Thu hồi dự án bỏ hoang, vướng mắc tại đâu?

Đủ kiểu đối phó cơ quan chức năng

Nói về các dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai trên địa bàn, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội cho biết, có quá nhiều dự án không đưa vào sử dụng, thậm chí sử dụng sai mục đích, một số dự án trở thành các bãi đỗ xe cho thuê, thu lợi nhuận trong khi chẳng phải làm gì. “Họ chờ thời cơ để có cơ hội mới làm. Những trường hợp đó là vi phạm luật đất đai. Phải thấy rõ được vấn đề này. Trường hợp nào cố tình vi phạm, năng lực tài chính không có, cố tình đánh võng, mua bán, chuyển nhượng dự án. Chúng ta phải có thái độ dứt khoát, kiến nghị các sở, ngành, thành phố xử lý”, ông Nam nói.

Ông Nam ví dụ, có nhiều trường hợp từ năm 2009, một lần xin điều chỉnh kéo dài 6 năm, đến nay tiếp tục xin điều chỉnh thêm nữa. Các chủ đầu tư cố tình chậm đưa đất vào sử dụng, khai thác bằng cách lẩn tránh, xin điều chỉnh quy hoạch rồi lại tính từ thời điểm quy hoạch để hợp thức hóa việc chậm triển khai quy hoạch. Ông Nam cho rằng, với 161 dự án chậm triển khai trên địa bàn thành phố cần làm rõ nguyên nhân nào thuộc về chủ đầu tư, nguyên nhân nào thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước, thuộc về từng quận huyện. “Muốn xử lý vi phạm phải lập được hồ sơ. Lộ trình khắc phục, giải quyết như thế nào, trách nhiệm thuộc về ai. Việc thu hồi đất như thế nào, tiến độ ra sao? Tất cả cái này cần được phân tích làm rõ để khắc phục xử lý 161 dự án”, ông Nam nói.

Riêng về việc sử dụng đất sai mục đích, vi phạm quy hoạch 1/500, ông Nam lấy ví dụ về công trình CT6C Kiến Hưng (Hà Đông). Theo ông Nam, theo quy hoạch 1/500 chỉ có 2 tòa nhà, nhưng chủ đầu tư làm thêm một tòa nhà nữa, xây thêm cả nhà liền kề. “Ta lại điều chỉnh lại quy hoạch cho họ à? Như 8B Lê Trực, chỉ có thêm chiều cao, thêm phần nhô ra, chúng ta đã cắt xén rồi. Ở đây thêm cả một tòa nhà, sai quy hoạch thì xử lý thế nào đây? Các đồng chí hợp thức hóa nó à?”, ông Nam nêu câu hỏi.

Thành phố ngại “đụng chạm”, thiếu quyết tâm?

Trong cuộc giám sát của HĐND thành phố Hà Nội mới đây, hàng loạt dự án đã được đoàn giám sát chỉ rõ, có kết luận từ những năm 2012 – 2015 đề nghị thu hồi, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn “để đấy”. Về hướng xử lý hàng trăm dự án chậm triển khai trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết, theo chỉ đạo của UBND thành phố, Sở TN&MT đã phối hợp với các ngành đi thanh tra liên ngành, rà soát lại toàn bộ các dự án được giao đất có vi phạm trên địa bàn toàn thành phố, đến tháng 11/2018 phải kết thúc toàn bộ nội dung và báo cáo với UBND thành phố.

Ông Nghĩa cho rằng, thành phố đã ban hành văn bản quy định Chủ tịch UBND quận huyện, xã phường phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về sai phạm của các dự án. Bởi sở ngành là nơi thẩm định hồ sơ dự án nhưng quản lý lại thuộc địa phương. “Địa phương phải phát hiện sai phạm đó để phản ánh, báo cáo các cơ quan chuyên môn tổ chức thanh tra chuyên ngành theo quy định. Liên quan đến dự án sai phép như CT6C ở Hà Đông, lãnh đạo quận và phường phải phát hiện, nếu như vượt thẩm quyền phải báo cáo lên cơ quan cấp trên xử lý”, ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cũng cho biết, còn nhiều khó khăn trong việc thu hồi dự án do vướng luật. Cụ thể, theo quy định của luật đất đai 2013, muốn gia hạn cho một dự án thì chủ đầu tư phải có đơn và UBND thành phố thông qua, ra văn bản thông báo. “Luật quy định chủ đầu tư phải có đơn xin gia hạn, mà nếu gia hạn khoảng 24 tháng thì phải nộp khoản tiền rất lớn. Chủ đầu tư thấy thế không làm đơn gia hạn nữa. Nếu không làm đơn gia hạn thì sau 15 ngày, UBND ra thông báo thu hồi, nhưng thu hồi như thế nào, cơ chế xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung của chỗ này hay trình tự thu hồi thế nào đến nay Bộ TN&MT vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể”, ông Nghĩa nói. Một vấn đề vướng nữa là quy định bồi thường tài sản trên đất khi thu hồi cũng có sự khác biệt giữa luật 2003 và luật 2013…

Theo ông Nghĩa, các kết luận thanh tra sai phạm của các chủ đầu tư vẫn đăng tải công khai, nhiều đơn vị vi phạm không được giao đất mới nữa. Nhưng việc đăng thông tin công khai cũng gây khó khăn cho Sở TN&MT vì nhiều khi bị khiếu nại, kiện tụng. “Vì chưa có dữ liệu quản lý đất đai, liên thông quản lý nên có tình trạng các Sở khác đi thanh tra, người ta đã khắc phục rồi, nhưng Sở TN&MT không nắm được, vẫn công khai thông tin vi phạm. Các địa phương khác thấy danh sách Sở TN&MT công khai nên không giao đất cho họ nữa. Sở TN&MT cũng đã bị kiện về trường hợp này rồi”, ông Nghĩa thông tin.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố cho hay, có nhiều trường hợp từ năm 2009, một lần xin điều chỉnh kéo dài 6 năm, đến nay tiếp tục xin điều chỉnh thêm nữa. Các chủ đầu tư cố tình chậm đưa đất vào sử dụng, khai thác bằng cách lẩn tránh, xin điều chỉnh quy hoạch rồi lại tính từ thời điểm quy hoạch để hợp thức hóa việc chậm triển khai quy hoạch.

TPHCM: “Nín thở” chờ loạt dự án bỏ hoang rục rịch hồi sinh

Bài viết mới