Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến dòng vốn gần 1 tỷ USD cam kết đầu tư vào Đà Nẵng

Thủ tướng còn nhấn mạnh, cách đây 20 năm, Đà Nẵng chỉ chiếm 1% quy mô nền kinh tế và hiện nay là 1,5%. Đà Nẵng có mức thu nhập trung bình 3.000 USD. Đà Nẵng 7 lần đứng đầu PCI, nhiều giải thưởng quốc tế, châu lục. Đây là những tiền đề quan trọng với thành phố đáng sống này. “Tôi rất vui khi số vốn đầu tư, cam kết đầu tư với tổng giá trị gần 1 tỉ USD trong diễn đàn đầu tư lần này”, Thủ tướng nói.

Mặc dù vậy, Đà Nẵng cũng đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức như: áp lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng; nhu cầu đầu tư phát triển của thành phố không ngừng gia tăng, đặc biệt về cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển, môi trường…song nguồn lực đầu tư còn rất hạn hẹp; tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn tới sự quá tải của hạ tầng kinh tế – xã hội; thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng (1 trong 3 khu công nghệ cao của cả nước) đến nay còn hạn chế, hoàn toàn chưa tương xứng với lợi thế sẵn có (chỉ với 6 dự án, tổng vốn đầu tư 144 triệu USD)…

Trong đó, việc quan trọng hàng đầu là Đà Nẵng phải định vị để trở thành thành phố đáng sống, tuy nhiên cần phải xác định nội hàm vấn đề này là gì. Đà Nẵng không nhất thiết phải sao chép mô hình đô thị bất cứ đâu mà phải tạo ra một thành phố riêng. “Đây phải là nơi mà bạn phải trải nghiệm trước khi chết trên bản đồ du lịch thế giới. Phải có tiếng nói của mọi người là chưa đến được Đà Nẵng thì chưa thể chết, chưa thể nhắm mắt”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Để làm được điều này, Thủ tướng chỉ đạo, Đà Nẵng cần đẩy nhanh tiến độ đầu các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, cảng Liên Chiểu, dự án cao tốc, nhà ga. Đề xuất mở đường bay thẳng từ châu Âu đến Đà Nẵng để tạo nên một trung tâm hội nghị quốc tế. “Chúng ta phải vươn tầm xa hơn, đến châu Âu, châu Mỹ”, Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, Đà Nẵng còn rất nhiều dư địa để phát triển nếu biết bứt phá, vượt qua tư duy lối mòn. Đà Nẵng cần nghiên cứu các mô hình thành công trên thế giới như ở Singapore, Haifa (Israel), Bangalore (Ấn Độ), Tân Trúc (Đài Loan – Trung Quốc)… để xác định rõ mô hình phát triển kinh tế và chiến lược thu hút đầu tư, chú trọng phát triển các cụm ngành công nghiệp có quan hệ tương hỗ để tạo ra hệ sinh thái bền vững về đầu tư.

Ví dụ như trong lĩnh vực công nghệ thông tin, bên cạnh việc hình thành các Khu công viên phần mềm, Đà Nẵng còn cần chú trọng thu hút các doanh nghiệp sản xuất phần cứng, các trung tâm nghiên cứu phát triển về CNTT, các cơ sở đào tạo nhân lực CNTT, các vườn ươm doanh nghiệp và không gian dành riêng cho cộng đồng khởi nghiệp, đồng thời tạo môi trường an sinh xã hội hấp dẫn đối với các chuyên gia CNTT trong nước và quốc tế đến Đà Nẵng đầu tư và làm việc. Một khi hệ sinh thái này được hình thành, Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ là Thung lũng Silicon của Đông Nam Á, là nơi hội tụ của công nghệ, nhân lực và tài chính quốc tế.

“Tôi đề nghị các bộ ngành trung ương đưa ra các chính sách phù hợp để giúp thành phố này thu hút nhà đầu tư vào khu công nghệ cao. Cùng với mũi nhọn khác thì công nghệ cao cần phải ưu tiên phát triển. Phát triển song song mới có thể đi lên vũng bằng hai chân”, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo thêm.

Song song đó, Thủ tướng lưu ý cái gốc của xúc tiến đầu tư đó là chính sách nhất quán, cơ chế hành chính minh bạch, chính quyền sẵn sàng đối thoại và là đối tác tin cậy của doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đà Nẵng phải vươn lên cạnh tranh với các chuẩn mực quốc tế, đừng so sánh với các nước trong khu vực. Đặc biệt nhất là tránh các thủ tục “hành” nhà đầu tư, tránh hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự, tránh việc kiểm tra chồng chéo ảnh hưởng đến nhà đầu tư.

“Tôi đề nghị các nhà đầu tư cần có chiến lược lâu dài, triển khai dự án đúng tiến độ, làm trung thực. Thành phố này cần thu hồi các dự án của nhà đầu tư kém đề phân bổ lại cho các nhà đầu tư có năng lực. Các nhà đầu tư cần có bảo vệ môi trường, quan tâm đến môi trường”, Thủ tướng chỉ đạo.

Bài viết mới