Thủ tướng: Năm 2023 phải giải ngân đầu tư công ít nhất 95%

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội diễn ra sáng 21.2.

Ảnh minh hoạ

Theo Thủ tướng, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nhanh chóng, khó đoán định. Tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, lạm phát ở mức cao. Cạnh tranh chiến lược nước lớn, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại gay gắt hơn. Xung đột quân sự tại Ukraine còn có thể kéo dài. Hậu quả đại dịch COVID-19 trên toàn cầu còn nặng nề.

Trong bối cảnh đó, nền kinh tế nước ta trong quá trình chuyển đổi, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, nội tại vẫn còn nhiều khó khăn…

Do vậy, Thủ tướng cho rằng, một trong những giải pháp để phát triển kinh tế, đưa đất nước vượt qua giai đoạn thách thức này là thúc đẩy đầu tư công, song đây vẫn là nhiệm vụ nặng nề, là vấn đề trăn trở kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ.

Ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước đến ngày 31.1.2023 là 541.857,52 tỉ đồng, đạt xấp xỉ 93,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 95,11%) nhưng là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất so với các năm trước đây, tăng khoảng 23,5% (khoảng 103 nghìn tỉ đồng) so với năm 2021.

Năm 2023, tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước là gần 711,7 nghìn tỉ đồng, tăng hơn 130 nghìn tỉ đồng so với 2022.

Với khối lượng vốn đầu tư công lớn hơn hơn, yêu cầu cao hơn, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu phải giải ngân đạt ít nhất 95% trong tổng số hơn 711 nghìn tỉ đồng vốn đầu tư công năm 2023.

Theo Thủ tướng, giải ngân đầu tư công có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, góp phần tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng giao thông, giáo dục, văn hóa, y tế, xã hội…; bảo đảm an ninh quốc phòng; giải quyết việc làm, tăng cường an sinh xã hội; tạo động lực mới, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế…

Thúc đẩy giải ngân đầu tư công cũng góp phần thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách khác để tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Bài viết mới