Bội chi ngân sách của Washington đang tiến đến mức 1 ngàn tỷ USD hoặc thậm chí nhiều hơn. Trước đó, lần duy nhất điều tương tự xảy ra là thời kỳ 2009 – 2012 do kinh tế suy thoái trầm trọng, thu thuế giảm. Vì vậy, Quốc hội Mỹ đã thông qua các chương trình kích cầu nhằm giảm thiểu thiệt hại mà cuộc khủng hoảng gây ra. Sau thời kỳ đó, mức bội chi hằng năm giảm, năm 2015 ngân sách thâm hụt 438 tỷ USD. Trong năm tài chính 2017, con số này tăng lên mức 666 tỷ USD.
Ngân sách Mỹ ngày càng thâm hụt nhưng lúc này không có khủng hoảng xảy ra. Thực tế là “sức khỏe” của nền kinh tế Mỹ đang khá tốt. Hơn nữa, cuối năm 2017, Tổng thống Trump còn ký ban hành dự luật cắt giảm thuế. Đồng thời, ngân sách quốc phòng và chi tiêu công tăng mạnh. Do đó, thâm hụt ngân sách tăng lên mức gần 1 ngàn tỷ USD trong năm 2018. Bội chi có thể vượt 1 ngàn tỷ USD trong năm 2019 và 2020.
Điều này sẽ gây ra những vấn đề gì? Không ai biết chắc câu trả lời. Cũng không ai biết mức nợ công bao nhiêu thì có thể gây hại cho nền kinh tế, thậm chí dẫn đến suy thoái. “Nợ công quá lớn đang lấn át nợ tư nhân”, ông Joe Brusuelas, Kinh tế trưởng của công ty đầu tư RSM cho biết. Ông nói thêm: “Khu vực tư nhân sẽ phải trả số tiền nhiều hơn để vay nợ, hoạt động đầu tư và tuyển dụng bị ảnh hưởng, làm giảm tốc độ tăng trưởng. Đảng cầm quyền bắt giới trẻ phải gánh 3 ngàn tỷ USD nợ công, và bọn trẻ thì chẳng biết điều gì đang xảy ra với chúng”, ông Brusuelas nói.
Khi nợ liên bang chạm ngưỡng, sau đó vượt ngưỡng và lớn hơn 100% GDP, một số nhà đầu tư lo ngại mọi người bắt đầu nghi ngờ khả năng trả nợ của “Chú Sam” (Uncle Sam, Sam là những từ đầu của United States of America, cụm từ này dùng để chỉ nước Mỹ), nên lãi suất sẽ tăng. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa xảy ra. Vì vậy, Quốc Hội Mỹ vẫn tiếp tục vay nợ để tài trợ cho bất cứ dự án nào mà Washington thích dù dự án đó không quan trọng.
Dự luật chi tiêu ngân sách được thông qua gần đây đã loại bỏ trần nợ công được ban hành vào năm 2011. Nợ quốc gia sẽ tăng thêm khoảng 320 tỷ USD trong thập kỷ tới. Cùng lúc đó, dự luật cắt giảm thuế cũng góp thêm 1,5 ngàn tỷ USD vào nợ công. Nhiều nhà phân tích dự đoán dự luật cắt giảm thuế “tạm thời” được ban hành năm ngoái sẽ kéo dài, từ đó đẩy nợ công lên khoảng 3 ngàn tỷ USD trong một thập kỷ. Nợ công của Mỹ hiện đang cao hơn 19% so với GDP, con số này sẽ tiếp tục gia tăng.
Nợ công trên đầu người đạt mức 19.948 USD/người năm 2000 và 43.733 USD/người năm 2010. Đến năm 2019, con số này vào khoảng 68.000 USD/người.
