Không chỉ vốn mà còn kinh nghiệm
Không khí “người người buôn chứng” như giai đoạn 2006-2007 ít nhiều được tái hiện, khi sàn CK hiện nay không chỉ tập trung những NĐT vốn lớn, kinh nghiệm dày dạn mà còn có cả những NĐT mới tham gia thị trường. Nhưng khác với cách đây một thập niên, cứ mua là thắng, đầu tư trong giai đoạn hiện nay khắc nghiệt hơn hẳn. Không khó để chỉ ra 2 thách thức cho những NĐT nhỏ lẻ “tân binh” đó là vốn và kinh nghiệm.
Hiện nay, để sở hữu 1.000 CP Vinamilk (VNM) chỉ cần số vốn xấp xỉ 200 triệu đồng. Thực tế đây không phải là số tiền lớn ngay cả với những NĐT mới, nhưng việc sử dụng thế nào lại là vấn đề.
Chẳng hạn xét về khối lượng, 1.000 CP mức giá lên đến 20.0 của VNM có thể đã cao, nên khó lòng tăng thêm có thể khiến nhiều người chùn tay. Suy nghĩ này ít nhiều cũng có phần đúng, nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ nếu sử dụng 200 triệu đồng thay vì mua CP blue chips chọn những hàng mid cap hoặc penny liệu có khả dĩ hơn hay không?
TTCK đã có những giao dịch tích cực sau Tết Nguyên đán, nhưng không tăng đồng loạt mà dòng tiền và sức bật tập trung nhiều ở nhóm CP ngân hàng. Thị trường tăng, nhưng vẫn còn đó những CP đứng giá, thậm chí giảm giá. Có những mã giảm giá trong 2 ngày 21 và 22 và phải đến 23-2 mới phục hồi trở lại. |
Thực ra trong nhóm mid cap và penny vẫn có hàng tốt, tuy nhiên xác suất lựa chọn chính xác ngày một thấp bởi số lượng CP nhóm này rất đông. Cộng với đó, thông tin về mid cap và penny được các CTCK phân tích, mổ xẻ cũng ngày một ít hơn, vì các analyst (chuyên gia phân tích) hiện nay thường chú tâm đến blue chips.
Như vậy việc thiếu kinh nghiệm nên NĐT lựa chọn mid cap và penny phần nhiều sẽ mang tính chất may rủi. Trong 10 phiên giao dịch gần nhất, DPS (CTCP ĐTPT Sóc Sơn) có đến 4 phiên tăng trần, nhưng kèm theo đó là 2 phiên giảm sàn và 4 phiên đứng giá, nghe hoành tráng là vậy nhưng hiện giờ CP này đang được giao dịch ở mức chưa đến… 2.000 đồng/CP. Tức chỉ cần chưa đến 20 triệu đồng có thể sở hữu hơn 10.000 CP DPS, số lượng đủ để thuyết phục NĐT nhỏ lẻ có vẻ nhiều. Cộng với đó, mức giá thấp của DPS cũng tạo ra hy vọng rằng CP có thể tăng mạnh trở lại đem đến lợi nhuận khủng.
Nhưng trong 3 tháng gần đây, dù có tăng trần hay giảm sàn DPS vẫn đang theo xu hướng giảm, từ mức giá hơn 2.200 đồng/CP đã có lúc rớt xuống 1.700 đồng/CP, nghĩa là sở hữu 10.000 DPS giá cao và bán cắt lỗ ở đáy cũng lỗ 5 triệu đồng, con số này chia cho số vốn chừng vài chục triệu cũng cho ra tỷ lệ thua lỗ đáng kể.
Blue chips không dễ ăn
Bắt nguồn từ đợt điều chỉnh mạnh diễn ra vào đầu tháng 2, trước Tết Nguyên đán. Từ hơn 1.100 điểm, VN Index đã điều chỉnh mạnh và đã có lúc chỉ còn hơn 970 điểm, nhiều CP đã giảm giá không thương tiếc. Hãy bắt đầu với BID (BIDV), CP đã vượt đỉnh lịch sử ngay trong phiên 21-2, phiên đầu tiên của năm Mậu Tuất lên mức 3.74. Nhưng trước khi tạo đỉnh cao mới, BID cũng có vài ngày khiến NĐT đau thương.
Đó là vào nửa cuối tháng 1, BID tăng hơn 33% từ 2.7 lên 3.6, tuy nhiên trong đợt điều chỉnh mạnh của thị trường, CP này đã có lúc giảm về chỉ còn hơn 2.9, tức là mất giá đến gần 20%. Nếu sử dụng margin với tỷ lệ 1:1 để mua BID ở giá 3.6 và cắt lỗ ở mức 2.9, mức độ thua lỗ lên đến gần 40%; còn trong trường hợp xé rào với tỷ lệ 1:2 (có 1 đồng vay 2 đồng), tỷ lệ thua lỗ có thể lên đến hơn 60%.
