Thị trường xe sang – miếng bánh béo bở nằm trong tay ai?

Cuối tháng 11/2016, Bộ Tài chính yêu cầu dừng thông quan lô xe BMW do Euro Auto nhập khẩu vì những sai phạm trong hồ sơ, giấy tờ. Số phận nhà phân phối BMW khi đó đã gần như chấm dứt khiến thị trường bắt đầu đưa ra đồn đoán về người thay thế.

Sau gần 1 năm, thị trường đã có được câu trả lời từ BMW. Trái với những đồn đoán trước đó về việc một công ty con khác của Sime Darby sẽ thay thế Euro Auto, Thaco đã trở thành đại lý chính thức của BMW. Đồng thời đế chế lắp ráp này cũng lần đầu bước chân vào “tầng lớp thượng lưu” của phân khúc xe sang – thị trường của những đại gia kín tiếng.

Thị trường xe sang Việt Nam góp mặt gần như đầy đủ tất cả các tên tuổi lớn trên thế giới – thông qua các đơn vị phân phối, trong đó Mercedes là đơn vị thống lĩnh với số lượng xe bán ra lớn nhất. Cạnh tranh trực tiếp và có tiềm năng doanh số so với Mercedes là BMW, Lexus hay Audi. Ngoài ra, những tên tuổi ở phân khúc cao hơn như Porsche hay Rolls Royce cũng có sự hiện diện.

Với thị phần tại phân khúc xe sang và doanh số bán xe đứng đầu, không khó để Mercedes đang là thương hiệu có số nhà phân phối lớn nhất. Đây cũng là thương hiệu xe sang duy nhất đang được lắp ráp tại Việt Nam.

Hãng xe Đức này đang có 3 nhà phân ủy quyền chính thức là VietnamStar Autombile (thuộc tập đoàn Lei Shing Hong của Hongkong) cùng 2 nhà phân phối nội địa An Du (thuộc GAMI Group) và CTCP Dịch vụ ôtô Hàng Xanh (Haxaco).

Theo báo cáo của VAMA, Mercedes là thương hiệu thống lĩnh thị trường xe sang với gần 4.500 xe bán ra năm 2016, cao gấp nhiều lần so với một đối thủ theo sau là Lexus. Sau 8 tháng đầu năm 2017, sức mua của thương hiệu này thậm chí còn tiếp tục tăng với 4.318 xe được bán ra, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Không chỉ cạnh tranh với các thương hiệu xe khác, 3 nhà phân phối này cũng đang cạnh tranh gay gắt với nhau.

Có khả năng cạnh tranh về doanh số với Mercedes còn có các thương hiệu như BMW, Lexus hay Audi. Nếu như BMW đã “chốt” được nhà phân phối là Thaco – với dự báo sẽ là đơn vị gây sóng gió tại thị trường xe sang như những gì đã làm tại phân khúc tầm trung với Mazda, KIA thì đằng sau Audi cũng là một cái tên đáng chú ý.

CTCP Liên Á Quốc tế, doanh nghiệp phân phối thương hiệu xe Audi tại Việt Nam được biết đến là một đơn vị có mối liên hệ với OpenAsia – tập đoàn đang phân phối một loạt thương hiệu cao cấp như Hermes, Chopard, Kenzo, Hugo Boss…

Chủ tịch OpenAsia Đoàn Viết Đại Từ cũng là cổ đông sáng lập nắm 80% của Liên Á và đã chuyển nhượng số cổ phần của mình sang cho OpenAsia Equipment và Pacific Wheel – 2 công ty có trụ sở tại Hongkong từ cuối năm 2016.

Nằm ở phân khúc giá có phần cao hơn, Porsche và Rolls Royce là những thương hiệu thuộc nhóm siêu sang ở phân khúc ô tô. Dù doanh số bán ra không qua nhiều, nhưng với giá trị của một chiếc xe thường ở tầm vài chục tỷ đồng, đây vẫn là miếng bánh béo bở.

Đơn vị phân phối Porsche tại Việt Nam cũng không phải cái tên quá xa lạ. Công ty TNHH Xe hơi tối thượng (Ultimate Car) đóng vai trò nhập khẩu và Công ty TNHH Xe hơi thể thao uy tín đóng vai trò phân phối. Đứng sau 2 đơn vị này là Lei Shing Hong – tập đoàn cũng đồng thời sở hữu VietnamStar (đối tác phân phối Mercedes).

Với Rolls Royce, cuối tháng 6/2013, hãng xe danh tiếng thế giới này đã công bố sự hiện diện chính thức của mình tại thị trường Việt Nam, thông qua đại lý phân phối chính thức là công ty cổ phần ô tô Regal. Công ty này do ông Đoàn Hiếu Minh làm Chủ tịch HĐQT.

Dù lượng xe Rolls Royce đến tay khách hàng thông qua đại lý chính thức không thể so sánh được với các thương hiệu khác, chỉ tính bằng chiếc mỗi năm nhưng đây là thương hiệu không thể thiếu với những đại gia thực sự. Danh sách khách hàng của hãng xe này tại Việt Nam có thể kể đến những chủ tịch của các tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực BĐS hay tài chính.

Tân Thành Đô, một trong những nhà phân phối ô tô lớn nhất Việt Nam hiện đang phân phối 2 dòng xe sang cao cấp Land Rover và Jaguar thông qua 2 công ty thành viên Royal Auto Sài Gòn và Royal Hà Nội và phân phối thương hiệu xe Ý Maserati thông qua công ty Auto Modena.

Thông qua một số công ty khác, Tân Thành Đô còn phân phối xe Volkswagen và Ford.

Cuối năm 2016, Tân Thành Đô đã bị Tổng cục Hải Quan ra quyết định truy thu thuế 719 tỷ đồng liên quan đến việc khai báo giá trị nhập khẩu 2 thương hiệu xe này trong giai đoạn 2011-2015. Theo thông tin của Báo Tiền phong đưa ra vào tháng 8/2017, Tân Thành Đô đã bị nhà sản xuất tước quyền nhập khẩu 2 thương hiệu xe Jaguar và Land Rover.

Doanh nhân Đoàn Hiếu Minh: Người mua Rolls-Royce khắc họa cả cá tính, cuộc sống riêng của họ lên chiếc xe

Bài viết mới