Thông tin bất ngờ: Sau bán hoa, Shark Khoa tính đi làm… nail!

Thành công khi còn khá trẻ, Lê Đăng Khoa thừa nhận mình có thế mạnh về marketing. Điều này khá đúng khi tên tuổi của anh có sức ảnh hưởng lớn trên kênh truyền thông mạng xã hội.

“Social media được xem là cách làm hiệu quả nhất. Trừ ngành truyền thống là phân bón thì những cái mới tôi dành 80-90% ngân sách dành cho digital marketing“, Lê Đăng Khoa tiết lộ trong chương trình trò chuyện Bar Stories mới đây. Những mô hình kinh doanh mà Khoa đang thực hiện như Flower market teahouse nhắm hướng tới giới trẻ và đây cũng là nhóm khách hàng gắn liền với truyền thông mạng xã hội.

Một điều khá thú vị là shark Khoa tiết lộ sắp tới sẽ mở một dịch vụ khác hướng tới nhóm khách hàng trẻ này: Chuỗi cửa hàng nail. Theo anh hiện chưa có chuỗi dịch vụ nail nào nổi tiếng tại Việt Nam và đây là cơ hội cho anh.

Lê Đăng Khoa hé lộ đây sẽ không gian đẹp, dịch vụ tốt, sẽ có các sản phẩm cộng thêm, giá cả phù hợp giống như cách anh đang làm với Flower Market tea house: Vị trí rất trung tâm, thiết kế rất đẹp, một ly cà phê có giá 38 nghìn đồng.

“Slogan của thương hiệu hoa 38 là hoa của mọi nhà, tất cả mọi người đều có thể mua được. Sắp sửa sẽ làm tới nail… của mọi nhà”, doanh nhân trẻ này cười sảng khoái. Những thứ anh muốn làm đều là những thứ mọi người có thể hưởng thụ được.

Nhìn sang nước Mỹ, nơi ngành nail khá phát triển, theo Statista doanh thu ngành dịch vụ này xấp xỉ 8,53 tỷ USD năm 2017. Cửa hàng nail tại Mỹ cung cấp dịch vụ làm đẹp liên quan đến chăm sóc móng dành cho cả 2 phái cũng như cũng cấp các sản phẩm liên quan. Theo ước tính năm 2006 có gần 60.000 cửa hàng nail tại Mỹ thì đến năm 2016 tăng lên gần 130.000 cửa hàng.

Ngành nail tại Mỹ đặc biệt có đóng góp quan trọng của người Việt Nam nhập cư. Theo tạp chí Nailsmag, giá dịch vụ của những cửa hàng nail Việt Nam có xu hướng ngày càng rẻ. Trung bình theo tạp chí này ước tính giá của các cửa hàng nail người Việt thấp hơn 30-40% so với trung bình các cửa hàng khác trong ngành. Đây là lý do vì sao trong vài năm gần đây thị trường này chứng kiến sự gia tăng về nhân lực, cửa hàng nhưng tăng trưởng chung hầu như không có.

Thông tin bất ngờ: Sau bán hoa, Shark Khoa tính đi làm… nail! - Ảnh 1.

Nguồn: Nailsmag.

Khác với Việt Nam, tại Mỹ các chuỗi cửa hàng ngành nail khá phát triển. Doanh nhân Charlie Tôn Quý được ví như “ông vua” ngành này đã bắt đầu kinh doanh nghề làm móng tại Mỹ từ năm 1997 và cửa hàng đầu tiên được mở tại Walmart. Theo báo Nhịp cầu đầu tư, đến năm 2017 chuỗi cửa hàng Regal Nails trở thành hệ thống nhượng quyền với gần 1.000 chi nhánh, chiếm 1,5% các cửa tiệm do người Việt làm chủ tại Mỹ.

Ý tưởng thành lập chuỗi làm móng được nảy ra khi ông thấy có rất nhiều cửa hàng kinh doanh nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng lại không có cửa hàng nào chuyên chăm sóc sắc đẹp, cụ thể là làm nail. Trước khi thành lập Regal Nails, ông Quý cũng từng có kinh nghiệm về cung cấp phụ kiện, hóa chất trong ngành này có tên Alfalfa Nails Supply.

Tạp chí Nailsmag cho biết, tiệm nail Regal Nails đầu tiên được một người có tên Bo Huynh thành lập năm 1996 nhưng sau này hợp tác cùng doanh nhân Tôn Quý để mở rộng quy mô.

Theo doanh nhân Tôn Quý, có 3 lý do giúp Regal Nails thành công bao gồm uy tín từ việc được gia nhập Walmart, thứ 2 là giá cả đầu tư và địa điểm hấp dẫn. Thứ 3 là hệ thống quản lý ổn định đi kèm nguồn hàng dồi dào, chất lượng từ công ty cung cấp thiết bị mà ông Quý làm nên việc thiết lập cửa hàng hoàn thành trong thời gian ngắn nhất.

Ông chủ Regal Nails cho rằng bản chất của nail là ngành dịch vụ nên ngoài chất lượng phục vụ, người làm nghề phải thay đổi thường xuyên và đáp ứng thị hiếu khách hàng mới có thể tồn tại. Để đáp ứng nhu cầu khách hàng công ty này thường xuyên tung ra thị trường các màu theo xu hướng thời trang, tươi tắn. Với kiến thức của mình, doanh nhân Tôn Quý đã phát triển nhiều dòng nước sơn nổi tiếng như Regal, ANS, QT, Lexi, Beyond…

Nhịp cầu đầu tư cũng từng tiết lộ ông chủ chuỗi Regal Nails kỳ vọng sẽ khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam trong năm 2017 và 10 cửa hàng vào năm 2018, trải dài ở TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Tuy nhiên năm 2017 chuỗi này chưa đặt chân về Việt Nam như kế hoạch đó. Khoảng trống của thị trường vẫn còn thoải mái, tạo nhiều cơ hội cho những doanh nhân trẻ như Lê Đăng Khoa kỳ vọng. Nhưng điều này không đồng nghĩa rằng thị trường Việt Nam thực sự hấp dẫn đến mức những người làm chuyên nghiệp và thành công như doanh nhân Tôn Quý chưa nhìn ra.

Bê bối chấn động Shark Tank Australia: Chỉ 4 trong số 27 doanh nghiệp được nhận tiền đầu tư đã cam kết

Bài viết mới