Thủ tướng: Hút vốn đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia qua ngoại giao kinh tế

Thủ tướng nói phải đẩy mạnh ngoại giao kinh tế để thu hút đầu tư chất lượng cao từ các tập đoàn đa quốc gia, nguồn lực cho chuyển đổi xanh, phát triển bền vững đất nước.

Tối 9/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị triển khai chương trình hành động Chính phủ, thực hiện Chỉ thị 15 của Ban bí thư về ngoại giao kinh tế và những trọng tâm năm 2023.

Thủ tướng đánh giá Việt Nam đã từng bước chủ động, linh hoạt chuyển trọng tâm sang ngoại giao phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Ngoại giao kinh tế chuyển biến mạnh mẽ, có nhiều đóng góp quan trọng.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, một trong sáu trọng tâm của ngoại giao năm nay là hợp tác kinh tế. Thủ tướng đồng tình và cho rằng, phải đẩy mạnh hoạt động ngoại giao kinh tế để thu hút đầu tư chất lượng cao từ các tập đoàn đa quốc gia.

Cùng đó, Việt Nam cũng cần tranh thủ cơ hội để thu hút nguồn lực bên ngoài cho chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu. “Các hoạt động ngoại giao kinh tế cần có trọng tâm, trọng điểm, dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh”, ông nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ về ngoại giao kinh tế, ngày 9/3. Ảnh: VGP

Ông cũng lưu ý, ngoại giao kinh tế thời gian tới phải tranh thủ, phát huy cao thế và lực mới của đất nước; chủ động, tích cực kiến tạo cục diện có lợi cho môi trường hòa bình, an ninh, phát triển của đất nước.

“Ngoại giao kinh tế cần phát huy bản sắc ‘ngoại giao cây tre’, xác định trọng tâm lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, hiệu quả thực chất làm tiêu chí hàng đầu để lĩnh vực này trở thành động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh, bền vững”, Thủ tướng nói.

Bối cảnh thế giới diễn biến bất thường, người đứng đầu Chính phủ nhắc lại yêu cầu điều hành cân bằng, hợp lý giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng nhằm góp phần thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Đây cũng là nhân tố giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng trong bối cảnh khó khăn, thị trường, chuỗi cung ứng bị thu hẹp, cạnh tranh chiến lược phức tạp như hiện nay.

Việt Nam đã tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với độ phủ rộng hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn nhất thế giới và đang đàm phán FTA với Isarel và Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu (EFTA).

Ngoài ra, Việt Nam cũng là một trong 14 nước tham gia đàm phán về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) và là một trong số quốc gia đi đầu khu vực trong việc hình thành các khuôn khổ hợp tác kinh tế đa phương.

Vì thế, việc tận dụng các FTA, cơ hội từ mở cửa trở lại nền kinh tế của các thị trường lớn, như Trung Quốc, sẽ giúp thúc đẩy thương mại song phương giữa Việt Nam và các đối tác.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành trong triển khai ngoại giao kinh tế. Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nắm vững, truyền tải thông điệp về đường lối phát triển, đối ngoại, hội nhập và hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam.

Với các doanh nghiệp, Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẵn sàng đồng hành, đối thoại và giải quyết các đề xuất, kiến nghị trên cơ sở bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của họ và các chủ thể liên quan.

Ông giao các cơ quan đẩy nhanh triển khai visa điện tử, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định về xuất cảnh, nhập cảnh và thúc đẩy xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM.

Bài viết mới