Thông tin mới đây cho thấy tính đến cuối tháng 8, Kho bạc Nhà nước đã gửi khoảng 160 nghìn tỷ đồng tại các ngân hàng thương mại, trong đó có mặt các ngân hàng có vốn của nhà nước, bên cạnh một số ngân hàng thương mại cổ phần khác.
Nhận định về tác động của việc này, một số ý kiến cho rằng nguồn tiền gửi của Kho bạc Nhà nước giúp các ngân hàng thương mại có thêm nguồn lực để ổn định thanh khoản, qua đó gián tiếp làm giảm áp lực lên lãi suất. Đồng thời, nhờ có nguồn vốn dồi dào này nên các ngân hàng có điều kiện để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Nhưng người viết cho rằng nhận định trên là không thỏa đáng vì đã đơn giản hóa vấn đề và bỏ qua nhiều thực tế.
Thanh khoản chẳng thay đổi
Hãy hình dung trước khi Kho bạc Nhà nước phát hành trái phiếu, trong nền kinh tế đang có 1000 đồng thanh khoản sẵn sàng để cho vay. Giả sử thêm là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không can thiệp gì thêm vào cung tiền, để nền kinh tế tự xoay sở với số thanh khoản 1000 đồng này.
Khi Kho bạc phát hành 500 đồng trái phiếu cho các ngân hàng thương mại mua vào qua đấu giá, các ngân hàng phải bỏ ra 500 đồng từ thanh khoản của mình để mua số trái phiếu này. Kết cục lượng thanh khoản còn lại có thể cho vay ra nền kinh tế chỉ là 500 đồng.
Nay, khi Kho bạc “ế” vốn, buộc phải đem số tiền 500 đồng là số tiền thu được từ bán trái phiếu gửi vào ngân hàng để vớt vát được tiền lãi cho khỏi phí, điều này làm cho hệ thống ngân hàng có thêm 500 đồng thanh khoản. Như vậy, lượng thanh khoản có thể dùng để cho vay ra nền kinh tế sẽ quay trở lại thành 1000 đồng như lúc ban đầu, trước khi Kho bạc bán trái phiếu.
Nếu Kho bạc giải ngân được một phần trong số 500 tỷ đồng huy động được này thì đương nhiên lượng tiền gửi của Kho bạc tại các ngân hàng thương mại sẽ giảm xuống thấp hơn con số 500 đồng, chẳng hạn là 400 đồng (vì 100 đồng đã được giải ngân). Nói cách khác, tổng lượng thanh khoản trong nền kinh tế sẽ giảm xuống còn 900 đồng.
Như vậy, việc Kho bạc Nhà nước huy động vốn xong rồi lại đem gửi ngược vào ngân hàng sẽ không cải thiện được thanh khoản chút nào, và thậm chí, ngược lại, còn làm giảm thêm thanh khoản đi nếu Kho bạc đã “kịp” giải ngân một phần vốn huy động này. Ngoài ra, do thanh khoản không thay đổi hoặc thậm chí còn giảm đi, nên các ngân hàng không thể đẩy mạnh cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng như một số ý kiến vẫn nhận định.
Tất nhiên nếu xét từ thời điểm sau khi Kho bạc nhà nước đã phát hành trái phiếu và hút tiền về làm giảm thanh khoản (giảm 500 đồng như ví dụ trên), sau đó nếu Kho bạc nhà nước gửi trở lại ngân hàng số tiền huy động này thì về mặt nào đó có thể nói là hỗ trợ, ổn định thanh khoản nhưng việc ổn định, hỗ trợ này cũng chẳng thấm vào đâu, thậm chí chỉ là sự “tự cởi trói” thì đúng hơn.
