Thủ tướng: Bán vốn thành công tại Sabeco là một hình mẫu

Phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành công thương sáng 15/1, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những kết quả rất có ý nghĩa mà ngành công thương đã đạt được trong năm 2017. Thủ tướng cho hay, cách đây một năm, cũng tại Hội nghị tổng kết của Bộ Công Thương ông có nói về việc “ngành công thương đã vấp nhưng chưa ngã, ngược lại đã vươn lên mạnh mẽ”. Năm nay, tại hội nghị này, có thể thấy rằng, ngành Công Thương đã có những bước vươn lên quyết liệt và vững chắc, đã thực hiện đổi mới toàn diện trên nhiều mặt: Từ cơ cấu lại bộ máy làm việc; Xây dựng thể chế, xóa bỏ các điều kiện đầu tư kinh doanh đến xử lý các dự án, doanh nghiệp yếu kém…

Điểm lại 7 kết quả nổi bật của ngành công thương, Thủ tướng đặc biệt nhấn đến việc công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục thể hiện được vai trò là trụ cột và là động lực quan trọng nhất cho phát triển của toàn ngành công nghiệp khi tăng 14,5%, cao hơn nhiều so với năm 2016. Theo đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo phát triển tốt đã không chỉ trực tiếp góp phần vào bảo đảm hoàn thành mục tiêu chung của toàn ngành công nghiệp năm 2017 mà quan trong hơn nữa là đang cho thấy quá trình tái cơ cấu trong lĩnh vực công nghiệp đang chuyển biến tích cực, đúng định hướng.

Dấu ấn thứ hai của ngành công thương được người đứng đầu Chính phủnhắc đến là những thành công đặc biệt của xuất khẩu. Lần đầu tiên, xuất khẩu của Việt Nam đã vượt mốc 200 tỷ USD, với mức tăng trưởng trên 21%. Công tác quản lý thị trường, hội nhập được triển khai thực hiện một cách chủ động, sáng tạo, cũng góp phần vào thành công nổi bật của Việt Nam.

Một điểm sáng của ngành công thương được Thủ tướng nhiều lần nhắc lại chính là việc tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, trong năm qua, Bộ Công Thương đã tập trung xử lý và đạt được những kết quả cụ thể. Điển hình như việc thoái vốn rất thành công tại Tổng công ty Sabeco và đang chuẩn bị tiến hành thoái vốn tại một số doanh nghiệp lớn như Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, PVoil, PV Power.

Cụ thể, với thương vụ bán vốn nhà nước tại Sabeco, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là một hình mẫu, một khuôn khổ cho cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Thủ tướng cho biết, nếu thực hiện bán vốn Sabeco từ đầu năm 2017 thì sẽ chỉ bán được khoảng hơn một tỷ hoặc tối đa 2 tỷ USD. Tuy nhiên sau khi Chính phủ tiến hành niêm yết công khai trên sàn, tổ chức đấu giá, roadshow chào hàng ở trong và ngoài nước, thương vụ này đã thu về cho nhà nước 5 tỷ USD, tương ứng số tiền 110 nghìn tỷ đồng, cao gần gấp đôi so với dự kiến ban đầu.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh thoái vốn không chỉ là thu hút lượng vốn lớn để đầu tư vào việc khác mà còn là biện pháp để chống tham nhũng và tiêu cực. Các đơn vị liên quan cần tiếp tục quyết tâm thực hiện việc này.

“Bán vốn thành công tại Sabeco là một hình mẫu, khuôn khổ cho cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước. Đây cũng là bài học cho các doanh nghiệp Nhà nước cần sớm đẩy nhanh cổ phần hoá, niêm yết công khai trên sàn chứng khoán”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Bên cạnh ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương các thành tích toàn diện, xuất sắc của ngành công thương; biểu dương cá nhân Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, tập thể lãnh đạo Bộ Công Thương, Thủ tướng cũng thẳng thắn nêu ra những tồn tại bất cập cần tháo gỡ thời gian tới, trong đó có việc “tiềm ẩn tình trạng xin cho” chưa được khắc phục.

Theo người đứng đầu Chính phủ, năm qua Bộ Công Thương đã biết gạt qua lợi ích cục bộ, vượt lên chính mình khi tiên phong bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí, thủ tục cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số quy hoạch chiến lược ngành công thương vẫn còn chậm. Chưa khắc phục tính bất cập trong xây dựng quy hoạch chiến lược, vẫn còn tiềm ẩn cơ chế xin cho. “Chúng ta vẫn còn một số chính sách kiềm hãm sự phát triển, chưa thoát ra được những tư duy cũ. Chúng ta cần phải khắc phục để thực sự giải phóng nguồn lực, để chúng ta thực sự có một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong ngành công thương Việt Nam”, Thủ tướng nói.

Báo cáo về hoạt động của ngành công thương trong năm qua, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trong năm 2018, bộ sẽ tập trung vào 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, sẽ tiếp tục tập trung vào xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, khơi dậy các nguồn lực phục vụ cho phát triển các lĩnh vực công nghiệp, thương mại. Gắn với đó là việc tiếp tục cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến của ngành Công Thương.

Bộ cũng sẽ đẩy nhanh quá trình thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu trong ngành Công Thương theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồng thời tập trung hoàn thành việc xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém của các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, bảo đảm đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém ở các dự án này theo đúng lộ trình và phương án xử lý đã được phê duyệt.

Với thị trường trong nước, sẽ tổ chức lại lực lượng quản lý thị trường theo mô hình mới; Tổ chức triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 và tiếp tục đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành công Thương một cách thực.

5 tỷ USD bán vốn ở Sabeco: Tiền đã về “kho”

Bài viết mới