“Không cần đến 99 năm, cứ theo luật là 70 năm thôi, ông nào vào được thì vào”, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm về chính sách liên quan tới đất đai tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
Đây là một trong hai vấn đề lớn của dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp sáng 11/1.
Thảo luận tại kỳ họp thứ tư cuối năm 2017, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng quy định thời hạn sử dụng đất tới 99 năm là quá dài, đề nghị giảm thời hạn sử dụng đất xuống còn 50 đến 70 năm và có thể gia hạn thêm hoặc thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành (tối đa là 70 năm).
Báo cáo của cơ quan thẩm tra – Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội – cho biết cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã thống nhất đề nghị tiếp thu, chỉnh lý các quy định về chính sách đất đai trong dự thảo luật mới nhất.
Chỉ áp dụng phạm vi hẹp
Thường trực Uỷ ban Pháp luật phân tịch, việc quy định thời hạn sử dụng đất tối đa đến 99 năm như trong dự thảo luật là nhằm thể hiện tính vượt trội trong chính sách đất đai tại đặc khu so với các khu kinh tế khác trong nước cũng như một số đặc khu kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
Pháp luật hiện hành về đất đai quy định thời hạn sử dụng đất tối đa để sản xuất kinh doanh trong khu kinh tế là 70 năm. Tại một số đặc khu kinh tế như ở Thái Lan, Malaysia, quần đảo British Virgin, quần đảo Cayman, Dubai (Khu tự do Jebel Ali), thời hạn sử dụng đất là 99 năm, cơ quan thẩm tra nêu thông tin.
Hơn nữa, theo quy định của dự thảo luật, thời hạn sử dụng đất tối đa đến 99 năm chỉ được áp dụng trong phạm vi hẹp, đối với một số dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên, theo trình tự, thủ tục chặt chẽ và do Thủ tướng Chính phủ quyết định, ông Định nhấn mạnh.
Vì những lý do trên, đa số ý kiến Thường trực cơ quan thẩm tra tán thành quy định thời hạn sử dụng đất tối đa là 99 năm như trong dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội.
Cơ quan thẩm tra cũng cho biết, đối với các dự án đầu tư thuộc trường hợp được giao đất tối đa đến 70 năm, để bảo đảm tính chặt chẽ, khắc phục tình trạng cào bằng, dễ dãi trong đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư (giao đất với thời hạn sử dụng đất quá dài (thậm chí là tới mức tối đa) cho những dự án có thời gian thu hồi vốn nhanh), Thường trực Uỷ ban và cơ quan soạn thảo cũng có đề nghị mới.
Đó là, giao trưởng đặc khu/chủ tịch ủy ban đặc khu căn cứ vàoquy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề nghị của nhà đầu tư để quyết định thời hạn cụ thể phù hợp với nhu cầu thực sự của dự án đầu tư.
Đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói ngắn gọn là đồng tình với cơ quan thẩm tra.
100 năm sau thu được cái gì?
Phần thảo luận ghi nhận không ít băn khoăn về chính sách đất đai. Bên cạnh ý kiến đồng tình cho thuê đất 99 năm như đề xuất của Chính phủ, một số ý kiến khác phản biện mạnh mẽ với quan điểm quan trọng là cơ chế chính sách tạo điều kiện cho nhà đầu tư chứ không phải thời hạn thuê đất.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhìn nhận: nổi trội, đặc thù, đột phá là những từ được yêu thích sử dụng khi bàn về dự luật này nhưng đọc xong cơ bản là vẫn trên tư duy cũ.
“Thuế đáng ra 20% xuống 10%, đất từ giao 70 năm lên 99 năm… thì gọi là nổi trội. Tôi cho rằng không phải như thế”, ông Hiển nhấn mạnh.
Câu hỏi được Phó chủ tịch đặt ra là các đặc khu có đến mức là phải miễn giảm tiền sử dụng đất, kéo dài thời gian giao đất thì mới thu hút được đầu tư?
“Thời hạn cho thuê đất có cần kéo dài đến 99 năm không? Theo tôi ko cần thiết. trước 20 năm đã là một thế hệ, giờ thành 30 năm vậy thì 90 năm là thành 3 thế hệ rồi, còn đến 99 năm để làm gì. Cứ giữ nguyên như quy định của luật là 70 năm là được rồi, ông nào vào được thì vào”, ông Hiển thể hiện chính kiến.
Theo ông thì cũng không miễn tiền sử dụng đất mà chỉ có giảm, mà giảm cũng chỉ có thời hạn.
“Việt Nam là một cô gái đẹp, tất cả cơ thể này chỗ nào cũng đẹp hết nên phải chọn bàn tay tinh tú nhất để đưa vào. Phải chọn nhà đầu tư chiến lược xứng tầm”, ông Hiển nhấn mạnh.
Thể hiện sự đồng tình với ông Hiển, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng băn khoăn: trong lúc dự thảo luật đang bàn thì giá đất ở Phú Quốc lên cao liên tục, cao ngất ngưởng.
Khi luật có hiệu lực thì Nhà nước phải bỏ số tiền khổng lồ để giải phóng mặt bằng. Vậy sau đó cho thuê 99 năm với giá ưu đãi thì hiệu quả thu được thế nào, theo ông Dũng cần phải đánh giá.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng băn khoăn nếu xây dựng chính sách chung cho cả ba đặc khu. Bởi hiện nay chưa thành đặc khu mà Phú Quốc cũng đã có tình trạng nhà đầu tư phải xếp hàng xin dự án rồi, liệu quy định thời hạn sử dụng đất 99 năm có phù hợp hay không.