Dầu Mỹ tăng, Brent giảm
Dầu thô kỳ hạn của Mỹ tăng gần 2% trong phiên 20/6, nhờ hỗ trợ bởi dự trữ trong nước giảm, trong khi dầu Brent giảm trước cuộc họp của OPEC vào cuối tuần này, có thể dẫn tới tăng sản lượng toàn cầu.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 5,9 triệu thùng trong tuần trước, sự sụt giảm lớn nhất trong một tuần kể từ tháng 1. Hoạt động lọc dầu tăng lên 17,7 triệu thùng/ngày, cao kỷ lục vào thời điểm này trong năm.
Dầu thô Tây Texas của Mỹ (WTI) kỳ hạn tháng 7 (hết hạn vào đêm qua) tăng 1,15 USD hay 1,8% chốt phiên tại 66,22 USD/thùng. Dầu WTI kỳ hạn tháng 8 đóng cửa tăng 81 US cent lên 65,71 USD/thùng.
Dầu thô Brent kỳ hạn tháng 8 giảm 34 US cent tương đương 9,5% đóng cửa tại 74,74 USD/thùng.
Các thương gia cho biết sự sụt giảm nguồn cung tại Libya, gồm tổn thất bể chứa 400.000 thùng cũng hỗ trợ giá tăng. Sản lượng tại Libya giảm xuống còn 600.000 tới 700.000 thùng/ngày từ hơn 1 triệu thùng/ngày sau các cuộc đụng độ tại kho cảng dầu mỏ Ras Lanuf và Es Sider.
Tuy nhiên, dầu Brent kỳ hạn giảm sau khi Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih cho biết thị trường có nhu cầu thêm nhiều dầu mỏ trong nửa cuối năm nay và OPEC đang thống nhất về một quyết định chính sách sản lượng tốt trong tuần này.
Saudi Arabia đang cố gắng thuyết phục các thành viên OPEC về sự cần thiết của việc tăng sản lượng.
Nga, không phải thành viên OPEC nhưng là nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, cũng đang thúc đẩy nới lỏng thỏa thuận khiểm soát nguồn cung đã đưa ra để hỗ trợ giá trong năm 2017.
Các thành viên khác của OPEC gồm Iran phản đối động thái như vậy, lo sợ giá sụt giảm. Iran báo hiệu họ có thể cho phép OPEC tăng sản lượng không nhiều, để một số thành viên OPEC đã cắt giảm quá mức trở lại tuân thủ theo hạn ngạch.
Scott Sheffield, chủ tịch của công ty Pioneer Natural Resource cho biết OPEC nên nâng sản lượng khoảng 1 triệu thùng/ngày để giữ cân bằng nguồn cung dầu thô toàn cầu và nhu cầu.
Vàng ở mức thấp 6 tháng
Giá vàng giảm nhưng gần mức thấp nhất 6 tháng do đồng USD lên cao nhất 11 tháng đối trọng với lo ngại căng thẳng thương mại toàn cầu.
Vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.272,44 USD/ounce. Kim loại này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 22/12 ở mức 1.270 USD/ounce trong phiên trước.
Vàng kỳ hạn tháng 8 của Mỹ giảm 4,1 USD hay 0,3% xuống 1.274,5 USD/ounce.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngày 19/6, một cố vấn của Nhà Trắng cho biết Bắc Kinh đã đánh giá thấp quyết tâm áp thuế mạnh hơn của Tổng thống Mỹ.
Vàng được xem là tài sản trú ẩn an toàn, thông thường tăng do căng thẳng địa chính trị hay kinh tế, nhưng đã gặp khó khăn trong thời gian này do đồng USD tăng mạnh, khiến giá vàng tính bằng USD đắt hơn đối với các nhà đầu tư bên ngoài nước Mỹ.
