Theo chỉ thị, để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ Nhân dân đón năm mới 2018 và Tết Nguyên đán Mậu Tuất đầm ấm, vui tươi, an toàn, tiết kiệm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết năm 2018; khẩn trương chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp.
Trong dịp Tết Nguyên đán 2018 tập trung quản lý, điều hành nhằm chuẩn bị tốt các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để cung ứng sớm và đầy đủ cho nhân dân với giá cả hợp lý, chất lượng tốt; chủ động có biện pháp điều tiết kịp thời trên phạm vi cả nước, đẩy mạnh công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, tăng cường công tác y tế dự phòng, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng tối đa nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân, quản lý tốt các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ sản xuất, kinh doanh…
Riêng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức tốt công tác điều hòa và cung ứng tiền mặt cho nền kinh tế, nhất là trong dịp Tết.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng bảo đảm hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt cho hệ thống máy giao dịch tự động (ATM), các hệ thống thanh toán điện tử và hệ thống thanh toán thẻ, tăng cường các hoạt động thanh toán phục vụ sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu; tổ chức các dịch vụ ngoại hối, thu đổi ngoại tệ phục vụ khách du lịch, tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ, lẻ hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết, bảo đảm an ninh, an toàn kho quỹ.
Ngoài ra Ngân hàng Nhà nước phải tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ, lẻ hợp lý, tiết kiệm trong dịp tết; bảo đảm an ninh, an toàn kho quỹ.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng cần phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật.
Mỗi khi đến dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ thường tăng cao, số tiền lẻ này chỉ một phần dùng để thanh toán, phần còn lại được sử dụng vào các hoạt động khác, trong đó có hoạt động lễ hội, tín ngưỡng.
Chính vì nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ tăng cao nên đã phát sinh hiện tượng kinh doanh dịch vụ đổi tiền tại các khu vực đền, chùa, lễ hội để hưởng chênh lệch.