1. Bạn kiếm được bao nhiêu tiền, quyết định thái độ của bạn bè đối với họ
Tuần trước tôi về quê thăm bố mẹ. Vừa lúc, con gái bạn của bố sắp kết hôn, mọi người đang uống trà và bàn bạc nên mừng cưới thế nào. Bố tôi tiện miệng nói: “Đến lúc chị ấy cưới, con cũng đến dự đi”.
Tôi đang định trả lời, bỗng có chú xen vào cười nói: “Cháu đi sẽ cảm thấy ngại đó”. Lời nói chứa đầy ẩn ý, chị ấy giỏi giang, thành đạt, tôi đi sẽ tự cảm thấy xấu hổ.
Người chị đó, đối với gia đình tôi mà nói mãi là “con nhà người ta” – tốt nghiệp thạc sỹ của trường đại học danh tiếng nhất cả nước, chưa tốt nghiệp bao lâu, thu nhập hàng tháng đã ngoài trăm triệu.
Còn tôi, làm việc ở một doanh nghiệp thuộc thành phố loại 3, thu nhập mỗi tháng không cao không thấp, mới tốt nghiệp đại học, tưởng chừng còn không nuôi nổi bản thân. Sự khác biệt như vậy, nếu so sánh chỉ khiến bản thân cảm thấy bị chế nhạo.
Một lát sau, chú lại hỏi: “Lương của cháu giờ có được chục triệu không? Không phải cứ mãi đến một phần mười lương người ta cũng không bằng đấy chứ?”
Tôi mỉm cười: “Nơi cháu làm sao so sánh được với thành phố lớn, thu nhập thấp, mỗi tháng chỉ khoảng 10 triệu nhân 2 thôi ạ”.
Bố tôi vốn đang cúi đầu không nói gì, nghe xong câu nói này, dường như, có ngẩng cao hơn một chút. Sau đó chú cũng không hỏi gì thêm.
Tôi kể chuyện này cho bạn thân, cô bất bình nói: “Người ta tốt nghiệp thạc sỹ, cậu là đại học; người ta 29 tuổi, cậu 25; lương người ta là mức lương ở thủ đô, có thể so sánh với mức thu nhập của tỉnh lẻ sao? Vốn dĩ không thể so sánh được? Chú đó có biết nói chuyện không vậy?”.
Thực ra không phải không biết nói chuyện, mà vốn dĩ chú xem thường nhà tôi, vì vậy không quan tâm đến việc có so sánh được hay không.
Hơn nữa chú ấy nói những lời này không phải để “dìm” tôi, tôi là thế hệ con cháu, chú ấy nói để “dìm” bố tôi. Thông qua việc tôi không thành công, để chứng minh bố tôi không thành công.
Lúc mới tốt nghiệp, tôi thường bị họ hỏi đến xấu hổ. Thực ra, không phải mọi người không biết tình hình của tôi, họ vẫn thường xuyên nói chuyện con cái với nhau, mà là thích trực tiếp hỏi lại để xem bộ dạng ngại ngùng và nét mặt không mấy vui vẻ của bố mẹ tôi.
May là năm nay, thu nhập của tôi khá hơn, mới giữ lại được chút thể diện. Còn bà chị tài giỏi đó, không cần người khác hỏi, bố mẹ chị ấy đã tự đi khoe khắp nơi, mọi người đều nể phục nhà họ.
Những người bạn thân thiết với nhau hơn nửa đời người, còn ngầm so sánh hạ thấp nhau, nói gì đến thiên hạ. Sau khi trưởng thành, bạn kiếm được bao nhiêu tiền, quyết định mức độ tôn trọng của bạn bè bố mẹ bạn đối với họ.
Cho dù, mọi thứ đều ổn, bạn cũng không so đo hơn kém, thì đó cũng sẽ trở thành điểm yếu để người khác châm chọc bố mẹ bạn bất cứ lúc nào.
2. Số tiền bạn kiếm được quyết định thái độ của họ hàng đối với bố mẹ bạn
Tôi có một người bạn tên Thành Đạt. Hồi còn nhỏ nhà cậu ấy rất nghèo, sở dĩ bố mẹ đặt tên như vậy mong cậu trưởng thành sẽ có sự nghiệp thành đạt.
Bác ruột của cậu, từ sớm đã ra ngoài làm ăn, thành đạt giàu có có tiếng. Căn nhà ông bà ở quê luôn để dành phòng rộng đẹp nhất cho bác, cho dù bác rất ít khi về nhà.
