Thêm hai ngân hàng báo lãi tỷ USD

Nối tiếp 4 ngân hàng có vốn nhà nước, Techcombank và VPBank vừa công bố lợi nhuận kỷ lục xấp xỉ tỷ USD trong năm 2022.

Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) và Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2022 với mức lợi nhuận xoay quanh tỷ USD – khoảng 23.000 tỷ đồng, tính theo tỷ giá Vietcombank.

Kết quả kinh doanh của Techcombank ghi nhận mức tăng trưởng thấp hơn hẳn so với mặt bằng chung, nhưng nhà băng này vẫn đang giữ ngôi “á quân” lợi nhuận. Cụ thể, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Techcombank tăng khoảng 10% so với năm trước lên 25.600 tỷ đồng, xếp sau Vietcombank.

Cả năm 2022, thu nhập lãi thuần, chủ yếu đến từ hoạt động tín dụng của Techcombank tăng gần 14% so với năm trước lên gần 30.300 tỷ đồng. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng gần 25%, đạt 9.700 tỷ, nhờ đóng góp của dịch vụ thanh toán và tiền mặt (tăng 70%) và dịch vụ bảo hiểm, thu từ thư tín dụng.

Chi phí hoạt động của nhà băng này trong năm ngoái tăng gần 20% so với cùng kỳ, đạt 13.400 tỷ đồng, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 32,8%.

Chi phí dự phòng của Techcombank tiếp tục trong xu hướng giảm, xuống mức 1.900 tỷ đồng nhờ hoàn nhập dự phòng một số chi phí đã trích trước cho các khoản vay tái cơ cấu do Covid-19 giai đoạn 2020-2021.

Với VPBank, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của nhà băng này tăng mạnh gần 50% so với 2021, từ mức 14.300 tỷ lên hơn 21.200 tỷ đồng.

Thu nhập lãi thuần tăng 19% lên 41.000 tỷ, lãi thuần từ dịch vụ cũng tăng gần 60% lên khoảng 6.500 tỷ. Bên cạnh đó, VPBank ghi nhận khoản thu nhập bất thường khoảng 7.000 tỷ đồng, từ doanh thu trả trước của hợp đồng bảo hiểm độc quyền vừa được tái ký với AIA.

Trong bối cảnh các nguồn thu tích cực, VPBank tăng chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong năm 2022 tương ứng 31% và 16% lên hơn 14.000 tỷ và 22.400 tỷ đồng.

Với kết quả này, lợi nhuận hợp nhất của VPBank đang đứng thứ 4 trong hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, mảng tối trong bức tranh chung của Techcombank và VPBank là chất lượng tài sản đều xấu đi trong năm ngoái.

Tại Techcombank, tỷ lệ nợ xấu và cả nợ cần chú ý đều tăng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng tài sản của nhà băng tăng từ 0,66% lên 0,9%. Tuy chưa vào diện nợ xấu, dư nợ tín dụng bị chậm trả đến 90 ngày (nợ cần chú ý) cũng tăng gấp 3 lần, từ 2.100 tỷ lên hơn 8.700 tỷ đồng.

Tính đến cuối 2022, tổng dư nợ tín dụng của nhà băng này tăng 14,5% so với đầu năm, huy động tiền gửi tăng gần 14%. Tổng tài sản của Techcombank tăng gần 23% lên 699.000 tỷ đồng. Số dư tiền gửi không kỳ hạn của nhà băng giảm hơn 16% so với năm trước xuống còn 132.500 tỷ, theo lý giải của Techcombank, do khách hàng có xu hướng giảm giữ tiền mặt để đầu tư hoặc chi tiêu trong bối cảnh thanh khoản hệ thống bớt dồi dào và tâm lý tiêu cực về thị trường bất động sản và trái phiếu.

Với VPBank – nhà băng có mũi nhọn về cho vay nhóm thu nhập thấp thông qua công ty tài chính, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất tăng mạnh từ 4,57% lên 5,73% vào cuối 2022, do nợ có khả năng mất vốn tăng gấp 2,5 lần lên 7.160 tỷ đồng. Nợ cần chú ý cũng tăng hơn 40% lên 23.800 tỷ.

Đến hết 2022, dư nợ tín dụng hợp nhất của VPBank tăng 23% so với đầu năm lên 471.230 tỷ đồng (gồm cả trái phiếu), tiền gửi khách hàng tăng hơn 25% lên hơn 303.000 tỷ.

Quỳnh Trang

Bài viết mới