Thế giới Di động ‘thâu tóm’ Trần Anh không thuộc trường hợp bị cấm theo quy định của Luật Cạnh tranh

Thương vụ Thế Giới Di Động tiến ‘thâu tóm’ Trần Anh trong những ngày giữa năm 2017 cũng thu hút rất nhiều sự quan tâm của giới đầu tư và chuyên doanh thị trường điện máy. Tính đến cuối tháng 10, Thế Giới Di Động đang có đến 566 siêu thị Điện Máy Xanh trên khắp toàn quốc. Việc tiến đến sáp nhập với Trần Anh (chiếm khoảng 17% thị phần phía Bắc) nằm trong chiến lược chiếm lấy 30% thị phần điện máy trên cả nước.

Theo Luật Cạnh tranh 2004 (Luật Cạnh tranh), “mua lại doanh nghiệp” là một hình thức của TTKT. Cụ thể, mua lại doanh nghiệp là “việc một doanh nghiệp mua toàn bộ hoặc một phần tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối toàn bộ hoặc một ngành nghề của doanh nghiệp bị mua lại” (khoản 3, điều 17 Luật Cạnh tranh).

Xét ở góc độ pháp lý, mua cổ phần là một hoạt động đầu tư hợp pháp được quy định tại Luật Doanh nghiệp 2005. Tuy nhiên, khi giao dịch mua cổ phần dẫn đến sự “kiểm soát, chi phối” của bên mua đối với doanh nghiệp có cổ phần bị mua thì giao dịch đó sẽ trở thành giao dịch mua lại doanh nghiệp, một hình thức TTKT chịu sự điều chỉnh của Luật Cạnh tranh.

Mới đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD) cho biết đã tiếp nhận Hồ sơ thông báo tập trung kinh tế (TTKT) Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (Thế giới di động) dự kiến mua lại Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh (Trần Anh) vào ngày 12 tháng 10 năm 2017.

Nội dung là Thế giới di động dự định mua 100% cổ phần từ các cổ đông hiện hữu của Trần Anh. Sau giao dịch mua lại, Thế giới di động sẽ trở thành công ty mẹ của Trần Anh để trực tiếp quản lý và điều hành toàn bộ hoạt động kinh doanh của Trần Anh.

Sau khi tiến hành thẩm định Hồ sơ thông báo tập trung kinh tế và khảo sát ý kiến của các doanh nghiệp kinh doanh trên thị trường, ngày 27 tháng 11 năm 2017, Cục CT&BVNTD đã hoàn thiện báo cáo thẩm định hồ sơ tập trung kinh tế với một số nội dung chính như sau:

1. Tập trung kinh tế giữa Thế giới di động và Trần Anh là hành vi tập trung kinh tế theo hình thức mua lại doanh nghiệp quy định tại Khoản 3 Điều 16 và Khoản 3 Điều 17 Luật Cạnh tranh. Thị trường liên quan được xác định gồm: thị trường bán lẻ chuyên doanh sản phẩm điện máy gia dụng trên toàn quốc và thị trường bán lẻ chuyên doanh sản phẩm công nghệ thông tin trên toàn quốc.

2. Tập trung kinh tế mua lại doanh nghiệp giữa Thế giới di động và Trần Anh đã tác động tới cấu trúc thị trường dịch vụ bán lẻ chuyên doanh các sản phẩm điện máy và công nghệ thông tin theo hướng giảm số lượng đối thủ cạnh tranh trên thị trường (từ chỗ là đối thủ cạnh tranh của nhau, sau khi thực hiện hoạt động TTKT, Trần Anh sẽ trở thành công ty con của Thế giới di động). Giao dịch cũng làm gia tăng sức mạnh thị trường của Thế giới di động sau TTKT. Tuy nhiên, mức độ gia tăng sức mạnh không đáng kể do Thế giới di động trước và sau TTKT đều là doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trên thị trường bán lẻ chuyên doanh sản phẩm công nghệ thông tin (chiếm >30%).

3. Căn cứ vào thị phần kết hợp của các bên trên thị trường liên quan, tập trung kinh tế giữa Thế giới di động và Trần Anh theo hình mức mua lại doanh nghiệp không thuộc trường hợp bị cấm theo quy định tại Điều 18 Luật Cạnh tranh. Các doanh nghiệp tham gia TTKT được làm thủ tục TTKT tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

Cục CT&BVNTD sẽ tiếp tục giám sát hoạt động cạnh tranh của Thế giới di động trên thị trường bán lẻ chuyên doanh sản phẩm điện máy gia dụng và thị trường bán lẻ chuyên doanh sản phẩm công nghệ thông tin (đối tượng giám sát là doanh nghiệp/nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trên thị trường) để kịp thời phát hiện và xử lý hành vi lạm dụng ví trí thống lĩnh thị trường của Thế giới di động (nếu có) theo quy định của pháp luật cạnh tranh.”

Bài viết mới