Huyện Lâm Hà là vùng đất trù phù, điều kiện phát triển nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu, cây macca… Tại xã Đan Phượng, cây trồng này trở nên nổi tiếng.
Thế nhưng, việc độc canh trong sản xuất nông nghiệp ở Lâm Hà nói chung và Đan Phượng nói riêng thường dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá, mất giá khi được mùa…”.
Trước tình trạng trên, người dân địa phương đã trồng thử nghiệm các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế đặc biệt là cây quýt đường canh và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Với sự hỗ trợ đầu tư, kỹ thuật và giống, nhiều hộ nông dân mạnh dạn chuyển đổi từ cây cà phê sang cây quýt đường canh.
Đến nay, diện tích quýt đường canh trên địa bàn xã Đan Phượng đạt trên 12ha và là địa phương có nhiều hộ dân tham gia trồng cây ăn trái nhất huyện. Nhiều hộ nông dân “bỗng nhiên” thu nhập tiền tỷ mỗi năm.
Chị Phùng Thị Luyến (thôn Nhân Hòa, xã Đan Phượng, Lâm Hà) cho biết: “Gia đình tôi trước đây trồng cà phê, nhưng do lâu năm, vườn cà phê ngày càng già cỗi, hiệu quả từ cà phê ngày càng thấp. Gia đình tôi đã mạnh dạn đi đầu trong xã trồng xen cà phê với quýt đường canh”.
“Khi nhận thấy hiệu quả từ quýt đường canh mang lại, gia đình tôi đã quyết định phá bỏ hoàn toàn cà phê để trồng quýt với hơn 3ha quýt đường canh”.
Với sản lượng thu được trung bình 30 tạ/ha, giá cả hiện nay gia đình chị đã có thu nhập gần 1,2 tỷ đồng/ha. Trừ chi phí, gia đình chị Luyến thu được 800 triệu đồng/ha.
Theo ông Trần Hữu Nhiệm – Bí thư xã Đan Phượng, Lâm Hà, mô hình quýt đường canh trên địa bàn xã Đan Phượng đang từng bước giúp các hộ nông dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình và thêm một lần nữa khẳng định Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 7 đang đem lại hiệu quả thực tế.