Thủ tục cấp phép xây dựng: Việt Nam cần 166 ngày, lâu hơn nhiều so với khu vực

Thông tin trên được bà Tống Thị Hạnh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế ( Bộ Xây dựng ) cho biết tại toạ đàm “Kiên quyết loại bỏ các điều kiện kinh doanh “trói” doanh nghiệp” do báo Lao Động tổ chức sáng 18/10.

Điều kiện kinh doanh – hay còn gọi là “giấy phép con” là vấn đề được đặc biệt quan tâm trong thời gian vừa qua. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và công nghiệp (VCCI) và Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), hiện nay tổng số các điều kiện kinh doanh tương ứng với 243 ngành nghề là khoảng 4284 yêu cầu, điều kiện.

Điều đáng nói, có quá nhiều điều kiện kinh doanh đang gây ra nhiều hệ luỵ cho nền kinh tế như tạo ra rào cản bất hợp lý, cản trở cạnh tranh, sáng tạo, tăng rủi ro cho doanh nghiệp. Do vậy, Chính phủ đang quyết tâm bãi bỏ những điều kiện này, tạo môi trường thông thoáng hơn cho doanh nghiệp. Mới đây, Bộ Công thương đã chủ động đề xuất cắt bỏ tới 675 điều kiện.

Về phía Bộ Xây dựng, bà Tống Thị Hạnh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Xây dựng cho biết hiện Bộ cũng đã chủ động rà soát, đề xuất bãi bỏ 5 ngành, nghề không thuộc danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại các Nghị định do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo.

“Bộ Xây dựng đang tiếp tục nghiên cứu, bãi bỏ hoặc thay thế bằng hình thức quản lý khác đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không đáp ứng tiêu chí tại Điều 7 của Luật Đầu tư “vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng””, bà Hạnh cho biết.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng đã chủ động đề xuất xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, báo cáo Chính phủ và được đưa vào Chương trình công tác của Chính phủ năm 2017. Hiện dự thảo Nghị định này đang được hoàn thiện, dự kiến trình Chính phủ trong quý IV năm 2017.

Liên quan tới chỉ tiêu cấp phép xây dựng, bà Hạnh cũng thừa nhận mặc dù chỉ tiêu cấp phép xây dựng được World Bank (WVB) đánh giá là chỉ tiêu có thứ hạng cao nhất trong các chỉ tiêu đánh giá môi trường kinh doanh tại Việt Nam song thời gian cấp phép vẫn còn nhiều bất cập.

Cụ thể, theo bà Hạnh, gian thực hiện thủ tục này ở Việt Nam là 166 ngày (theo đánh giá của WB năm 2017), là một trong những nước có số ngày thực hiện cao. Trong khi đó, trung bình các nước ASEAN 4 là 66 ngày).

Bà Hạnh cho biết, Bộ Xây dựng “rất trăn trở” về vấn đề này. Tuy nhiên thủ tục cấp phép xây dựng lại liên quan tới rất nhiều các bộ ngành, địa phương, chẳng hạn như: thẩm định thiết kế giấy phép xây dựng, thẩm định về phòng cháy chữa cháy, thẩm duyệt về môi trường… Do vậy để cải thiện vấn đề này, bà Hạnh cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các các bộ ngành, địa phương có liên quan khác.

Cũng theo bà Hạnh, muốn giảm được thời gian cấp phép xây dựng cần triển khai thực hiện đồng bộ một số các giải pháp như: Lồng ghép các thủ tục hành chính có thể thực hiện cùng một thời điểm thông qua việc xây dựng Quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương.

Đồng thời giảm thời gian thực hiện thực tế đối với từng thủ tục thông qua việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích.

“Hiện nay, Bộ Xây dựng đang dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm mục tiêu rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan làm cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện; dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2017”, bà Hạnh cho biết.

TPHCM Tháo gỡ vướng mắc trong cấp phép xây dựng

Bài viết mới