Thế giằng co của đề xuất bỏ bảo lãnh ‘bán nhà trên giấy’

Đề xuất bỏ quy định bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai đang ở thế ‘giằng co’; có ý kiến nên bỏ, nhưng lại có ý kiến không thể bỏ.

Bỏ bảo lãnh, giá nhà sẽ giảm 1-2%

Cho rằng, sau 7 năm thực hiện quy định bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai chỉ làm tăng giá thành, làm tăng giá bán nhà ở mà người mua nhà phải ‘gánh’ chịu và ‘làm lợi’ ngân hàng, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và Bộ Tư pháp xem xét bỏ quy định bảo lãnh này trong dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi).

Có ý kiến nếu bỏ quy định bảo lãnh “bán nhà trên giấy”, giá thành có thể sẽ giảm 1-2%. (Ảnh: Hoàng Hà)

Từ góc độ doanh nghiệp, chia sẻ với PV VietNamNet, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản ở Hà Nội cho biết, để đủ điều kiện trước khi bán nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải ký hợp đồng ngân hàng đứng ra bảo lãnh; thế nhưng khi ký hợp đồng mua bán không phải tất cả các chủ đầu tư đều xuất bảo lãnh cho khách hàng vì có nhiều khách hàng không yêu cầu việc bảo lãnh, bởi họ tin tưởng chủ đầu tư, tiến độ dự án.

Theo lãnh đạo này, bản chất khi có thêm bảo lãnh sẽ ‘đội’ vào giá thành sản phẩm vì chủ đầu tư phải tính vào chi phí. Bảo lãnh dự án nhằm bảo đảm cho người mua nhưng quan trọng nhất chủ đầu tư vẫn phải có năng lực, uy tín. Kể cả có bảo lãnh, nhưng sau này chẳng may quá trình xây dựng chủ đầu tư không làm được sẽ phát sinh nhiều vấn đề.

“Thực ra bảo lãnh tốt cho khách hàng, nhưng với chủ đầu tư tiềm lực, uy tín, dự án tốt thì việc bảo lãnh không phải quá cấp thiết. Nếu bỏ bảo lãnh giá thành sẽ bớt xuống được khoảng 1-2%”, vị lãnh đạo này cho hay.

Đồng ý với đề xuất bỏ bảo lãnh, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam lưu ý, hướng đến việc không cần bảo lãnh thì cần có biện pháp quản lý các hoạt động phát triển đầu tư của các chủ đầu tư.

“Đồng ý với đề xuất bỏ bảo lãnh nhưng cần đưa ra thêm quy định thật chặt chẽ để các chủ đầu tư không thể làm trái, làm sai với khách hàng được”, ông Đính nói.

Ông Đính cho hay, quy định bảo lãnh nhằm bảo vệ lợi ích cho khách hàng, người mua nhà; trong quá trình thực hiện đúng là tăng chi phí, doanh nghiệp sẽ cộng vào giá thành thì người mua phải ‘gánh’… Thế nhưng, ngân hàng cũng không mặn mà trong việc thực hiện bảo lãnh này, trừ những chủ đầu tư trực thuộc ngân hàng hoặc có vốn bảo trợ của ngân hàng sẽ thực hiện.

“Tôi cho rằng, trên thực tế đang diễn ra không đúng quy định của luật, tại nhiều dự án, đề xuất với ngân hàng bảo lãnh thì ngân hàng cũng yêu cầu chủ đầu tư phải thế chấp tài sản tương xứng mới bảo lãnh… nên ngân hàng hay ‘né’ bảo lãnh, gây khó khăn hoặc từ chối. Câu chuyện này gây khó cho chủ đầu tư nếu bắt buộc bảo lãnh mà ngân hàng không hợp tác.

Cần có biện pháp quản lý các hoạt động phát triển đầu tư của các chủ đầu tư, làm sao để các chủ đầu tư không thể làm sai với khách hàng. Hướng đến có các quy định đó tốt hơn là sử dụng biện pháp ngân hàng bảo lãnh, làm tăng chi phí, tăng quyền năng cho ngân hàng, làm khổ thêm cho chủ đầu tư”, ông Đính nói thêm.

Không thể bỏ bảo lãnh

Chị Thu Hà (Hà Nội) vừa mua một căn hộ chung cư ở quận Hoàng Mai để làm chốn an cư. Thế nhưng dự án hiện mới đang xây dựng và đến năm 2024 mới bàn giao nhà. Chính vì thế, trước khi mua chị đã phải tìm hiểu về pháp lý dự án, uy tín chủ đầu tư và nhất là dự án phải có bảo lãnh của ngân hàng mới quyết định ‘xuống tiền’.

Có nhiều dự án chậm tiến độ cả chục năm vẫn chưa được xây dựng xong, người mua nhà kêu ‘cứu’ khắp nơi… (Ảnh: Nguyễn Lê)

“Trên thực tế đã có nhiều dự án chậm tiến độ bàn giao, có dự án hàng chục năm vẫn ‘đắp chiếu’… nếu không có ngân hàng đứng ra bảo lãnh thì người mua chúng tôi biết túm vào ai khi chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết. Phải có bảo lãnh thì người mua mới an tâm nên không thể bỏ”, chị Hà nói.

Trao đổi với PV VietNamNet, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng khẳng định: “Không thể bỏ bảo lãnh vì có bảo lãnh vẫn còn không hoàn thành được nghĩa vụ, nữa là bỏ”.

Theo ông Đức, bảo lãnh là bảo đảm cho người dân và quan trọng hơn là chủ đầu tư phải có năng lực thì ngân hàng mới bảo lãnh.

“Phải kiểm soát được dòng tiền, mục đích, nguồn thu, tiến độ… thì bao nhiêu cũng phải chấp nhận. Mức phí bảo lãnh quá thấp so với phần được lợi của doanh nghiệp và rủi ro của người dân.

Không những không bỏ quy định bảo lãnh mà còn cần tăng cường hơn để thực sự bảo lãnh để người dân yên tâm tuyệt đối. Còn bảo lãnh ngân hàng như bây giờ, người dân vẫn thấp thỏm… Phải quy định chịu trách nhiệm đến cùng, bảo lãnh cả gốc, cả lãi, cả thiệt hại chứ không chỉ bảo lãnh mỗi cái gốc. Cần bảo lãnh vĩnh viễn đến bao giờ người mua nhận được nhà”, luật sư Trương Thanh Đức nêu ý kiến.

Bài viết mới