Khi NHNN phải “hỗ trợ”…
Trong giả định ở phần trên, NHNN không can thiệp gì vào cung tiền. Nhưng do Chính phủ luôn yêu cầu NHNN – một ngân hàng trung ương không độc lập với Chính phủ như ở các nước khác – phải “điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt” để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tức là gián tiếp yêu cầu NHNN phải hỗ trợ thanh khoản để hệ thống ngân hàng thương mại có thêm vốn mua trái phiếu Chính phủ, nên trên thực tế NHNN thường phải nới lỏng chính sách tiền tệ để bơm thêm thanh khoản vào hệ thống ngân hàng để cung ứng đủ vốn đáp ứng nhu cầu huy động của Kho bạc Nhà nước qua phát hành trái phiếu.
Trước kế hoạch của Kho bạc Nhà nước huy động một lượng vốn “khủng”, trên 240 nghìn tỷ đồng qua phát hành trái phiếu năm nay (và đã huy động được 204.500 tỷ đồng tính đến giữa tháng 8), rõ ràng NHNN không thể ngồi nhìn thanh khoản trên thị trường căng rồi đẩy lãi suất liên ngân hàng và các loại lãi suất huy động khác tăng lên. Vậy là một lượng vốn không hề nhỏ đã được NHNN bơm thêm vào nền kinh tế để phục vụ nhu cầu của Kho bạc. Chưa bàn đến lượng vốn mới này đi về đâu, bản thân việc NHNN bơm thêm một lượng tiền như vậy đã tạo ra thêm áp lực lạm phát. Nay, việc giải ngân của Kho bạc bị chậm trễ càng làm tăng thêm cái giá phải trả cho nền kinh tế, vì không những gây tổn thất cho chính ngân sách mà còn làm nhỡ các cơ hội đầu tư tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Lợi đâu chưa thấy
Việc Kho bạc Nhà nước huy động vốn xong lại gửi vào ngân hàng hưởng lãi cũng tương tự như việc một con rắn tự ăn đuôi mình. Không rõ kỳ hạn và loại hình tiền gửi của Kho bạc tại các ngân hàng thương mại cụ thể là như thế nào nhưng chắc chắn trong đó có có các khoản tiền gửi không kỳ hạn hoặc kỳ hạn ngắn. Điều này có thể là do việc chậm trễ giải ngân vốn cho các dự án đầu tư công có thể được khắc phục trong các thời điểm khác nhau, không dự tính trước được (ngay đến kế hoạch giải ngân đầu tư công lúc ban đầu cũng đã không thực hiện được, bị chậm trễ). Lúc đã thông thì các dự án này lập tức sẽ cần vốn. Do đó, Kho bạc buộc phải gửi ít nhất là một phần đáng kể vốn “ế” dưới dạng tiền gửi không kỳ hạn hoặc ngắn hạn để sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu giải ngân vốn đột xuất. Nhìn rộng ra, mục đích huy động vốn qua phát hành trái phiếu là để chi tiêu công chứ không phải gửi tiết kiệm vào ngân hàng, nên sự gửi tiền ấy, nếu có, cũng chỉ là tạm thời và kỳ hạn ngắn.
Lãi suất trúng thầu trái phiếu biến động tùy thời điểm, nhưng tính sơ bộ thời gian gần đây cũng khoảng mức 5% (ví dụ, lãi suất trúng thầu trái phiếu kỳ hạn 5 năm phát hành vào tháng 7 thấp ở mức kỷ lục nhưng cũng đã là 4,69%/năm, còn trước đó vào đầu tháng 5, lãi suất trúng thầu cho cùng loại trái phiếu đứng ở mức 5,22%/năm). Nếu Kho bạc Nhà nước đem gửi số tiền này vào ngân hàng, nhất là những ngân hàng thương mại có vốn nhà nước lớn vốn thường chỉ chào lãi suất huy động thấp hơn hẳn các ngân hàng thương mại cổ phần khác (kỳ hạn ngắn của 3 ngân hàng lớn nhất chỉ từ 4,3 – 5,2%/năm) thì lãi suất được hưởng thậm chí sẽ còn thấp hơn cả lãi suất mà Kho bạc huy động từ các ngân hàng. Như thế, lợi đâu chưa thấy, chỉ thấy trước mắt là ngân sách bị ảnh hưởng vì lãi tiền gửi thu về không đủ bù cho lãi phải trả cộng thêm chi phí phát hành trái phiếu.