Thị trường bán lẻ và mục tiêu gần 44 triệu tỷ đồng năm 2035

Bộ Công Thương đang xin ý kiến về “Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2025 đạt hơn 11 triệu tỷ đồng và gần 44 triệu tỷ đồng cho năm 2035.

Theo chiến lược, mục tiêu cụ thể từ nay đến năm 2025, GDP lĩnh vực thương mại trong nước (theo giá so sánh năm 2010) đến 2020 đạt trên 419 nghìn tỷ đồng, năm 2025 đạt trên 700 nghìn tỷ đồng; đóng góp khoảng 15,5% vào GDP đến năm 2025.

Tốc độ tăng bình quân hàng năm (chưa loại trừ yếu tố giá) của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn từ nay đến năm 2020 khoản 13%/năm, giai đoạn 2021-2025 đạt 14%/năm. Đến năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 5,8 triệu tỷ đồng, năm 2025 đạt khoản hơn 11 triệu tỷ đồng.

Khu vực kinh tế trong nước chiếm khoảng 80% mức bán lẻ hàng hóa, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 20% đến năm 2020 và 70% đến năm 2025. Tỷ trọng mức bán lẻ hàng hóa theo loại hình thương mại hiện đại đến năm 2020 đạt 30% tương đương khoảng 1,7 triệu tỷ đồng; đến năm 2025 đạt khoảng 35%, tương đương gần 3,8 triệu tỷ đồng và đến năm 2035 đạt khoảng 50%, tương đương khoảng 22 triệu tỷ đồng.

Ngoài ra, sẽ phát triển đa dạng các loại hình và phương thức kinh doanh thương mại hiện đại khác, như sàn giao dịch hàng hóa, trung tâm đấu giá, nhượng quyền thương mại; đồng thời phát triển thương mại điện tử, phấn đấu đạt trên 60% số doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia thương mại điện tử.

Đối với giai đoạn sau năm 2025, GDP lĩnh vực thương mại trong nước đến năm 2035 khoảng gần 2,3 triệu tỷ đồng; đóng góp của thương mại trong nước vào GDP của cả nền kinh tế chiếm khoảng 15,5 – 16% vào năm 2030.

Tốc độ tăng bình quân hàng năm của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt bình quân 14,5%/năm đến 2035. Đến năm 2025 đạt khoảng hơn 11 triệu tỷ đồng và năm 2035 đạt khoảng gần 44 triệu tỷ đồng.

Giữ cơ cấu kinh tế trong nước chiếm ổn định khoảng 70% tổng mức doanh thu ngành thương mại trong nước, phù hợp với mức độ mở cửa thị trường. Đến năm 2025, tỷ trọng mức bán lẻ hàng hóa theo loại hình thương mại hiện đại đạt khoảng 35%, tương đương gần 3,8 triệu tỷ đồng và đến năm 2035 đạt khoảng 50%, tương đương khoảng 22 triệu tỷ đồng.

Hệ thống thương mại đô thị được hoàn thiện tương đương với các nước thuộc ASEAN4. Phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử, phấn đấu 80-90% số doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia thương mại điện tử.

3 phương án tăng trưởng ngành thương mại

Chiến lược phát triển thương mại trong nước trong giai đoạn tới đây, Bộ Công Thương cho biết, trên cơ sở số liệu quá khứ (giai đoạn 2011 – 2015, tốc độ tăng trưởng GDP thương mại – giá so sánh 2010 đạt 9,05%/năm) và đánh giá xu thế phát triển trong nước và thế giới, dự báo GDP ngành thương mại trong những năm tới theo 3 phương án.

Phương án 1: phù hợp với chi tiêu kế hoạch hành động thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực thương mại đối với nội dung phát triển thị trường trong nước, ban hành theo Quyết định số 3029, theo đó, đóng góp của thương mại trong nước vào GDP của cả nền kinh tế đến năm 2015 chiếm khoảng 14%, tới năm 2020 chiếm tỷ trọng khoảng 14,5-15%, và tới năm 2030 là khoảng 15,5-16%.

Phương án 2: dựa trên giả định tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn chứa đựng nhiều bất ổn tác động mạnh đến triển vọng phát triển thương mại và tiêu dùng trong nước trong giai đoạn 2016-2020. Tốc độ tăng trưởng thương mại trong nước giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 9,5%/năm; ngành thương mại tăng tốc ở giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo nhờ các yếu tố thuận lợi bên trong và bên ngoài tác động tích cực tới thương mại trong nước.

Phương án 3: dựa trên giả định tác động bất lợi ít hơn so với phương án 2 và các hiệp định FTA thế hệ mới (EVFTA) sớm có hiệu lực và tác động ngay trong giai đoạn 2016-2020; đồng thời, thương mại trong nước sẽ phát triển mạnh nhờ các giải pháp về tăng trưởng kinh tế, đến năm 2025 sẽ đạt mục tiêu thương mại trong nước chiếm khoảng 15% trong tổng GDP.

Bộ Công Thương cho biết, căn cứ vào đánh giá thực trạng, bối cảnh trong và ngoài nước, nên phương án lựa chọn là phương án 2.

Thị trường bán lẻ Việt: Cửa hàng tiện lợi ‘lên ngôi’

Bài viết mới