Dầu biến động trái chiều
Giá dầu biến động trái chiều trong phiên giao dịch ngày hôm qua 12/6, với giá dầu thô Mỹ tăng cao trước khi giảm và giá dầu thô Brent giảm do các nhà đầu tư chuẩn bị cho cuộc họp quan trọng của nhóm các nước sản xuất OPEC vào tuần tới.
Dầu thô Brent kỳ hạn giảm 58 cent xuống còn 75,88 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Tây Texas WTI kỳ hạn tăng 26 cent lên 66,36 USD/thùng, do số liệu từ Viện Dầu mỏ Mỹ cho thấy rằng dự trữ dầu thô của nước này tăng đột biến lên 833.000 thùng so với dự kiến của các nhà phân tích dự trữ dầu thô sẽ giảm 2,7 triệu thùng. Đồng USD tăng mạnh mẽ và đồng euro suy yếu gây áp lực đối với giá dầu Brent, Phillip Streible, nhà chiến lược thị trường cao cấp tại RJO Futures cho biết.
OPEC và các nước sản xuất khác bao gồm Nga đã cắt giảm sản lượng dầu thêm 1,8 triệu thùng/ngày (bpd) kể từ tháng 1/2017, trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy thị trường. OPEC sẽ họp vào ngày 22-23/6 và dự kiến quyết định chính sách nguồn cung trong thời gian tới.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đe dọa cắt giảm xuất khẩu của Iran và khả năng sản lượng dầu Venezuela sẽ giảm hơn nữa, trong khi Saudi Arabia và Nga cho biết sẽ sẵn sàng bù đắp cho bất kỳ sự thiếu hụt nguồn cung nào. Sản lượng dầu thô Mỹ tăng ít hơn so với dự kiến trước đó lên 11,76 triệu bpd trong năm tới, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết. Tuy nhiên OPEC cho biết, triển vọng thị trường dầu trong nửa cuối năm 2018 sẽ không chắc chắn, ngay cả khi con số của tổ chức này cho thấy dư cung toàn cầu giảm.
Vàng về dưới ngưỡng 1.300 USD/ounce
Giá vàng duy trì dưới ngưỡng 1.300 USD/ounce, do các nhà đầu tư chờ đợi tín hiệu tăng lãi suất của Mỹ từ cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang trong tuần này.
Giá vàng giao giảm 0,4% xuống còn 1.294,96 USD/ounce, trong phiên có lúc xuống 1.292,6 USD/ounce, mức thấp nhất 1 tuần và giá vàng kỳ hạn tháng 8 tại Mỹ giảm 3,8 USD tương đương 0,3% xuống còn 1.299,4 USD/ounce. Lợi tức trái phiếu Mỹ tăng cao và đồng USD tăng so với 1 giỏ tiền tệ chủ chốt. Vàng không phản ứng mạnh với cam kết bởi các nhà lãnh đạo Mỹ và Bắc Triều Tiên hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên.
Trong khi đó, giá bạc giảm 0,2% xuống còn 16,86 USD/oucne, sau khi đạt mức cao nhất 7 tuần trong ngày thứ hai ở mức 16,95 USD/ounce. Giá bạch kim giảm 1,2% xuống còn 893,5 USD/ounce và giá palađi giảm 0,4% xuống còn 1.018 USD/ounce.
Đồng giảm, còn nhôm tăng
Giá đồng giảm phiên thứ 3 liên tiếp do các nhà đầu tư bán ra chốt lời và việc giải quyết lao động tại Chile đã gia tăng triển vọng đối với 1 thỏa thuận tại mỏ khai thác hàng đầu Escondida.
Giá đồng kỳ hạn 3 tháng trên sàn London giảm 0,5% xuống còn 7.222 USD/tấn, sau 2 phiên trước đó đạt 7.348 USD/tấn, mức cao nhất trong 4 năm rưỡi.
Giá nhôm trên sàn London hợp đồng tham chiếu tăng 0,04% lên 2.302 USD/tấn. Giá kẽm trên sàn London giảm 0,1% xuống còn 3.199 USD/tấn, giá chì không thay đổi ở mức 2.475 USD/tấn và dự kiến sẽ tăng lên 2.610-2.639 USD/tấn, nhà phân tích cao cấp Axel Rudolph tại Commerzbank cho biết. Giá nickel giảm 0,5% xuống còn 15.210 USD/tấn, và giá thiếc giảm 0,2% xuống còn 21.125 USD/tấn.
Thép cây hồi phục
Giá thép cây tại Trung Quốc hồi phục từ mức giảm 2 ngày trước đó, được hậu thuẫn bởi các doanh nghiệp thép lớn tăng giá và lo ngại dư cung tại thị trường này giảm bớt, trong bối cảnh công suất sản xuất tại các nhà máy thép suy giảm.
Giá thép cây, hợp đồng tham chiếu tại Thượng Hải tăng 1,9% lên 3.856 NDT (602,42 USD)/tấn, mức cao nhất kể từ đầu tháng 12/2017. Các công ty sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc bao gồm Baoshan Iron & Steel, Wuhan Iron và Steel Co cho biết, họ sẽ tăng giá một số sản phẩm như thép cuộn cán nóng, dầm thép và thép dây giao tháng 7.
Jiangsu Shagang Group, công ty thép tư nhân lớn nhất Trung Quốc xét theo năng lực sản xuất cho biết, sẽ nâng giá thép cây giao ngay và sản phẩm thép dây giao giai đoạn 11-20/6. Việc kiểm tra môi trường gần đây cũng giữ giá thép duy trì ở mức cao, với công suất sử dụng tại các lò luyện thép cao Trung Quốc giảm tuần thứ 3 liên tiếp, giảm xuống còn 71,41% trong tuần kết thúc ngày 8/6, điều này đã giảm bớt áp lực dư cung thị trường.
