pháo đài Al Zubarah, nằm trên tàn tích của một cảng ngọc trai trước đây. Triển lãm này mang đến một góc nhìn khác về cuộc sống của những cộng đồng khai thác ngọc trai ven biển Qatar.
Mặc dù không còn là ngành khai thác chủ lực của Qatar như trước kia, ngọc trai tự nhiên vẫn là một sản phẩm cao cấp hàng đầu trên thị trường trang sức. Và ở ngoài khơi, vẫn có những thợ lặn gan dạ sẵn sàng tìm kiếm kho báu của thiên nhiên.
Tổng hợp
Nỗi khổ không của riêng ai: Phần đông người Mỹ phải tích cóp cả 100 năm mới đủ tiền mua nhà
Thiên Di
Nhịp Sống Thị Trường