Đồng USD không đổi gần mức đỉnh 11 tháng so với rổ tiền tệ chính do dấu hiệu Trung Quốc chấp nhận đồng NDT mạnh lên cân đối với lo lắng về xung đột thương mại toàn cầu. Các thị trường khác phục hồi sau bán tháo gần đây do căng thẳng thương mại, trong khi lợi suất Kho bạc tăng sau khi chủ tịch Cục dự trữ liên bang cho biết ngân hàng trung ương Mỹ nên tiếp tục tốc độ tăng lãi suất từ từ.
Bạch kim tăng 0,7% lên 873,20 USD/oucne. Đầu phiên giá đã chạm 854,5 USD/oucne, mức thấp nhất kể từ ngày 3/2/2016. Bạch kim vẫn bị áp lực giảm từ căng thẳng thương mại và những lo ngại liên quan tới tăng trưởng toàn cầu chậm lại, nhưng giá sẽ không giảm tiếp từ mức này.
Bạc tăng 0,2% lên 16,31 USD/oucne. Pallađi giảm 0,1% xuống 965,60 USD/ounce.
Đồng giảm xuống mức thấp nhất 3 tuần
Giá đồng giảm xuống mức thấp nhất 3 tuần sau khi dự trữ tăng cho thấy rõ tình trạng nguồn cung mạnh, trong khi nhôm giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4 sau số liệu sản lượng tăng trên toàn cầu.
Nhôm và một số kim loại khác đã tăng trong đầu phiên giao dịch do việc săn giá hời, nhưng đã tiếp tục xu hướng giảm trong bối cảnh tranh chấp thương mại Mỹ Trung.
Số liệu hàng ngày cho thấy dự trữ đồng trong kho của LME tăng 15.800 tấn lên 264.575 tấn, tăng 38% kể từ ngày 29/5. Oliver Nugent, chuyên gia chiến lược hàng hóa tại ngân hàng ING Bank ở Amsterdam cho biết, những dấu hiệu trên thị trường giao ngay cũng cho thấy đồng không bị thiếu hụt.
Nguy cơ về một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã đánh vào các thị trường tài chính, thúc đẩy một đợt thanh lý lớn của các hợp đồng đầu cơ kim loại theo chiều giá tăng trong những ngày gần đây.
Đồng LME giao sau ba tháng giảm 1% xuống 6.773 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 30/5.
Sản lượng đồng đã tinh chế của Trung Quốc tăng 15,5% so với một năm trước lên 767.000 tấn trong tháng 5.
Nickel và kẽm, chủ yếu được sử dụng trong ngành thép đã tăng khi giá thép kỳ hạn tại Trung Quốc phục hồi sau khi giảm gần 3% trong phiên trước.
Nickel LME, chủ yếu sử dụng trong thép không gỉ, tăng 2,2% lên 14.850 USD/tấn. Thiếu hụt trong thị trường nickel toàn cầu nới rộng thành 52.600 tấn trong 4 tháng đầu năm nay từ mức 37.800 tấn trong cùng kỳ năm 2017.
Thép Thượng Hải phục hồi
Giá thép kỳ hạn tại Trung Quốc phục hồi sau khi giảm gần 3% trong phiên trước, mặc dù lo lắng về tranh chấp thương mại giữa Bắc Kinh và Washington đã hạn chế mức tăng,
Nhu cầu xây dựng yếu tại Trung Quốc, nước tiêu thụ và sản xuất thép hàng đầu thế giới, đã khiến giá thép giảm, với quặng sắt kỳ hạn gần mức thấp nhất 4 tháng trong phiên trước.
Hợp đồng thép cây kỳ hạn tháng 10 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đóng cửa tăng 0,5% lên 3.817 NDT (590 USD)/tấn, sau khi giảm 2,9% trong phiên trước.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên giảm 0,4% xuống 453 NDT/tấn. Nguyên liệu thô này đã giảm 4,6% trong phiên trước khi giá chạm mức thấp nhất hai tháng tại 443,5 NDT.
