Trưa 18/8, tại Thủ đô Bangkok, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc, trao đổi, đối thoại với lãnh đạo của nhiều tập đoàn hàng đầu Thái Lan như Amata, Central Group, Ngân hàng Kasikornbank, CP Group, Thai Beverage, Siam Cement…
Cùng dự có lãnh đạo một số bộ, ngành và các doanh nghiệp lớn của Việt Nam.
Mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng đã giới thiệu về tình hình kinh tế-xã hội, tiềm năng phát triển của Việt Nam.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) gắn với cổ phần hóa, thoái vốn đối với doanh nghiệp Nhà nước lớn trong các lĩnh vực như vận tải, hạ tầng, lương thực, thực phẩm, nông nghiệp, viễn thông, thương mại, dịch vụ, xây dựng…
Thủ tướng nhìn nhận, thời gian qua, Thái Lan đang nổi lên là đối tác mua bán, sáp nhập lớn nhất của Việt Nam. “Tôi cho rằng đây là thời điểm chín muồi để các nhà đầu tư Thái Lan trở thành đối tác chiến lược của Việt Nam trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển gắn với hỗ trợ chuyển giao công nghệ; nâng cao giá trị thương hiệu; tham gia các chuỗi sản xuất, hợp tác phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa của nhau; kết nối thương hiệu Việt với thị trường toàn cầu”.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam là một trong những nước sản xuất, xuất khẩu hàng đầu thế giới về nông sản với kim ngạch trên 34 tỷ USD, với nhiều mặt hàng có giá trị cao như gạo, cà phê, tiêu, hạt điều, hoa quả nhiệt đới, sắn, tôm, cá tra… Vừa qua, đã có nhiều tập đoàn lớn trong nước chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và bắt đầu có xu hướng tăng trưởng đầu tư, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp của các doanh nghiệp FDI.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu Thái Lan. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Để phát huy tối đa tiềm năng sẵn có, Việt Nam sẽ tiến hành cải cách toàn diện, căn bản lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản. Trong đó, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, phát triển theo hướng sản xuất quy mô lớn, chế biến chuyên sâu theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu có khả năng cạnh tranh quốc tế.
“Thái Lan là nước đi trước nhiều năm, có nhiều kinh nghiệm. Các doanh nghiệp Thái Lan có thể đầu tư hợp tác cùng sản xuất các sản phẩm nông, thủy sản tại Việt Nam cho thị trường nội địa và xuất khẩu”, Thủ tướng nói và mong muốn các tập đoàn bán lẻ lớn của Thái Lan như Central Group đưa nông sản Việt Nam vào chuỗi siêu thị của mình.
Đề cập đến cơ hội trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng, Thủ tướng cho biết, đến năm 2020, Việt Nam sẽ cần tổng vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng khoảng 50 tỷ USD, trong một số lĩnh vực như đường sắt, đường thủy, hàng không, đường bộ. “Chúng tôi muốn đẩy mạnh hình thức hợp tác công-tư (PPP)”, Thủ tướng nói và mong muốn các quỹ đầu tư, các tập đoàn Thái Lan tiến hành nghiên cứu, đầu tư vào các dự án trong lĩnh vực này.
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo các tập đoàn Thái Lan đánh giá cao tiềm năng phát triển của Việt Nam; bày tỏ quan tâm mở rộng hoạt động đầu tư vào Việt Nam, đồng thời nêu một số kiến nghị.
Lãnh đạo Tập đoàn Amata mong muốn cơ quan chức năng Việt Nam có đường dây nóng để trực tiếp lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp Thái Lan.
Hoan nghênh ý kiến này, Thủ tướng cho biết, doanh nghiệp có thể phản ánh ý kiến qua trang doanhnghiep.chinhphu.vn. Đây là hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp do Thủ tướng chỉ đạo thành lập, hiện do Văn phòng Chính phủ quản lý.