Sáng 19/11, phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bắc Kạn 2017, Thủ tướng bày tỏ ấn tượng khi thấy hàng trăm nhà đầu tư đã không quản ngại khó khăn để đến với tỉnh miền núi Đông Bắc. Điều đó cũng thể hiện bản lĩnh của nhà đầu tư mà theo Thủ tướng, “làm ở tỉnh khó khăn mới là anh hùng”, “đến những nơi nghèo khó mới quan trọng”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. – Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Nhắc lại một bài thơ của Bác Hồ căn dặn thanh niên xung phong khi dừng chân ở Bắc Kạn cách đây gần 70 năm: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”, Thủ tướng nêu rõ: Một tỉnh giàu truyền thống như Bắc Kạn thì cũng phải là một tỉnh giàu ý chí vươn lên trong làm ăn kinh tế.
Là một tỉnh kháng chiến thì ngày nay Bắc Kạn phải là một tỉnh đổi mới sáng tạo trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế xã hội, là hình mẫu tiên phong về xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững.
Là một tỉnh biểu tượng của ý Đảng, lòng dân, niềm tự hào chung của cả nước trong gian khổ kháng chiến thì ngày nay phải là tỉnh đoàn kết, trên dưới một lòng, biết tổng động viên nhân dân làm giàu, biết xây dựng niềm tin và quyết tâm của nhà đầu tư, của cộng đồng doanh nghiệp.
Đánh giá Bắc Kạn đã bước đầu đạt được một số thành công nhất định trong phát triển, Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước tỷ lệ che phủ rừng của Bắc Kạn cao nhất nước, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, tương đối vững chắc. Trong chỉ đạo, tỉnh đã có một số chủ trương, biện pháp phát triển, cụ thể là tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn như hôm nay. Thủ tướng cho biết ông đã nhìn thấy sự “quyết chí” của Bắc Kạn.
Thủ tướng cùng các đại biểu tham quan các gian hàng triển lãm về tiềm năng, thế mạnh của Bắc Kạn. – Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng “chào hàng” đầu tư cho Bắc Kạn
“Tôi đã nói với nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh là hôm nay tôi đi bán hàng cho các đồng chí”, Thủ tướng vui vẻ chia sẻ và giới thiệu với các nhà đầu tư về tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư vào Bắc Kạn, mặc dù trước đó, lãnh đạo tỉnh cũng đã trình bày.
Thủ tướng cho biết, Bắc Kạn có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng với trữ lượng quặng lớn như chì, kẽm, sắt.
Đất rừng sản xuất chưa có rừng khoảng 38.000 ha, có thể thu hút các nguồn vốn đầu tư thực hiện trồng rừng gỗ lớn, rừng có giá trị kinh tế cao và phát triển chế biến gỗ…
Tiềm năng phát triển du lịch cũng rất lớn với một trung tâm du lịch là Hồ Ba Bể, một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới với diện tích 500ha. Vườn quốc gia Ba Bể được công nhận là khu RAMSAR thứ 3 của Việt Nam và đang lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới. Bắc Kạn có nhiều hang động kỳ vĩ như Động Puông, động Hua Mạ, động Nàng Tiên, động Thạch Long… các bản làng dân tộc với những nét văn hoá truyền thống đặc sắc, quyến rũ; nhiều sản vật với hương vị đặc biệt của núi rừng Việt Bắc như hồng không hạt, lê, cam, quýt…
Tỉnh có tiềm năng phát triển một số sản phẩm nông nghiệp thế mạnh và chăn nuôi bò. Cơ sở hạ tầng của Bắc Kạn đã được cải thiện đáng kể, tạo thuận lợi cho đi lại và đầu tư.
“Rõ ràng Bắc Kạn cho nhiều tiềm năng lợi thế, kể cả giá trị độc đáo về thiên nhiên và lịch sử, bản sắc văn hóa con người nhưng chúng ta chưa làm nên việc lớn vì thiếu phương pháp hay thiếu ý chí. Chúng ta chỉ mới bước đầu làm nên mà Bác Hồ nói “quyết chí ắt làm nên”, Thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng việc tiếp tục nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) rất quan trọng khi PCI của Bắc Kạn còn thấp.
Tỉnh cần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Tỉnh cần tìm được một số doanh nghiệp có năng lực tài chính, có quyết tâm cao để thúc đẩy đầu tư. Bắc Kạn cần có phương án quy hoạch bố trí lại dân cư theo hướng tập trung nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, nhất là phát huy sáng kiến của mô hình giáo dục tập trung.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cùng lãnh đạo các bộ ngành, địa phương và các nhà đầu tư. – Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Bắc Kạn cần phải tái thiết chính sách trợ cấp và phân bổ nguồn lực theo hướng khuyến khích cải thiện hiệu quả hay hoạch định nguồn lực dựa trên hiệu quả chứ không chỉ biết quan tâm đến việc đáp ứng nhu cầu. Đầu tư phải tính tới làm sao đối tượng hưởng lợi là nhiều nhất. Phải có chính sách không dàn trải, một mặt thu hút doanh nghiệp có tiềm lực nhưng mặt khác không gây tổn hại môi trường, làm tiêu hao tài nguyên và chi phí cơ hội phát triển sau này.
Tỉnh phải tìm kiếm cơ hội kết nối với các địa phương, với các chuỗi giá trị. Chú trọng phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần của của người dân. Giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc anh em.
Chính phủ hiểu rõ khó khăn của Bắc Kạn
Với doanh nghiệp, Thủ tướng mong “các bạn nói và làm”. “Chúng ta dứt khoát nói không với nhà đầu tư không đóng góp gì cho kinh tế và phúc lợi của người dân địa phương mà chủ yếu nhà đầu tư đó đi khai thác, tàn phá tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường trong khi không chia sẻ lợi ích tương xứng với địa phương và cộng đồng dân cư”.
Về phía Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ hiểu rõ sự khó khăn của Bắc Kạn, do đó, về cơ chế, chính sách, sẽ tạo điều kiện cho Bắc Kạn, kể cả việc có chủ trương mạnh mẽ hơn trong việc triển khai con đường Chợ Mới – Bắc Kạn và sớm nghiên cứu tuyến đường Chợ Mới – Hồ Ba Bể.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã trao quyết định hỗ trợ cho người dân 3 tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào việc trồng mới, cải tạo, thâm canh tăng năng suất, sản xuất theo VietGAP các loại cây ăn quả có múi và cây ăn quả đặc sản của các tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn trao các quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận cam kết đầu tư cho doanh nghiệp.
*Ngay sau Hội nghị xúc tiến đầu tư, Thủ tướng đã có cuộc làm việc nhanh với lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn để giải quyết các kiến nghị và chỉ đạo một số biện pháp, định hướng phát triển của tỉnh. Cổng TT ĐT Chính phủ sẽ tiếp tục thông tin về cuộc làm việc này.