Thoái hết vốn nhà nước ngay trong năm 2017, cơ hội cho cổ đông chiến lược nắm quyền chi phối với một loạt tổng công ty lớn của Bộ Xây dựng

Ngày 17-8, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký quyết định phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn và tỷ lệ thoái vốn tối thiểu theo từng năm giai đoạn 2017-2020.

Theo danh mục đính kèm, có đến 135 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn trong năm 2017. Riêng đối với Bộ Xây dựng phải thoái vốn tại 8 Tổng công ty. Trong năm nay, Bộ Xây dựng sẽ phải giảm tỷ lệ sở hữu tại 4 Tổng công ty xuống còn 51% gồm: Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp); Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng; Tổng công ty Đầu tư Nước và Môi trường Việt Nam và (Viwaseen) và Tổng công ty Cơ khí xây dựng (Coma).

Đáng chú ý, có 3 công ty phải thoái toàn bộ vốn còn lại trong năm nay là Tổng công ty CP Sông Hồng; Tổng Công ty Xây dựng Số 1(CC1) và Tổng công ty Vật liệu Xây dựng số 1(FICO).

Trong 3 cái tên kể trên, Tổng công ty CP Sông Hồng (UpCom: SHG) là cái tên đang kinh doanh bết bát nhất. Năm 2015, Sông Hồng lỗ 85 tỷ đồng, năm 2016 lỗ tiếp 187 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2016, Tổng công ty này có lỗ lũy kế lên đến 425 tỷ đồng. Với vốn điều lệ 270 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của SHG đã âm 80 tỷ đồng. Bên cạnh kinh doanh bê bết, SHG còn bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin vào cuối tháng 5/2017.

Trong 2 cái tên còn lại, Tổng Công ty Vật liệu Xây dựng số 1 (FICO) đã tiến hành cổ phần hóa trong năm ngoái với mức giá IPO khá thấp. FICO có vốn điều lệ 1.270 tỷ đồng. Trong đó, Bộ Xây dựng đang sở hữu 40,1% vốn điều lệ. Nhà đầu tư chiến lược của FICO là CTCP Đầu tư Xuân Cầu đang sở hữu 40% vốn.

Hoạt động kinh doanh chính của FICO là sản xuất vật liệu xây dựng cơ bản như gạch, ngói XD, gạch Block, gạch ceramic, gạch ốp lát, cao lanh, sứ vệ sinh; Xây lắp các công trình dân dụng và công nghiệp; Kinh doanh vật tư phục vụ sản xuất VLXD; Khai thác và chế biến khoáng sản.

Trong lĩnh vực gạch men, FICO đầu tư vốn tại CTCP Vitaly (VTA) và CTCP Gạch men Thanh Thanh với tổng công suất trên 11 triệu m2/năm. Trong mảng gạch và các sản phẩm đất sét nung, FICO thực hiện qua đơn vị thành viên là CTCP Gạch ngói Đồng Nai. Còn trong mảng khai thác, chế biến đá xây dựng, Đá Hóa An là một trong 3 đơn vị thành viên của FICO. Lĩnh vực đóng góp lớn nhất vào doanh thu của FICO chính là xi măng thông qua công ty con là FICO Tây Ninh (Tafico).

Dù vậy, hiệu quả hoạt động của FICO trong những năm qua chưa thực sự ấn tượng. Năm 2016, FICO đạt 1.623 tỷ đồng doanh thu thuần và 85 tỷ đồng lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ. Năm 2017, FICO đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ là 80 tỷ đồng.

Bên cạnh FICO, Tổng công ty Xây dựng Số 1 (CC1) dự kiến sẽ là cái tên thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong đợt thoái vốn lần này. CC1 thực tế đã cho thấy sức hút từ khi IPO cách đây hơn 1 năm trước với lượng đăng ký mua gấp 4,8 lần so với số lượng cổ phần CC1 chào bán và giá trúng cao hơn 38% so với giá khởi điểm.

CC1 được biết đến như là một trong những thương hiệu thi công xây lắp, hạ tầng hàng đầu tại khu vực phía nam. Các công trình tiêu biểu của CC1 đã để lại nhiều dấu ấn như như Nhà máy Thủy điện Trị An, nhà máy Thủy điện Thác Mơ, cầu Thủ Thiêm, cao ốc Sailing Tower, nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 1, Khách sạn New World, Sheraton, Caravelle…

Bên cạnh hoạt động kinh doanh chính là xây lắp và đầu tư hạ tầng thì mảng kinh doanh bất động sản của CC1 đang được triển khai trong tương lai. CC1 cho biết, hiện công ty này đang quản lý tổng diện tích hơn 46 ha đất. Đáng chú ý là KDC Hạnh Phúc có tổng diện tích hơn 42,2 ha tại Đường Nguyễn Văn Linh, Xã Bình Hưng, Bình Chánh có tổng diện tích hơn 42,1ha.

Năm 2016, CC1 đạt 6.580 tỷ đồng doanh thu thuần và 80 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ. Năm 2017, CC1 đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 5.920 tỷ đồng và 117 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Tháng 7 vừa qua, CC1 đã chính thức gia nhập sàn chứng khoán với vốn điều lệ 1.100 tỷ đồng. Với mức giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 14.200 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu CC1 đã tăng lên 21.900 đồng kể từ khi lên sàn ngày 20/7. Với 110 triệu cổ phiếu đang lưu hành, CC1 đang được thị trường định giá ở mức 2.400 tỷ đồng.

Trong cơ cấu cổ đông của CC1 hiện tại, ngoài Bộ Xây dựng đang nắm 40,5% vốn điều lệ, 4 cổ đông khác cũng đang sở hữu một lượng lớn cổ phiếu CC1. Do vậy, cơ hội thâu tóm CC1 của các bên là rất lớn khi Bộ Xây dựng thực hiện thoái vốn, đặc biệt là CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc – nhà đầu tư chiến lược của CC1.

Bài viết mới