Thị trường hàng hóa ngày 23/6: Dầu tăng mạnh sau quyết định của OPEC, các kim loại cơ bản xuống đáy trong nhiều tháng

Dầu tăng sau quyết định của OPEC

Giá dầu tăng sau khi các nhà sản xuất dầu mỏ đồng ý tăng sản lượng dầu thô khiêm tốn đề bù cho thiếu hụt sản lượng trong thời điểm nhu cầu toàn cầu đang tăng.

OPEC và các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu khác nhóm họp tại Vienna đã đồng ý nâng sản lượng từ tháng 7 khoảng 1 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, theo Iraq sự gia tăng thực tế sẽ là 770.000 thùng/ngày vì vài nước có sản lượng sụt giảm gần đây sẽ trật vật để được hạn ngạch hoàn toàn, trong khi các nhà sản xuất khác không thể lấp đầy phần thiếu hụt đó.

Việc tăng sản lượng thực tế là một tín hiệu tăng giá, do số liệu tăng cao hơn đã được bàn luận trước cuộc họp này.

Dầu thô Brent chốt phiên tăng 2,5 USD/thùng hay 3,4% lên 75,55 USD/thùng. Dầu thô Mỹ tăng 3,04 USD hay 4,6% lên 68,58 USD/thùng, có sự tăng thêm sau khi dự trữ tại kho cảng Cushing, Oklahoma bất ngờ sụt giảm.

Trong tuần này dầu Brent tăng 2,7% trong khi dầu Mỹ tăng 5,5%. Sau phiên giao dịch, cả dầu Mỹ và dầu Brent tiếp tục mạnh. Chênh lệch giá giữa dầu Mỹ và dầu Brent thu hẹp khoảng 15% xuống 6,36 USD trong phiên này, đánh dấu mức thấp nhất kể từ ngày 11/5.

Khoảng 3 tuần trước cuộc họp của OPEC, giá đã thoái lui từ mức cao ba năm rưỡi do lo sợ sản lượng tăng nhiều hơn có thể dẫn tới dư cung.

Cuối cùng, Saudi Arabia đã thuyết phục Iran hợp tác với kế hoạch cắt giảm sản lượng, sau những lời kêu gọi của các nhà tiêu dùng chính để hạn chế tăng chi phí nhiên liệu.

Quyết định của OPEC đã gây lúng túng trong một số thị trường do các nhà sản xuất đưa ra các mục tiêu gia tăng không rõ ràng khiến khó khăn để hiểu họ sẽ bơm thêm bao nhiêu dầu. Dự đoán sự gia tăng đó sẽ chưa tới 1 triệu thùng/ngày đã thúc đẩy thị trường tăng giá.

Dầu Brent đã giao dịch trên 100 USD/thùng trong vài năm cho đến năm 2014 và giảm xuống gần 26 USD/thùng trong năm 2016 sau đó phục hồi lên hơn 80 USD/thùng trong tháng trước. Giá tăng gần đây sau quyết định hạn chế sản lượng của OPEC trong một nỗ lực giảm tồn kho toàn cầu.

Sự sụt giảm sản lượng tại Venezuela và Libya cũng như nguy cơ sản lượng giảm từ Iran do các lệnh trừng phạt của Mỹ tất cả đã khiến thị trường lo lắng về thiếu hụt nguồn cung.

Theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, các nhà khoan dầu Mỹ đã cắt giảm 1 giàn khoan trong tuần này xuống 862 giàn, cắt giảm lần đầu tiên trong 12 tuần.

Vàng tăng nhẹ do đồng USD yếu

Giá vàng tăng từ mức thấp nhất 6 tháng do đồng USD giảm, nhưng sự phục hồi nhẹ cho thấy các nhà đầu cơ vẫn có thể đẩy giá giảm tiếp.

Vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.268,76 USD/ounce, kết thúc tuần giá vàng đã giảm 0,8%. Trong phiên trước đó giá vàng đã chạm 1.260,84 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ 19/12/2017.

