Trước câu hỏi liên quan đến việc người dân bức xúc vì vị trí đặt trạm Cai Lậy bất hợp lý, Bộ Giao thông vận tải có tính tới việc di chuyển trạm, ông Nguyễn Ngọc Đông cho biết việc đặt trạm thu phí có cả một quá trình.
“Trạm Cai Lậy đặt trên phạm vi dự án, đã lấy ý kiến các bộ liên quan và địa phương như Bộ Tài chính, Hội đồng nhân dân, đoàn đại biểu Quốc hội. Mục tiêu tối cao là hài hòa lợi ích và có đường tốt hơn để đi, nhà đầu tư cũng phải có lợi nhuận thì mới đầu tư, người cấp vốn cũng phải thấy khả thi”, ông Đông cho biết.
“Theo luật Đầu tư và Nghị định 108 phạm vi áp dụng dự án BOT đều có cải tạo, nâng cấp hiện đại hóa những tuyến đường hiện có. Việc tăng cường mặt đường, bảo trì đường bộ hàng năm chỉ vá, sửa chữa chứ không nâng cấp cải tạo được. Đối với dự án Cai Lậy có hợp phần nâng cấp cải tạo mặt đường trên quốc lộ 1, cải tạo, nâng cấp các cầu trên quốc lộ 1 rất quan trọng và làm tuyến tránh Cai Lậy. Trạm nằm trên phạm vi của dự án nên không tính đến chuyển vị trí trạm, thú trưởng Bộ GTVT khẳng định.
Cũng theo ông Đông, hiện trên cả nước có rất nhiều trạm thu phí. Nếu cứ người dân phản đối, phản ứng mà thay đổi vị trí trạm thu phí là không ổn. Hơn nữa, di dời trạm cũng có nghĩa phá vỡ phương án tài chính của các chủ đầu tư.
“Nếu di chuyển thì phương án tài chính đổ bể. Cứ vì người dân phản đối, phản ứng mà thay đổi vị trí trạm thu phí là không ổn. Nhà nước không có tiền mới huy động vốn BOT nên việc Nhà nước bỏ tiền ra mua trạm thu phí thì chắc không có. Hiện Bộ Giao thông đã điều chỉnh giảm phí, trên cơ sở này nhà đầu tư chốt phương án tài chính, mức lãi để không vướng nợ xấu”.
Về việc giảm phí, ông Đông cho rằng đây chỉ là bài toán giữa thời gian và giá. Khi trạm BOT thu phí cao thì thời gian hoàn vốn nhanh, thu phí ngắn. Ngược lại, khi giảm phí, thời gian thu phí sẽ kéo dài. Cũng theo ông Đông Biện pháp lâu dài sẽ hướng các trạm BOT trên cả nước và trạm BOT Cai Lậy sử dụng thu phí điện tử giống như trạm thu phí cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
Trao đổi với báo chí chiều cùng ngày,ông Lưu Quang Hào – Thành viên HĐQT công ty Đầu tư QL1 Tiền Giang cũng cho biết tình trạng người dân phản đối gay gắt và yêu cầu phải di dời trạm thu phí Cai Lậy sang vị trí khác là điều ông không muốn vì nó đảo lộn hết phương án tài chính và tất cả kế hoạch trước khi doanh nghiệp đầu tư.
“Nếu phải di dời trạm thì trên cơ sở hợp đồng chúng tôi trả lại dự án cho Nhà nước. Nhà nước phải trả lại tiền cho chúng tôi…”, ông Hào phân trần.