Đạt từ nhỏ đã lười học, nhưng nhờ bác giúp đỡ, nên mới vào được một trường học tốt. Nhưng trường cách xa nhà nên phải ở lại nhà bác. Bác trai không sao, nhưng bác gái thường xuyên soi mói và tìm khuyết điểm của Đạt.
Có một lần, cậu vừa đi học về, bác gái đã lôi cậu đến hỏi có lấy trộm tiền trong nhà không. Cậu vội vàng nói không, bác gái nhìn qua con mình, anh họ liền khẳng định sau khi Đạt đến thì mới bị mất tiền.
Sau cùng, bác còn gọi bố Đạt và anh em họ hàng đến, nói trước tất cả mọi nguời: “Mọi người xem, tôi cho nó ăn không ở không, nó còn trộm tiền. Cậu hai, cậu mau đưa con cậu về nhà, kẻo con tôi bị lây thói hư tật xấu”.
Trước sự chí trích của họ hàng, bố Đạt đành kéo con lại cúi đầu khom lưng xin lỗi bác gái, chỉ sợ họ thực sự đuổi con về.
Đạt bị đả kích mạnh, từ đó mới chăm chỉ học hành. Tốt nghiệp đại học đến đã một công ty đầu tư làm việc. Sau đó tận dụng xu thế phát triển của thương mại điện tử, tự mở một công ty thương mại, công ty ngày càng phát triển và ổn định.
Còn gia đình bác, lối kinh doanh cũ không còn phù hợp, việc kinh doanh ngày càng đi xuống.
Còn con nhà bác, cứ thế sống trong sung túc không có định hướng. Sau khi tốt nghiệp mới phát hiện, gia nghiệp kinh doanh không mấy triển vọng, thậm chí còn không thể đảo ngược lại tình thế, còn cậu ta đến tự tìm cho mình một công việc cũng khó.
Có lần, bác gái xách đến mấy bình rượu ngon, cung cung kính kính nói chuyện với bố Đạt, mong cậu có thể sắp xếp cho con họ một công việc nào đó.
Chúng ta kiếm tiền không phải để diễu võ dương oai với họ hàng, mà là vì đòi lại chút công bằng cho bố mẹ chúng ta.
Còn nhỏ, thái độ của người khác đối với bạn, quyết định bởi bố mẹ bạn là ai.
Khi trưởng thành, thái độ của người khác đối với bố mẹ bạn, quyết định bởi bạn là ai.
Vẫn là câu nói cũ, bạn kiếm được bao nhiêu tiền, khi ra ngoài bạn sẽ nhận được bấy nhiêu sự tôn trọng.
3. Số tiền bạn kiếm được, quyết định thái độ của thông gia với gia đình bạn
Linh là bạn nữ xinh nhất thời học cấp 3 của chúng tôi. Lên đại học cô yêu một anh chàng giàu có, bố mẹ cô đều không vui vì sợ con gái chịu khổ. Không môn đăng hậu đối, sẽ bị nhà thông gia xem thường.
Còn cô nghĩ bố mẹ người yêu đều là người có học, sẽ không làm như vậy. Quả thực, bố mẹ người yêu không hề làm khó cô, ngược lại còn mong muốn ngay sau khi tốt nghiệp cả hai sẽ kết hôn. Cô tự cảm thấy mình may mắn, gặp được bố mẹ chồng vừa có điều kiện lại tốt bụng.
Ngày cưới, gia đình thông gia không nhận bất cứ của hồi môn nào mà bố mẹ mua cho Linh, họ nói những thứ nhà cô mua đều không hợp với thiết kế căn phòng cưới.
Nhà Linh thường xuyên gửi đặc sẳn ở quê lên, mẹ chồng trước giờ chưa từng mang ra ăn, thường để dồn lại một đống rồi gửi cho những họ hàng nghèo ở quê. Nhà chồng có nhiều phòng trống, nhưng khi bố mẹ Linh đến thăm con gái họ đều đặt phòng khách sạn cho bố mẹ cô, nói khách sạn chăm sóc chu đáo..