Giả định danh mục của NĐT trong năm 2017 lãi theo VN Index, tức tăng đến 50%, chỉ cần vài phiên là xóa bay công sức, thậm chí còn bị âm vốn. Có thể thấy, những CP lớn phát tín hiệu uptrend thường lúc nào cũng có NĐT “theo”, vì tâm lý tin tưởng sẽ khó giảm mạnh, cộng với đã uptrend thì giá cao còn có thể cao hơn. Nên việc lỡ mua phải giá cao để rồi lỗ nặng cũng là chuyện “hên xui” rất đỗi… bình thường.
Điều này có thể minh chứng rõ hơn qua trường hợp của HVN (Vietnam Airlines), CP đang giao dịch tại UPCoM và không được sử dụng margin. Nửa năm qua, HVN mặc dù là blue chips nhưng lại có tốc độ tăng giá tính bằng… lần, khi từ hơn 2.5 tăng lên đến gần 7.0. HVN luôn tăng giá trong sự nghi ngờ, khi vượt 3.5, nhiều người nghĩ CP này phải tạm nghỉ, đến khi vượt 4.0 lại có suy nghĩ đã tăng quá nhiều.
Thực tế, diễn biến của HVN cũng phần nào chứng tỏ mỗi khi tạo ra một đỉnh từ 3.5 đến 4.0, HVN đều điều chỉnh. Tuy nhiên, đến khi HVN qua ngưỡng 5.0, CP này gần như tăng bốc đầu lên 7.0 chỉ trong 5 phiên giao dịch, và lúc này, sự nghi ngại chuyển thành kỳ vọng HVN có thể chinh phục ngưỡng 8.0. Nhưng đây cũng là lúc bi kịch cho những ai ôm HVN với giá cao (từ 6.0 trở lên) bắt đầu. Bởi sau khi chạm 7.0 vào 23-1, HVN liên tục giảm và đến 9-2 mức giá thấp nhất của CP này chỉ còn 4.0, có nghĩa từ đỉnh HVN đã giảm đến gần 43%.
TTCK đang trở lại thời hoàng kim, nhưng không thể vào mua là thắng.
Hậu thua lỗ mới đáng sợ
Thực tế, việc thị trường hay CP điều chỉnh mạnh có thể khiến ngay cả những NĐT kinh nghiệm nhất cũng bị thua lỗ, phải cắt lỗ, thậm chí tài khoản bị “cháy” tùy mức độ. Nhưng điều rủi ro hơn cả chính là những hệ quả để lại sau đó không dễ đối mặt và khắc phục. Đơn cử, CP có giá 10.0 điều chỉnh giảm 30% xuống còn 7.0, vậy để tăng giá lên 10.0 trở lại cần tăng gần 50%, cùng một mức giá đỉnh, nhưng để tăng trở lại là một thách thức cực lớn.
Tâm lý “chim sợ cành cong” lúc này sẽ xuất hiện, cộng với những dư chấn tâm lý sau khi thua lỗ sẽ làm khó NĐT. Khó khăn không chỉ đến từ sức bật của CP như trường hợp của BID, sau khi tạo đỉnh 3.6 CP này điều chỉnh xuống 2.9, nhưng sau đó lại tăng lên đến 3.7, phá đỉnh lịch sử. Vấn đề là sau khi thua lỗ với một CP nào đó, NĐT có đủ tự tin và niềm tin để tiếp tục một “vòng” mới với chính CP đó hay không? Hoặc nếu tiến hành đảo danh mục liệu có đủ sáng suốt và may mắn để chọn lựa đúng CP.
Không chỉ thiệt hại về vốn, mà tinh thần của NĐT chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau khi thua lỗ nặng, và với những NĐT thiếu kinh nghiệm tác động lại càng lớn. Tâm lý hoang mang, không biết chọn blue chips, penny mid cap, dẫn đến việc đảo hàng, cắt lỗ một cách thiếu chính xác và thua lỗ có thể chồng lên thua lỗ.
Đợt điều chỉnh đầu tháng 2 một lần nữa cảnh báo các NĐT về rủi ro ngắn hạn của thị trường cho dù dài hạn vẫn nhiều khả năng uptrend. Càng lên cao, áp lực bán ra chốt lãi càng lớn, với một số tổ chức đầu tư, khi đạt được giá mục tiêu việc bán ra sẽ thực hiện rất quyết liệt thay vì canh bán đỉnh như một số NĐT cá nhân.
Điển hình như trường hợp của Vietcombank, đăng ký bán 7,6 triệu CP của HVN trong giai đoạn từ cuối tháng 1 đến cuối tháng 2. Khi ước lãi của ngân hàng này đối với HVN đã tính bằng lần (gấp 3 lần) thì những biến động giá trong vài phiên không còn đáng kể. Tuy nhiên, các biến động này lại có thể khiến cho NĐT cá nhân, nhỏ lẻ bị thiệt hại nghiêm trọng nếu không có sự cẩn trọng đầy đủ.