Kevin Bai, nhà phân tích tại công ty tư vấn CRU ở Bắc Kinh cho biết việc tăng thuế quan của Mỹ có thể gồm cả các sản phẩm làm từ thép tại Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu thép của nước này. Giá có thể khá biến động trong ngắn hạn, nhưng trong dài hạn sẽ đối mặt với nguy cơ giảm giá. Điều này một phần do nhu cầu thép tại Trung Quốc suy yếu bởi thời tiết nóng tại miền bắc và mưa tại miền nam đang cản trở hoạt động xây dựng. Trong khi đó các cuộc kiểm tra môi trường liên tục ở Trung Quốc đã hạn chế sản xuất tại một số tỉnh như Giang Tô và Hà Bắc.
Cao su phục hồi
Giá cao su kỳ hạn Tokyo phục hồi theo sự tăng giá ở Thượng Hải, nhưng nguồn cung ngày càng lớn và nhu cầu yếu tiếp tục gây áp lực lên thị trường này.
Giá cao su trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), nơi thiết lập giá cao su tham chiếu cho Đông Nam Á, phục hồi sau khi giảm mạnh trong phiên trước trong lúc căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ ảnh hưởng tới tâm lý trên thị trường.
Chuyên gia phân tích Li Dongling tại công ty First Futures cho biết các yếu tố cơ bản vẫn yếu nhưng giá cao su đã giảm quá nhiều vì thế chúng cần phục hồi, ông không nghĩ sự tăng giá sẽ duy trì trong thời gian dài.
Hợp đồng cao su TOCOM kỳ hạn tháng 11 đóng cửa tăng 2,3 yên lên 176,0 yên/kg.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 được giao dịch nhiều nhất trên sàn Thượng Hải tăng 45 NDT đóng cửa tại 10.350 NDT/tấn.
Giá sữa thế giới giảm phiên thứ hai liên tiếp do nguồn cung lớn
Giá sữa thế giới giảm lần thứ hai liên tiếp tại phiên đấu giá hai tuần một lần diễn ra vào ngày 20/6 do nguồn cung tăng lên.
Chỉ số giá GDT (chỉ số giá sữa của hãng Fonterra, tham chiếu cho thị trường toàn cầu) đã giảm 1,2% với giá bán trung bình 3.481 USD/tấn trong phiên đấu giá, sau khi giảm 1,3% rời khỏi mức cao nhất trong 9 tháng tại phiên đấu giá trước (ngày 6/6). Kết quả này đã gây ra nghi ngờ về đợt tăng giá trước đó đã khiến công ty sữa Fonterra của New Zealand nâng dự báo giá cho nông dân trong tháng 5.
Giá sữa giảm bởi sự phục hồi nguồn cung nhanh hơn dự kiến tại New Zealand, nhà xuất khẩu sữa lớn nhất thế giới. Trước đó thời tiết xấu của nước này đã làm giảm sản lượng từ cuối năm 2017.
Bất chấp nhu cầu mạnh, nguồn cung bổ sung khiến giá giảm. Sữa bột tách kem giảm 1,1% lần đầu tiên kể từ tháng 4. Sữa bột nguyên kem, sản phẩm được giao dịch nhiều nhất giảm 1%.
Tổng cộng 21.634 tấn sữa đã được bán tại phiên đấu giá gần nhất, tăng 0,3% so với phiên trước đó.
Đường tăng giá
Đường thô kỳ hạn tháng 7 tăng 0,06 US cent hay 0,49% lên 12,19 US cent/lb sau khi giảm trong phiên trước cùng các hàng hóa khác. Hợp đồng này tăng lần đầu tiên trong 5 phiên với sự hỗ trợ từ sự mạnh lên của đồng real Brazil so với đồng USD.
Tobin Gorey, nhà phân tích tại ngân hàng Commonwealth của Australia cho biết “chúng tôi đang tìm kiếm làn sóng mua vào thứ hai và có thể lớn hơn từ động lực của nhà đầu tư”.
Đường trắng kỳ hạn tháng 8 tăng 3,3 USD hay 1% lên 342,1 USD/tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 21/6