Bắt đầu từ ngày 15/10, TP HCM thí điểm quy trình 1 cửa liên thông điện tử, theo đó doanh nghiệp chỉ cần 1 bước nộp hồ sơ tại 1 cơ quan là sẽ nhận được giấy phép xây dựng, thay vì như trước kia phải mất 3 lần thủ tục và qua nhiều sở để xét duyệt.
Theo quyết định của UBND TP HCM về quy trình thí điểm cơ chế 1 cửa liên thông điện tử trong việc cấp phép xây dựng, từ ngày 15/10 các doanh nghiệp sẽ cắt giảm được 80 ngày chờ đợi giấy phép, từ 122 ngày xuống còn 42 ngày.
Trong đó, 3 thủ tục hồ sơ sẽ được gộp lại làm 1 gồm: Thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật/thiết kế bản vẽ thi công và cấp giấy phép xây dựng. Doanh nghiệp chỉ phải đi đúng 1 cửa và nhận giấy phép tại Sở Xây dựng thay vì phải qua gần 10 sở như trước.
Cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ đợi là một trong những mục tiêu mà TP HCM quyết tâm thực hiện.
Thông qua hệ thống điện tử, hồ sơ của doanh nghiệp sẽ được Sở Xây dựng gửi qua các cơ quan chức năng để xử lý. Trường hợp chủ đầu tư và tư vấn muốn làm riêng lẻ ba thủ tục trên thì Sở Xây dựng vẫn nhận riêng lẻ từng thủ tục đó và vẫn được liên thông với các cơ quan có liên quan khác.
Có thể nói, cơ chế một cửa liên thông điện tử trong cấp phép xây dựng là một bước cải cách thủ tục hành chính mang tính đột phá, việc rút gọn các bước thực hiện sẽ kéo giảm thời gian chờ đợi và chi phí, tạo nên sức hấp dẫn và cải thiện môi trường đầu tư.
Nhiều doanh nghiệp địa ốc nhận định, việc thí điểm một cửa liên thông điện tử trong cấp phép xây dựng được xem là sự “giải phóng” về mặt thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước. Trước đây, nếu doanh nghiệp tự ôm hồ sơ đi gửi có thể mất tới cả năm trời mới nhận được kết quả, khiến rất nhiều cơ hội kinh doanh bị bỏ lỡ.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho biết, để chạm tay được vào giấy phép xây dựng, doanh nghiệp phải xin rất nhiều “giấy phép con”. Việc này trở thành rào cản cho doanh nghiệp, dẫn tới khó khăn trong việc phát triển.
“Muốn có giấy phép xây dựng thì phải có giấy chứng nhận đầu tư, giấy phòng cháy chữa cháy, chứng nhận môi trường, giao thông, chiều cao công trình… ít nhất là 5-6 giấy phép con, nên rất nhiêu khê, thường cũng mất gần cả năm”, ông Đực cho biết.
Theo các chuyên gia, để nhân rộng hiệu quả cơ chế một cửa liên thông điện tử trong cấp phép xây dựng thì không chỉ trông chờ vào sự đổi mới của các cơ quan chức năng mà bản thân doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị và nghiên cứu kỹ.
Bà Trương Thị Hoà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho rằng, mỗi doanh nghiệp phải tự tăng cường sự hiểu biết của mình, lựa chọn kỹ càng các đơn vị chuyên môn trong việc thiết lập hồ sơ.
“Do phải chọn các đơn vị chuyên môn lập hồ sơ nên doanh nghiệp phải chọn đơn vị có năng lực, có người có tay nghề chuyên môn. Đây cũng là một bước để nâng cao trình độ của các công ty về thẩm định, lập thiết kế”, bà Hằng lưu ý.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM cho biết, sau 2 tháng thực hiện thí điểm 1 cửa liên thông điện tử trong cấp phép xây dựng, Sở sẽ có báo cáo tới Bộ Xây dựng xem xét, áp dụng triển khai đại trà trên cả nước. Qua thời gian thí điểm, những điểm chưa hợp lý sẽ được khắc phục, nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.
Muốn như vậy, các doanh nghiệp cũng cần tích cực hưởng ứng, cùng với cơ quan quản lý hoàn thiện hệ thống, quy trình thủ tục hành chính để phục vụ tốt hơn cho chính doanh nghiệp.
“Tiện ích của dịch vụ này là vừa tuyên truyền vừa vận động, làm sao trong quá trình thực hiện thấy những vấn đề bất cập sẽ soát xét, sửa đổi đem lại tiện ích cao nhất cho doanh nghiệp và người dân”, ông Tuấn nhận xét.
Quy trình một cửa liên thông điện tử trong cấp phép xây dựng tại TP HCM sẽ được thí điểm trong vòng 2 tháng. Trong thời gian này, các cơ quan chức năng sẽ phải nhanh chóng hoàn thiện quy trình, nâng cao tính chuyên nghiệp của công chức thực thi nhiệm vụ, đồng thời cần có sự hướng dẫn và tuyên truyền tới các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn để chuẩn bị hồ sơ đầy đủ và chính xác.
Có như vậy, toàn bộ quy trình mới đồng bộ và phát huy hiệu quả cao nhất. Trong bối cảnh TP HCM đang ngày càng hiện đại hoá, việc cải cách, cắt giảm thủ tục rườm rà là biểu hiện cho sự đổi mới về tư duy quản lý của bộ máy hành chính thành phố, tạo sức bật cho phát triển kinh tế – xã hội./.