Giá quặng sắt kỳ hạn trên sàn Đại Liên tăng 1% lên 473,5 NDT/tấn, bất chấp dự trữ tại các cảng ở mức cao. Dự trữ quặng sắt tại các cảng lớn của Trung Quốc giảm đáng kể xuống còn 161,03 triệu tấn, hầu hết là quặng từ Australia, so với mức cao kỷ lục 161,98 triệu tấn trong tuần trước đó, công ty SteelHome cho biết. Giá quặng sắt giao ngay sang cảng Tần Hoàng Đảo giảm 0,7% xuống còn 66,75 USD/tấn ngày thứ hai (11/6), Metal Bulletin cho biết.
Giá than cốc tại Đại Liên tăng 4% lên 2.141,5 NDT/tấn, trong khi giá than luyện cốc kỳ hạn tăng 3% lên 1.277,5 NDT/tấn, được thúc đẩy bởi lo ngại nguồn cung thắt chặt trong bối cảnh kiểm tra môi trường dẫn đầu bởi Bắc Kinh.
Cao su chấm dứt chuỗi giảm 2 phiên liên tiếp
Giá cao su kỳ hạn trên sàn TOCOM, hợp đồng tham chiếu chấm dứt chuỗi giảm 2 phiên liên tiếp do đồng yên suy yếu trở lại, nhưng tồn kho ở mức cao khiến giá vẫn chạm gần mức thấp nhất 2 tuần trong phiên trước đó.
Đồng USD tăng lên mức cao nhất 3 tuần so với đồng yên trong ngày 12/6, trong bối cảnh kỳ vọng cuộc họp thượng đỉnh giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên hướng tới phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 11 trên sàn TOCOM kết thúc phiên tăng 1,6 JPY lên 186,5 JPY (1,69 USD)/kg. Trong phiên có lúc đạt 184,3 JPY/kg, mức thấp nhất 2 tháng, do thị trường chịu áp lực bởi tồn kho tại Nhật Bản và các quốc gia tiêu thụ khác ở mức cao.
Tại Thượng Hải hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 giảm 5 NDT xuống còn 11.400 NDT (1.780 USD)/tấn. Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 7 trên sàn SICOM tăng 0,6 Uscent lên 140,8 Uscent/kg.
Đường và ca cao tăng, cà phê biến động trái chiều
Giá đường thô kỳ hạn tăng được thúc đẩy bởi hoạt động mua bù thiếu và lượng bán ra giảm. Giá đường thô kỳ hạn tháng 10 tăng 0,03 cent, tương đương 0,2% lên 12,67 cent/lb.
Các đại lý cho biết, sản lượng mía và đường tại khu vực trung nam Brazil giảm trong nửa cuối tháng 5, một phần do cuộc đình công của lái xe trên phạm vi cả nước. Khu vực này đã sản xuất 1,34 triệu tấn đường trong nửa cuối tháng 5/2018, so với 1,907 triệu tấn giai đoạn 2 tuần trước đó, Tập đoàn công nghiệp mía đường Unica cho biết. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 8 tăng 1 USD, tương đương 0,3% lên 352 USD/tấn.
Giá ca cao kỳ hạn tháng 9 tại New York tăng 36 USD, tương đương 1,5% lên 2.444 USD/tấn, sau khi giảm xuống mức thấp nhất 3 tháng vào tuần trước đó, ở mức 2.320 USD/tấn. Các đại lý cho biết, thị trường được củng cố bởi lo ngại về thời tiết khô tại khu vực sản xuất hàng đầu Ivory Coast. Giá ca cao kỳ hạn tháng 9 tại London tăng 14 GBP tương đương 0,8% lên 1.749 GBP/tấn.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 tăng 0,3 cent tương đương 0,3% lên 1,195 USD/lb. Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 giảm 8 USD tương đương 0,5% xuống còn 1.715 USD/tấn.
Lúa mì tăng mạnh nhất 1 tháng
Giá lúa mì kỳ hạn tại Mỹ tăng gần 4%, mức tăng mạnh nhất trong 1 tháng sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ giảm ước tính sản lượng lúa mì tại nước xuất khẩu hàng đầu – Nga.
Giá ngũ cốc duy trì vững sau khi giảm mạnh gần đây khi cuộc họp thượng đỉnh Mỹ – Triều tại Singapore dấy lên kỳ vọng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc suy giảm, khả năng sẽ thúc đẩy xuất khẩu. USDA nâng ước tính sản lượng lúa mì Mỹ niên vụ 2018/19 thêm 6 triệu bushel lên 1,827 tỉ bushel nhưng cắt giảm sản lượng lúa mì Nga xuống còn 68,5 triệu tấn so với 72 triệu tấn ước tính trước đó.
Giá ngô kỳ hạn tháng 7 trên sàn Chicago tăng 10-1/4 cent lên 3,77-1/2 USD/bushel và giá lúa mì kỳ hạn tháng 7 tại Chicago tăng 20 cent lên 5,34-1/2 USD/bushel, mức tăng mạnh nhất kể từ ngày 18/5.
Giá đậu tương kỳ hạn tháng 7 tại Chicago tăng 1/4 cent lên 9,54 USD/bushel, hồi phục từ mức thấp nhiều tháng ở mức 9,52 USD/bushel.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 13/6