Thiên Ngọc Minh Uy “chết”, doanh thu bán hàng đa cấp chỉ giảm nhẹ

Mặc dù Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy đã chấm dứt hoạt động, song doanh thu toàn ngành bán hàng đa cấp 6 tháng đầu năm 2017 chỉ giảm khoảng 300 tỷ (khoảng 10%) so với thời điểm cùng kỳ năm 2016.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa gửi báo cáo đến các vị đại biểu Quốc hội về kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn. Trong đó có nội dung sửa đổi, bổ sung hoàn thiện quy định của pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động này.

Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là nội dung được đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước hết sức quan tâm.

Theo báo cáo, cuối năm 2015, đầu năm 2016, có 67 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Đến cuối năm 2016, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã giảm 27 doanh nghiệp xuống còn 40 doanh nghiệp. Trong số này, có 15 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận, 10 doanh nghiệp chủ động chấm dứt hoạt động và 2 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.

Trong 9 tháng đầu năm 2017, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp tiếp tục giảm thêm 4 doanh nghiệp. Tính tới hết tháng 9 năm 2017, số lượng doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp còn lại 36 doanh nghiệp, giảm 46% so với cuối năm 2015 (trong đó có 1 doanh nghiệp đang tạm ngừng hoạt động).

Dẫn số liệu báo cáo của 35 doanh nghiệp, Bộ trưởng cho biết tổng số lượng người tham gia bán hàng đa cấp tính đến hết tháng 6/2017 là 361.592 người, giảm 276.045 người (43%) so với cuối năm 2016.

Vẫn theo số liệu báo cáo của 35 doanh nghiệp, tổng doanh thu bán hàng đa cấp 6 tháng đầu năm 2017 đạt khoảng 3.067 tỷ đồng, tương đương 39% doanh thu toàn ngành năm 2016.

Doanh thu bán hàng đa cấp chủ yếu đến từ thực phẩm chức năng (72%), và mỹ phẩm (25%). Doanh thu từ đồ gia dụng, quần áo thời trang, thiết bị và mặt hàng khác chiếm 3%.

Tổng số hoa hồng và các lợi ích kinh tế khác mà các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã chi trả cho người tham gia bán hàng đa cấp trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt khoảng 986 tỷ đồng, chiếm khoảng 32% tổng doanh thu toàn ngành (doanh thu chưa bao gồm VAT). Trong đó, giá trị khuyến mại quy đổi thành tiền đạt 33 tỷ đồng, chiếm khoảng 3.3% tổng giá trị hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế.

Báo cáo nêu, có 11/35 doanh nghiệp có phát sinh nghĩa vụ mua lại hàng hóa từ người tham gia với tổng giá trị ước tính khoảng 6 tỷ đồng, trong đó khấu trừ hoa hồng tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác và các chi phí quản lý, lưu kho khoảng 603 triệu.

Bộ trưởng nhận xét, ngành bán hàng đa cấp trong 6 tháng đầu năm 2017 tiếp tục giảm về số lượng doanh nghiệp, trong đó có Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy là công ty có quy mô lớn nhất trong ngành thực hiện chấm dứt hoạt động vào tháng 4/2017. Việc công ty này chấm dứt hoạt động là một trong những nguyên nhân khiến số lượng người tham gia bán hàng đa cấp tiếp tục giảm mạnh so với cuối năm 2016 (giảm 43%).

Báo cáo của Bộ trưởng cho biết, tổng số hoa hồng và các lợi ích kinh tế khác chi trả cho người tham gia bán hàng đa cấp đạt khoảng 986 tỷ đồng. Con số này tuy lớn về giá trị tuyệt đối nhưng nếu chia đều cho gần 362 ngàn người tham gia hệ thống thì thu nhập bình quân của người tham gia bán hàng đa cấp là không đáng kể, chỉ khoảng 2,7 triệu đồng/người/năm.

Điều này cho thấy bán hàng đa cấp chưa thực sự trở thành một kênh phân phối hiệu quả ở Việt Nam, và cũng không phải là một phương thức làm giàu cho tất cả những người tham gia, Bộ trưởng nhìn nhận.

Hoạt động bán hàng đa cấp vẫn chủ yếu tập trung vào hai nhóm mặt hàng chính là thực phẩm chức năng và mỹ phẩm. Theo phân tích của Bộ trưởng thì đây là những mặt hàng rất khó xác định giá trị thật và vì vậy, rất dễ xảy ra tình trạng giá bán hoàn toàn thoát ly giá trị cũng như giá trị sử dụng. Tuy các giao dịch đều được thực hiện trên nguyên tắc “thuận mua, vừa bán”, Nhà nước không thể can thiệp, nhưng đây là yếu tố đáng chú ý, cần được tuyên truyền rộng rãi để người dân biết và chủ động tìm hiểu mối quan hệ giữa giá cả và giá trị thật của sản phẩm trước khi mua hàng.

Liên quan đến công tác quản lý nhà nước, Bộ trưởng thông tin trong 6 tháng đầu năm 2017, có 3 doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp nhưng không có doanh nghiệp nào được cấp vì không đáp ứng đủ điều kiện.

Cùng thời gian này, Bộ Công Thương đã kết thúc điều tra và xử phạt 4 doanh nghiệp bán hàng đa cấp có hành vi vi phạm pháp luật về bán hàng đa cấp với tổng số tiền phạt 490 triệu đồng.

Phần khó khăn, Bộ trưởngcho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương tiếp tục nhận được nhiều đơn khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp. Gần như tất cả các đơn khiếu nại mà Bộ Công Thương nhận được đều từ những người tham gia vào hệ thống bán hàng đa cấp nhưng không hề có hoạt động bán hàng, chỉ đơn giản trao tiền cho người khác và hy vọng nhận được tiền lời với lãi suất cao.

Đặc biệt, 100% các thỏa thuận về lợi nhuận đều là thỏa thuận bằng lời, không được ghi lại thành văn bản nên khi xảy ra tranh chấp, cơ quan chức năng hoàn toàn không có chứng cứ để xử lý.

Bài viết mới