Nợ công/người của Mỹ giai đoạn 1960 – 2019 (nguồn: Yahoo Finance)
Điều này thì có vấn đề gì? Không sớm thì muộn, tất cả khoản nợ của Chính phủ Mỹ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường nợ, đẩy giá chứng khoán chính phủ xuống, lãi suất tăng lên. Nhà đầu tư muốn Chính phủ phải trả nhiều tiền vay hơn. Lãi suất tăng khiến doanh nghiệp khu vực tư nhân gặp khó khi vay mượn và đầu tư. Họ sẽ thuê ít lao động hơn, đồng thời khách hàng phải chịu mức giá cao do chi phí vay mượn tăng lên. Hậu quả là tăng trưởng kinh tế chậm lại hoặc bất động, và thời kỳ suy thoái bắt đầu.
Khi lãi suất tăng, Chính phủ càng phải trả nhiều tiền cho việc vay mượn. Chi phí lãi vay ròng hiện chỉ chiếm 7% tổng chi tiêu của Chính phủ Mỹ. Chi phí này vẫn ở mức thấp trong lịch sử mặc dù nợ công cao. Nguyên nhân là lãi suất vẫn thấp. Nhưng khi lãi suất tăng thì chi phí lãi vay sẽ tăng theo, dấn đến giảm nguồn tiền phân bổ cho các chương trình xã hội, quốc phòng, cầu đường ít đi. Chính phủ có thể huy động nguồn thu nhanh chóng trong trường hợp khẩn cấp bằng cách tăng thuế. Nhưng nếu tăng thuế đột ngột thì một cuộc suy thoái có thể xảy ra.
Hiện tượng bán tháo trên thị trường chứng khoán gần đây không phải do nhà đầu tư lo lắng về nợ công. Giá chứng khoán giảm vì theo dữ liệu gần đây, lạm phát có vẻ sẽ tăng cao hơn mức mà nhà đầu tư dự đoán. Dự luật chi tiêu ngân sách mới còn được thông qua trước khi thị trường bán tháo.
Tuy nhiên, lo lắng về nợ công đang tăng dần. Gần đây, tỷ phú Paul Tudor Jones của một quỹ đầu tư viết trong một lá thư gửi đến các nhà đầu tư rằng ông ấy thà nắm giữ “những hòn than nóng bỏng” còn hơn mua trái phiếu Kho bạc. Ông giải thích vì “những tác động bất lợi mà việc vay mượn của khu vực công đang gây ra cho nền kinh tế”. Trong bức thư của mình, ông đề cập đến thập niên 80s khi việc cắt giảm thuế và chi tiêu công dẫn đến vay nợ của chính phủ và thâm hụt ngân sách đều tăng mạnh.
Tổng thống Ronald Reagan được người Mỹ nhớ đến với dự luật cắt giảm thuế năm 1981. Đồng thời, ông cũng tăng chi tiêu nhiều cho quân đội. Nợ quốc gia tăng 188% trong nhiệm kỳ của ông. Reagan tăng thuế gấp 3 lần để giải quyết nợ công. Nợ công tiếp tục tăng 52% sau đó 4 năm, dưới thời Tổng thống George H. W. Bush, nước Mỹ rơi vào khủng hoảng. Vì vậy, năm 1992, Bush thua Bill Clinton trong cuộc tái tranh cử. Sau đó, Tổng thống Bill Clinton và Bộ trưởng Tài chính Robert Rubin đã chấm dứt thời kỳ bùng nổ nợ công của nước Mỹ cho đến tận thế kỷ 21.
Nếu việc tăng nợ của Tổng thống Trump thực sự có vấn đề, một đến hai năm nữa điều này sẽ bộc lộ. “Tôi dự đoán tiền (nợ công) sẽ tiếp tục tăng trong 6 quý tới”, ông Brusuelas nói. “Nhưng chúng ta sẽ biết vào năm 2019”. Lúc đó, mọi người sẽ biết liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có sốt sắng thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm giải quyết hậu quả của việc vay nợ quá nhiều không. Nếu điều đó xảy ra thì hiện tượng bán tháo trên thị trường chứng khoán hiện nay chưa có gì nghiêm trọng.