Ông Hoàng Quốc Vượng cho biết Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về phát triển thủy điện. Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, tổng công suất lắp máy đã đạt 35.000 MW và lượng điện bình quân năm khoảng 300 tỷ kWh. Tuy nhiên, khi rà soát trên nhiều phương diện, 468 dự án thủy điện vừa và nhỏ đã bị loại bỏ khỏi quy hoạch. Việc khởi động lại các dự án thủy điện này chưa được xem xét vì đây Bộ Công thương đã rất nghiêm túc khi đưa ra quyết định.
“Hiện nay, Bộ Công thương vẫn chưa xem xét lại 468 dự án thủy điện nhỏ và vừa. Đây là quyết định dựa trên những nghiên cứu đầy đủ và nghiêm túc” – ông Hoàng Quốc Vượng nói.
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định rằng, hoàn toàn có thể bổ sung và tiếp tục thực hiện các dự án thủy điện nhỏ và vừa. Nhưng điều kiện tiên quyết là cần thay đổi các chính sách, cơ chế, giải pháp để bảo đảm lợi ích dài hạn. Việc phát triển các dự án thủy điện nhỏ và vừa để tận dụng tài nguyên và cũng là cách giảm xây dựng mới các nhà máy nhiệt điện than, khi Việt Nam đã phải nhập khẩu than và nhiệt điện gây ra nhiều tác động tới môi trường.
“Tiềm năng của thủy điện vừa và nhỏ của Việt Nam còn lớn và có thể khai thác được nếu thay đổi các giải pháp. Ví dụ như cơ chế chính sách không chạy theo ngắn hạn, làm dự án để kiếm chác tài nguyên đất rừng,…bảo đảm được an toàn cho nhân dân, môi trường. Khôi phục nhưng không phải theo cách cũ, phong trào mà theo chiến lược mới, tư duy mới” – ông Trần Đình Thiên nhận định.
Về vấn đề phát triển năng lượng tái tạo như điện gió hay điện mặt trời, ông Trần Đình Thiên cho rằng chính sách, cơ chế đang đóng vai trò rất quan trọng. Điều cần quan tâm là không được thu hút đầu tư nước ngoài tùy tiện và phải hướng đến công nghệ cao. Phấn đấu sản xuất được các thiết bị sản xuất năng lượng (như pin mặt trời) thay vì chỉ nhập khẩu.
Theo quy hoạch, đến nay cả nước có 824 dự án thủy điện, với tổng công suất 24.778 MW, đạt 95,5% về công suất so với tiềm năng kinh tế. Trong số đó, đã vận hành khai thác 343 dự án (công suất 17.987 MW), đang thi công xây dựng 165 dự án (công suất 3.348 MW), đang nghiên cứu để đầu tư xây dựng 260 dự án mới (công suất 3.050 MW), còn lại 56 dự án (công suất 393,5 MW) chưa có chủ trương đầu tư. Đối với các dự án thủy điện nhỏ có công suất nằm trong phạm vi từ 1 – 30 MW, thì cả nước có 714 dự án ( công suất 7.238 MW) nằm trong quy hoạch, trong đó đã vận hành khai thác 270 dự án (2.767,7 MW), đang thi công xây dựng 141 dự án (1.739 MW), đang nghiên cứu để đầu tư xây dựng 250 dự án (2.466 MW), cò lại 53 dự án (265,5 MW) chưa có chủ trương đầu tư. Sau khi ra soát đã loại bỏ 468 dự án do không đảm bảo hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực xấu đến môi trường. |