Thủ tướng: Nếu không đổi mới, sự phát triển của TPHCM có thể chững lại

Sáng 6/9, tại Trụ sở Chính phủ, Ban cán sự Đảng Chính phủ làm việc với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về kết quả thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ chủ trì buổi làm việc. Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo một số bộ, ngành.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ chủ trì buổi làm việc với Thành ủy TPHCM (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ chủ trì buổi làm việc với Thành ủy TPHCM (Ảnh: VGP)

Thay mặt Ban cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước đánh giá cao những thành tựu kinh tế xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh với sự phấn đấu liên tục và đạt kết quả tương đối toàn diện, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị.

Thành phố hiện là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, đầu tàu khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là phát triển kinh tế tư nhân, phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tạo nguồn thu cho quốc gia. Đây cũng là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, văn hóa xã hội miền Nam và cả nước với nhiều trường Đại học và bệnh viện lớn tuyến cuối.

Thực hiện nghị quyết của Đảng và Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù cho Thành phố. Gần đây nhất, thực hiện Nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 48/2017 quy định một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, tình hình kinh tế xã hội của Thành phố vẫn còn những tồn tại hạn chế và tiếp tục gặp khó khăn thách thức. Nếu không có sự chỉ đạo mới, đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện cho Thành phố thì sự chững lại có thể xảy ra. Do đó cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới các cơ chế chính sách đặc thù cho Thành phố, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh với cả nước và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có mối quan hệ hữu cơ, chặt chẽ.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng cho rằng, quan điểm chỉ đạo là phải đảm bảo một số nguyên tắc như phát huy thế mạnh, tạo sức lan tỏa trong phát triển kinh tế xã hội của Thành phố là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước; đảm bảo sự phát triển hài hòa, kết nối hiệu quả các vùng, địa phương trong cả nước, tạo nên nền tảng vững chắc cho Thành phố Hồ Chí Minh phát triển.

Thủ tướng cũng đề nghị thảo luận, phân tích rõ những khó khăn thách thức hiện nay và thời gian tới của Thành phố, trong đó có cơ sở hạ tầng không theo kịp sự phát triển, chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, vấn đề ô nhiễm môi trường, những phát sinh về văn hóa, xã hội, đào tạo nguồn nhân lực.

Các ý kiến cũng cần thảo luận về cơ chế, chính sách đặc thù mà Thành phố đề xuất, bao gồm tăng cường phân cấp ủy quyền; tự chủ tài chính; trả lương theo năng suất lao động; kiện toàn Ban Chỉ đạo vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong đó, Thủ tướng lưu ý chủ trương chung là phân cấp, giao quyền để phát huy tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm gắn với trách nhiệm của chính quyền cơ sở, gắn với với tăng cường kiểm tra, giám sát của Trung ương. Xác định rõ những nhiệm vụ có thể phân công, nhiệm vụ cần tập trung thống nhất…

Với tầm vóc của Thành phố là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, Thủ tướng cho rằng cần nghiên cứu thêm về tầm nhìn, chiến lược dài hạn hơn với Thành phố, có mục tiêu trung và dài hạn ít nhất đến 2025, tầm nhìn 2035.

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị, Thành phố đã khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Theo đó, giai đoạn 2011-2015, Thành phố duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, bình quân 9,6%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm ngoái đạt trên 5.100 USD/người, phấn đấu đến năm 2020 đạt 9.800 USD/người, cao hơn chỉ tiêu Nghị quyết 16 đề ra ở mức 8.500 USD/người.

Thu ngân sách Thành phố luôn đạt và vượt kế hoạch, trong đó giai đoạn 2011-2015 đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng, đóng góp gần 28% nguồn thu ngân sách quốc gia. Xuất khẩu của Thành phố năm 2016 đạt 70 tỷ USD, chiếm 18% cả nước. Thành phố có trên 316.000 doanh nghiệp trong nước đăng ký hoạt động, trong đó gần một nửa đang hoạt động và đóng thuế; có hơn 7.000 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 42 tỷ USD.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh chưa tương xứng với vị trí, vai trò và tiềm năng của Thành phố. Tỷ trọng các ngành dịch vụ cao cấp, sản phẩm công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng cao và yếu tố năng lực tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng kinh tế còn hạn chế; chưa phát huy hết tiềm năng của các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bên cạnh đó, quy hoạch, quản lý đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng đồ thị chưa đáp ứng nhu cầu, kết quả giải quyết ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường còn hạn chế…/.

Kinh tế miền Trung: Chấm dứt vĩnh viễn thời kỳ ốc đảo

Bài viết mới