Thị trường hồi phục, nhiều Bluechips tăng mạnh sau thời gian dài trượt giá

Giai đoạn tháng 4 và tháng 5 vừa qua đã xác lập mức điều chỉnh lớn nhất của TTCK Việt Nam trong vòng 5 năm qua tính từ thời điểm thị trường bước vào uptrend năm 2013. Chỉ số VNIndex và HNX-Index mất hơn 22% giá trị từng vùng đỉnh cho đến mức đáy ghi nhận trong ngày 28/5. Và từ đó đến nay, VNIndex và HNX-Index có mức tăng lần lượt đạt 11% và 12,1%. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu bluechips đã kịp tăng 20-35% giá trị chỉ trong vòng chưa đầy 10 phiên giao dịch.

CTD và mong ước về Một Coteccons

Cổ phiếu CTD của CTCP Xây dựng Coteccons là bluechip tăng giá mạnh mẽ nhất trong giai đoạn thị trường phục hồi. Trước đó, cổ phiếu này đã tạo đỉnh từ tháng 11 năm trước ở vùng giá 240.000 đồng/cổ phiếu và giảm 50% giá trị rồi tạo đáy quanh mức 122.000 đồng/cổ phiếu. Kể từ đó, CTD đã tăng hơn 34% trong thời gian qua.

Thị trường hồi phục, nhiều Bluechips tăng mạnh sau thời gian dài trượt giá - Ảnh 1.

Diễn biến giá cổ phiếu CTD trong 1 tháng qua

Có rất nhiều nguyên do dẫn đến việc sụt giảm của CTD: biên lợi nhuận của ngành xây dựng giảm so với những năm trước (do giá vật liệu tăng lên), lượng backlogs và hợp đồng ký mới thấp hơn, cổ đông nội bộ bán ra, nghi ngại về vấn đề các công ty “sân sau” của ban lãnh đạo hay thậm chí “người cũ” của Coteccons thành lập công ty cạnh tranh với họ.

Về vấn đề các công ty “sân sau”, tại ĐHCĐ của công ty, cổ đông đại diện tổ chức Dragon Capital cho rằng họ không muốn có quá nhiều công ty thành viên mà CTD không nắm quyền chi phối, và họ mong muốn chỉ có Một Coteccons. Ngoài 2 công ty con là Unicons và Covestcons, CTD đang không nắm quyền chi phối ở 4 công ty gồm: Ricons, FCC, Quảng Trọng và Hiteccons.

Nếu Coteccons hoàn tất việc sáp nhập các công ty thành viên vào “Một Coteccons”, ông Nguyễn Bá Dương ước tính, “Một Coteccons” sẽ có vốn điều lệ khoảng 1.000 tỷ đồng và mang lại doanh thu khoảng 3 tỷ USD vào năm 2020.

Nhóm dẫn sóng- cổ phiếu ngành ngân hàng

Hành trình tăng giá giai đoạn cuối năm 2017 đến hết Q1/2018 của VNIndex ghi nhận đóng góp to lớn của nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng khi nhóm “cổ phiếu vua” tăng giá ấn tượng. Những cổ phiếu vốn hóa lớn như VCB, BID, CTG, VPB đều tăng giá hơn 50% trong thời gian đó.

Một lần nữa ngành ngân hàng thể hiện vai trò dẫn dắt dòng tiền cũng như tâm lý nhà đầu tư khi các cổ phiếu ngân hàng đều bật mạnh từ đáy để giúp thị trường lấy lại niềm tin sau chuỗi ngày giao dịch ảm đạm.

Thị trường hồi phục, nhiều Bluechips tăng mạnh sau thời gian dài trượt giá - Ảnh 2.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất

Tăng giá mạnh nhất là cổ phiếu của ngân hàng TMCP phát triển TP.HCM (HDB: Hose), HDB đã tăng gần 32% từ đáy. Kế đến cổ phiếu của VPBank, sau khi giảm 44% từ đỉnh về mức 38.800 đồng/cổ phiếu thì bà Hoàng Anh Minh- vợ của CTHĐQT VPBank đăng kí mua vào 5 triểu cổ phiếu. Từ đó đến nay cổ phiếu VPB đã tăng 27,5%. Theo sau VPB là cổ phiếu của 2 ông lớn VCB (tăng 26%) và BID (tăng 23%).

Cổ phiếu nhóm vật liệu xây dựng

Trong các bluechips thuộc nhóm vật liệu xây dựng, cổ phiếu HSG của tập đoàn Hoa Sen có mức tăng mạnh nhất thời gian qua (hơn 31%). Trước đó, HSG đã “bốc hơi” 60% giá trị chỉ trong vòng hơn 4 tháng. Nguyên nhân của việc giảm giá của HSG đến từ việc giá nguyên liệu đầu vào thép cuộn cán nóng (HRC) tăng 10%, trong khi giá sản phẩm đầu ra chỉ tăng 1-2%. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay cũng là một áp lực đè nặng lên doanh nghiệp này. Hiện tại HSG giao dịch ở mức 12.750 đồng/cổ phiếu.

Theo sau HSG là cổ phiếu của tỷ phú đô la Trần Đình Long- HPG và VCS của Vicostone. HPG đã giảm 27% từ vùng đỉnh 66.700 đồng/cổ phiếu hồi tháng 3 về mức 48.700 đồng/cổ phiếu ngày 28/5. VCS thậm chí gây bất ngờ lớn hơn khi giảm gần 40% từ vùng đỉnh về giá 85.000 đồng/cổ phiếu ngày 28/5. Đây là mức điều chỉnh lớn nhất của VCS trong vòng 5 năm qua. HPG và VCS đã tăng lần lượt 25% và 23,5% trong 7 phiên vừa qua.

Thị trường hồi phục, nhiều Bluechips tăng mạnh sau thời gian dài trượt giá - Ảnh 3.

Diễn biến giá cổ phiếu HSG, HPG và VCS trong 1 tháng qua

Bài viết mới