Thêm nhiều lý do để “chạy đua” vào ngân hàng quốc doanh

Bất kể ngành ngân hàng nhiều áp lực và rủi ro, thi đỗ và làm việc tại một ngân hàng vẫn là ước mơ của nhiều người. Đây cũng là một trong những loại hình doanh nghiệp được cho là tuyển dụng công khai, minh bạch nhất tại Việt Nam. Các thông báo tuyển dụng, quy trình chọn lựa đều được công bố rộng rãi để ứng viên có thể theo dõi chủ động chuẩn bị và tham gia.

Việt Nam có hơn 30 ngân hàng thương mại nội địa cùng 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và hàng chục văn phòng đại diện, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác. Mỗi ngân hàng có chế độ lương thưởng, phúc lợi và quy trình tuyển dụng, đào tạo khác nhau; dù có nhiều nơi để lựa chọn, song nhóm ngân hàng thương mại có vốn chi phối của Nhà nước vẫn luôn là điểm đến mơ ước của nhiều người, dù là sinh viên mới ra trường, hay cán bộ đang công tác tại một ngân hàng khác.

Thu nhập cao, tăng lương liên tục

Với bất kỳ ngành nghề nào, lương thưởng là một trong những yếu tố được ứng viên quan tâm hàng đầu khi đầu quân cho một doanh nghiệp. Ngành ngân hàng cũng vậy và đây cũng là yếu tố khiến cho nhóm Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank là nơi làm việc mơ ước của lao động ngân hàng.

Khảo sát của chúng tôi cho thấy, Vietcombank hiện là nhà băng trả lương, thưởng cao nhất cho nhân viên của mình. Tính bình quân, thu nhập của nhân viên Vietcombank trong năm 2017 ở mức 32,3 triệu đồng/người/tháng, tăng gần 22% so với mức 26,5 triệu đồng năm 2016. Trong quý 1 đầu năm nay, lương nhân viên Vietcombank lại tiếp tục tăng vọt lên mức 39,4 triệu/người/tháng (do có kỳ Tết nguyên đán và Tết dương lịch).

Ngân hàng có mức thu nhập cho nhân viên cao thứ 2 là BIDV với bình quân mỗi nhân viên nhận tới 29,2 triệu đồng/tháng. Theo thuyết minh báo cáo riêng lẻ năm 2017, BIDV đã chi 7.182 tỷ đồng cho lương, phụ cấp của 24.588 cán bộ nhân viên.

Còn tại VietinBank, năm 2017, ngân hàng đã chi gần 6.700 tỷ đồng lương và phụ cấp cho hơn 22.000 nhân sự của ngân hàng mẹ. Tính toán sơ bộ, mỗi nhân sự tại nhà băng này nhận 24,7 triệu đồng/tháng.

Agribank mới đây cũng có báo cáo về tình hình lương thưởng tại ngân hàng, trung bình nhân viên nhận 23,42 triệu đồng/tháng bao gồm tiền lương, thưởng và các phúc lợi khác, còn cán bộ quản lý là 74 triệu đồng. Năm 2018 ngân hàng có kế hoạch tăng lương cho nhân viên thêm 5% lên 24,6 triệu đồng. Đồng thời ngân hàng cũng có kế hoạch tuyển dụng lớn trong năm 2018, nâng số lao động từ 36.682 người lên 38.149 người (ngân hàng riêng lẻ).

Không chỉ lương cao mà các ngân hàng nhóm này còn là những ngân hàng có tốc độ tăng lương cho nhân viên nhanh nhất trong hệ thống, điển hình là ở Vietcombank, BIDV. Năm 2015, thu nhập bình quân tháng của nhân viên Vietcombank chỉ đang ở mức 22,5 triệu nhưng 3 năm qua đã tăng thêm gần 10 triệu. Tương tự, tại BIDV trong 3 năm tăng tới 11 triệu từ 18,7 triệu năm 2015 lên 29,2 triệu năm 2017.

Thích làm ngân hàng lớn vì “oai”

Đối với một môi trường làm việc, đương nhiên lương thưởng không phải là tất cả. Chưa kể mức lương đề cập ở trên là tính theo bình quân, có nhiều sai lệch tùy từng chi nhánh, vị trí làm việc,…Hơn nữa, các ngân hàng thương mại cổ phần gần đây cũng ngày càng mạnh tay chi cho nhân viên để cạnh tranh, thu hút nhân tài. Dù vậy, 4 “ông lớn” vẫn chưa ngừng “hot” trong mắt lao động ngành ngân hàng.

Thực tế, ngoài chuyện thu nhập, nhiều người ao ước được làm việc tại ngân hàng lớn vì “oai” và “đẳng cấp” hơn. Điều này một phần do Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV đều là những ngân hàng lâu đời nhất tại Việt Nam, có danh tiếng, quy mô lớn và phổ biến, hầu như ai cũng biết đến thương hiệu.

Bên cạnh đó, so với các ngân hàng TMCP khác, thì Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank có quy trình tuyển dụng nhìn chung chặt chẽ và khắt khe hơn. Để chinh phục thành công những ngân hàng này, ứng viên phải bỏ không ít công sức để ôn luyện kiến thức và kỹ năng, thậm chí tìm hiểu các dạng bài thi, câu hỏi phỏng vấn từ trước để có màn thể hiện ấn tượng nhất trước những nhà tuyển dụng. Cũng vì tuyển dụng khắt khe hơn nên đỗ vào nhóm ngân hàng này phần nào khẳng định được khả năng vượt trội, hay nói cách khác là “oai” hơn so với vào ngân hàng tư nhân.

Ngoài những yếu tố trên, ứng viên thích các ngân hàng quốc doanh còn vì họ có mạng lưới chi nhánh, PGD rộng lớn, trải rộng toàn quốc trong khi các ngân hàng nhỏ lại chỉ tập trung ở các thành phố lớn. Nếu vào được nhóm ngân hàng này, người lao động có nhiều lựa chọn hơn, như được làm việc tại địa phương sinh sống hay điều chuyển công tác,…

Thêm vào đó, không thể phủ nhận, bộ phận lớn người dân vẫn còn nặng tâm lý vào ngân hàng quốc doanh thì ổn định, lâu dài hơn,…Điều này cũng có căn cứ vì thâm niên bình quân tại các ngân hàng lớn cao hơn hẳn các ngân hàng nhỏ.

Dẫu sức hút của nhóm ngân hàng vốn Nhà nước vẫn rất lớn, song gần đây tâm lý vào làm việc bằng được tại những ngân hàng này cũng đã giảm đi đáng kể bởi lương thưởng và chế độ của các ngân hàng tư nhân như Techcombank, MB, ACB, VPBank cũng ngày càng cạnh tranh, môi trường năng động và nhiều cơ hội. Bên cạnh lương thưởng, các ngân hàng tư còn đua nhau phát hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên như một chiêu giữ nhân tài lâu dài.

Nhân viên Agribank thu nhập bình quân 23,4 triệu, sếp quản lý gần 74 triệu đồng/tháng

Bài viết mới