Vàng kỳ hạn tháng 8 của Mỹ chốt phiên tăng 20 US cent hay 0,02% lên 1.270,7 USD/ounce.

Giá vàng sụt giảm trong thứ Sáu tuần trước sau khi liên tục không vượt qua được ngưỡng 1.300 USD/oucne do các nhà đầu cơ vội vàng thanh lý các hợp đồng mua vào.

Đồng USD giảm trở lại từ mức đỉnh 11 tháng so với rổ các đồng tiền chủ chốt, do đồng euro mạnh lên sau một khảo sát cho thấy tăng trưởng doanh nghiệp tư nhân khu vực đồng euro phục hồi trong tháng 6, khiến vàng rẻ hơn cho người mua bằng đồng tiền khác.

Ngân hàng Commerzbank đã đồng ý rằng vàng không thể phục hồi trong ngắn hạn, ngay cả với các sự kiện có khả năng gây bất ổn như cuộc bầu cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vào Chủ Nhật và hội nghị thượng định EU vào cuối tuần tới.

Lượng vàng nắm giữ của SPDR Gold Trust, quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới, đã giảm 0,5% xuống 824,63 tấn trong ngày 21/6.

Tại châu Á, nhu cầu vàng phục hồi ở hầu hết các trung tâm trong tuần này do giá giảm xuống mức thấp nhất 6 tháng, vàng được bán ở mức chênh tại Ấn Độ, lần đầu tiên trong 7 tuần. Tuy nhiên, nhiều khách hàng đang đợi giá giảm tiếp.

Bạch kim và pallađi lần lượt tăng 1% lên 870,24 USD/ounce và tăng 0,3% lên 953,5 USD/ounce, cả hai đều có tuần giảm khoảng 2%.

Bạc tăng 0,8% lên 16,44 USD/ounce sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 2/5 tại 16,16 USD/ounce trong phiên trước.

Kẽm chạm mức thấp nhất 10 tháng

Giá kẽm xuống mức thấp nhất trong 10 tháng do dự trữ ngày càng tăng và các thương nhân dặt cược vào nguồn cung khai thác tăng lên, trong khi đồng có tuần giảm giá thứ hai do lo sợ một cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu.

Dự trữ kẽm tại kho LME đứng ở mức 247.250 triệu tấn, tăng 87% kể từ ngày 1/3 năm nay. Theo Tổ chức Nghiên cứu Kẽm Chì Quốc tế, công suất mỏ kẽm bổ sung 880.000 tấn sẽ được đưa vào hoạt động trong năm nay.

Giá kẽm LME đã giảm xuống 2.889,5 USSD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2017, kết thúc tuần ổn định tại 2.917 USD/tấn, giảm gần 5% trong tuần này.

Đồng chốt phiên ổn định tại 6.789 USD/tấn, kết thúc tuần giảm khoảng 3,2%.

Thị trường đồng đã tinh chế trên toàn cầu dư thừa 55.000 tấn trong tháng 3 và 87.000 tấn trong tháng 2.

Thép Thượng Hải có tuần tồi tệ nhất 3 tháng

Giá thép Thượng Hải giảm, có tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 3, với nhu cầu bị kiềm chế bởi những dấu hiệu một cuộc chiến thuế quan giữa Trung Quốc và Mỹ đang gây thiệt hại cho các công ty trên toàn cầu.

Hãng xe hạng sang Daimler đã giảm dự báo lợi nhuận và BMV cho biết họ đang xem xét các lựa chọn chiến lược vì căng thẳng thương mại ngày càng tăng giữa Bắc Kinh và Washington.

Các công ty Đức kết hợp với nông dân Mỹ, các nhà sản xuất panel năng lượng mặt trời và thép Trung Quốc là những người tổn thương đầu tiên trong tranh chấp thương mại với quy mô toàn cầu kể từ những năm 1930.

Hợp đồng thép cây kỳ hạn tháng 10 trên sàn kỳ hạn Thượng Hải đóng cửa giảm 1,3% xuống 3.760 NDT (579 USD)/tấn. Thép cuộn cán nóng kỳ hạn giảm 0,7% xuống 3.870 NDT.

