Tương tự như những sản phẩm tiêu dùng nhanh khác, sữa bột là một phân khúc có mức tăng trưởng khá cao trong thời gian gần đây. Theo tính toán của CTCP Nghiên cứu ngành và tư vấn Việt Nam (VIRAC), doanh số của dòng sản phẩm này có thể tăng từ 7-9% mỗi năm.
Tuy nhiên, thị trường này cũng được đánh giá là thị trường cạnh tranh vô cùng gay gắt. Với hơn 300 thương hiệu đang hiện diện trong thị trường Việt Nam, khác với các phân khúc sữa nước hay sữa chua, các hãng sữa ngoại đang chiếm ưu thế trên thị trường sữa bột với sự xuất hiện của hàng loạt thương hiệu nổi tiếng. Trong đó dẫn đầu là 3 thương hiệu Abbott, Mead Johnson, và Friesland Campina.
Trong số này, Abbott là cái tên đình đám nhất.
Tại Việt Nam, các sản phẩm chính của Abbott gồm có một số thương hiệu như Ensure Gold, PediaSure BA, Similac IQ, Glucerna, Grow. 3A Nutrition, công ty con được Abbott thâu tóm cuối năm 2012, hiện cũng là đơn vị phân phối độc quyền sản phẩm của hãng sữa này tại Việt Nam.
Tuy nhiên, dù doanh số bán hàng thu về hàng nghìn tỷ mỗi năm thì 3A Nutrition loại ở hoàn cảnh trái ngược sự thành công của công ty mẹ khi liên tục chịu cảnh thua lỗ.
Theo số liệu chúng tôi có được, liên tục trong 3 năm gần đây, dù doanh thu của 3A Nutrition đạt từ 8.000 – 9.500 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế ghi nhận con số âm hàng trăm tỷ đồng. Khoản lỗ này chủ yếu do chi phí bán hàng quá lớn.
Với bản chất là doanh nghiệp phân phối các sản phẩm từ công ty mẹ Abbott, 3A Nutrition ghi nhận mức biên lợi nhuận gộp không quá cao, chỉ khoảng 6-7%/doanh thu. Năm 2014, đơn vị này đạt lợi nhuận gộp 535 tỷ trên doanh thu thuần gần 8.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chi phí bán hàng lên tới gần 1.000 tỷ đồng trong thời gian này, gấp đôi lợi nhuận gộp là nguyên nhân chính dẫn tới khoản lỗ 525 tỷ đồng trong năm 2014. Nhiều khả năng đây cũng là nguyên nhân 3A Nutrition liên tục lỗ trong những năm gần đây.
Dù liên tục thua lỗ nhưng việc mạnh tay cho chi phí bán hàng cũng không phải không có căn cứ khi các đối thủ của Abbott trên thị trường sữa liên tục đốt tiền cho quảng cáo nhằm gia tăng thị phần.
Báo cáo của một công ty chứng khoán cho biết, đối trọng tại thị trường trong nước Vinamilk và Abbott đang là 2 cái tên chính cạnh tranh gay gắt cho vị trí dẫn đầu trong phân khúc sản phẩm này, trong đó Abbott có vị thế nhỉnh hơn. Vinamilk thường dẫn đầu về sản lượng tiêu thụ với sự tập trung vào phân khúc đại chúng, nhưng Abbott lại có thị phần lớn nhất xét về giá trị do hãng sữa này nhắm vào phân khúc cao cấp với giá bán cao hơn nhiều so với Vinamilk.
Giống như một số ngành hàng sản phẩm tiêu dùng nhanh khác, quảng cáo giúp gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu và là nhân tố quan trọng trong cuộc đua doanh số.
Đối thủ của Abbott, Vinamilk trong những năm gần đây cũng liên tục gia tăng khoản chi này. Năm 2016, Vinamilk chi ra tổng cộng hơn 9.000 tỷ đồng cho chi phí quảng cáo, nghiên cứu thị trường, khuyến mãi, trưng bày sản phẩm và hỗ trợ bán hàng – cao gấp đôi so với năm 2015.