Kết hôn chưa được bao lâu, mẹ chồng giục cô sinh con. Bà nói Linh không phải đi làm kiếm tiền, tranh thủ còn trẻ sinh lấy vài đứa con để lo về già. Cô lúc này mới chợt tỉnh ngộ, hóa ra gia đình chồng xem cô như một vật phẩm sinh lời, luôn giữ một thái độ lịch sự có giáo dục nhất định, chứ mọi sự tôn trọng thể hiện ra đều không phải xuất phát từ mong muốn nội tâm. Còn đối với “vật đính kèm” là bố mẹ cô, họ hoàn toàn không muốn qua lại.
Trog phim thần tượng, chỉ cần nữ chính gặp được một anh chàng giàu có, bố mẹ sẽ vui mừng khôn xiết, cung kính với anh con rể tương lai. Còn bố mẹ của anh nhà giàu, thường có thái độ dè bỉu đối với những người họ cho là thích “trèo cao”.
Thực ra, một số người tìm được “hoàng tử của cuộc đời mình” khổ tâm hơn cả những người không tìm được, đó là họ không có được sự tôn trọng, thậm chí cả bố mẹ họ cũng không nhận được sự tôn trọng. Vậy nên nếu kết hôn, hoặc là nhà bạn có tiền, hoặc là bạn có tiền.
Nếu điều kiện gia đình bạn bình thường, vậy bạn phải kiếm được tiền, mới không bị gia đình thông gia xem thường.
4. Chúng ta kiếm tiền là để bố mẹ có cuộc sống tốt đẹp hơn
Ngày tôi tốt nghiệp thạc sỹ, bố mẹ nói, thực ra khi con thi đỗ cao học vào trường X bố mẹ đã cảm thấy rất tự hào và có thể diện khi đi ra ngoài. Hóa ra, đôi khi, người lớn còn quan trọng “hư vinh” hơn con cái.
Đây cho dù có được xem là hư vinh hay không, thì bố mẹ chúng ta cũng có cả mớ các mối quan hệ, họ cũng mong có thể ngẩng cao đầu, cũng hi vọng nhận được sự tôn trọng từ những mối quan hệ đó.
Một cuộc sống tốt, chính là có gì đó để khiến người khác ngưỡng mộ.
Còn trẻ, bố mẹ dựa vào chính mình mà phấn đấu. Khi về già, họ bắt đầu dựa vào con cái, lấy con cái làm niềm hãnh diện với bạn bè. Chỉ cần nghe “Con cái nhà A học giỏi, kiếm nhiều tiền, con nhà B gia đình hạnh phúc, hiếu thuận với bố mẹ…” đã đủ để khiến không ít người phải ngưỡng mộ.
Hồi nhỏ, đôi khi dù có phải moi hết từng đồng từ túi chiếc áo đã sờn màu, thì cũng sẽ cố mua cho chúng ta món đồ mà ta thích từ lâu. Bố mẹ luôn cố gắng hết sức để khiến chúng ta không bị thiệt thòi so với chúng bạn.
Hôm nay, ngược lại là chúng ta, cho dù là vì chút hư vinh của bố mẹ, thì cũng hãy chiến đấu với cuộc sống này – kiếm tiền nhiều thêm một chút, cho bố mẹ hãnh diện nhiều hơn một chút.
Sáng sớm khi bạn mới đến công ty, còn đang lười biếng dạo facebook, thì họ đang ở ngoài chợ kì kèo lựa từng mớ rau để tiết kiệm từng đồng.
Khi bạn tan làm đi mua sắm, có thể họ đang nghe hàng xóm thao thao bất tuyệt kể về việc con gái họ mới tặng mẹ dây chuyền vàng…
Khi bạn tết đến vẫn nhận tiền lì xì của bố mẹ, bố mẹ nhà người ta đang đi du lịch cùng con cái.
Bạn kêu than công việc mệt mỏi lương không đủ tiêu, bố mẹ lại ăn tiêu tiết kiệm để gửi cho bạn.
Khi bạn nghèo khó, bố mẹ không dám bệnh, bị người khác chê cười, họ cũng không có lời để phản bác.
Đừng tự tiếp tục theo đuổi cuộc sống bình bình an an và cho là đáng quý. Thu nhập của bạn, sẽ quyết định thái độ của thiên hạ đối với bố mẹ bạn.
Trên tất cả, điều mà họ để tâm nhất, là khi về già, có thể hoàn toàn yên tâm về bạn. Bạn có cuộc sống đủ đầy hạnh phúc, tự khắc bố mẹ bạn cũng có được sự kính trọng từ mọi người xung quanh.