Thép cây sử dụng trong xây dựng giảm 3,1% trong tuần này, thép cuộc cán nóng sử dụng trong sản xuất giảm 2,4%, giảm nhiều nhất kể từ cuối tháng 3.

Giá thép sụt giảm ngay cả khi nhu cầu thép của Trung Quốc vẫn khá mạnh, bằng chứng là kho dự trữ sụt giảm liên tục. Theo số liệu của công ty tư vấn SteelHome, dự trữ thép cây tại các công ty kinh doanh Trung Quốc ở mức 4,77 triệu tấn tính đến ngày 15/6, giảm 51% kể từ giữa tháng 3. Dự trữ thép cuộn cán nóng giảm 37% xuống 1,98 triệu tấn trong cùng giai đoạn này.

Cao su giảm nhẹ

Giá cao su kỳ hạn tại Tokyo giảm nhẹ ngay cả khi giá cao su Thượng Hải phục hồi từ đợt giảm mạnh.

Cao su trên sàn giao dịch kỳ hạn Tokyo (TOCOM) – thiết lập giá tham chiếu tại Đông Nam Á và thường theo xu hướng của cao su kỳ hạn Thượng Hải – giảm do đồng yên tăng so với đồng USD trong tuần qua.

Zhu Ziyue, tại công ty Hongyuan Futures cho biết “sự gia tăng tại Thượng Hải chủ yếu do sự phục hồi sau khi giảm mạnh trước đó. Các nhà máy và thương nhân sẵn sàng tăng dự trữ đẩy giá tăng”. Giá cao su Tokyo bị ảnh hưởng bởi sự tăng giá của đồng yên gần đây, nhưng sẽ theo xu hướng với cao su Thượng Hải trong tương lai.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 11 tại sàn TOCOM đóng cửa giảm 0,8 yên xuống 173,4 yên/kg, kết thúc tuần giá giảm 3,6%.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9, được giao dịch nhiều nhất trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 115 NDT đóng cửa tại 10.480 NDT/tấn. Hợp đồng này đã sụt giảm hơn 3% trong phiên 19/6 sau khi căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ leo thang một lần nữa.

Đường tăng giá

Đường thô kỳ hạn tháng 10 tăng 0,2 US cent hay 1,6% lên 12,41 US cent/lb. Kết thúc tuần giá tăng 0,5% sau hai tuần liên tiếp sụt giảm.

Các đại lý lưu ý hoạt động phần lớn bị chi phối bởi yếu tố kỹ thuật sau khi giá giữ trên mức trung bình 20 ngày và 50 ngày.

Những người đầu tư trên thị trường cũng đang theo dõi tiến độ của giai đoạn mùa mưa rất quan trọng tại Ấn Độ, do lượng mưa được dự báo thấp hơn bình thường khoảng 9% từ đầu tháng 6 tới nay. Sản lượng đường của Ấn Độ dự kiến tăng trong niên vụ này và tiếp tục tăng trong niên vụ tới, gây sức ép cho thị trường toàn cầu.

Các đại lý cũng ghi nhận việc bảo hiểm rủi ro của các nhà sản xuất Brazil chậm lại sau khi đồng real của Brazil mạnh hơn trong những ngày gần đây. Đồng real mạnh hơn hỗ trợ giá do làm giảm lợi nhuận với các mặt hàng định giá bằng đồng USD như đường, không khuyến khích các nhà sản xuất bán ra.

Đường trắng kỳ hạn tháng 8 chốt phiên tăng 2,7 USD hay 0,8% lên 344,5 USD/tấn.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 23/6

Thị trường hàng hóa ngày 23/6: Dầu tăng mạnh sau quyết định của OPEC, các kim loại cơ bản xuống đáy trong nhiều tháng - Ảnh 1.
Thị trường hàng hóa ngày 22/6: Vàng đảo chiều tăng, dầu thô vẫn tiếp tục giảm

Bài viết mới