Theo chia sẻ từ ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc MWG tại buổi Analyst Meeting diễn ra ngày 08/02/2018. “Năm 2018 Công ty sẽ dồn toàn lực cho mảng Bách hóa xanh, với tổng nhu cầu vốn lên đến 1.500-2.000 tỷ đồng”. Việc huy động nguồn vốn hiện Công ty chưa có kế hoạch cụ thể, song vị đại diện này cho biết vốn có thể lấy từ khoản trái phiếu đang còn, có thể đi vay trung và dài hạn, hoặc phát hành cổ phiếu.
Bởi, mảng Thế giới di động đã bão hòa, riêng với Điện máy xanh Công ty dự kiến tiếp tục mở thêm một vài cửa hàng sau đó dừng không phát triển phân khúc này nữa. Tuy nhiên, kế hoạch cụ thể về việc tất toán đầu tư vào Điện máy xanh; vì không như mọi năm, năm 2018 muốn mở cửa hàng phải “xin”, điều này hoàn toàn thụ động nên MWG chưa thể nào biết được cụ thể thời điểm nào sẽ hoàn tất việc đầu tư vào lĩnh vực này.
Quý 4/2017, doanh thu của MWG đạt mức trên 19.000 tỷ, so với cùng kỳ năm 2016 tăng trưởng trên 32%. Lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt gần 572 tỷ đồng, tăng hơn 60%. Lũy kế cả năm, tổng doanh thu của Công ty đạt mức trên 67.000 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2016. Theo đó, lãi sau thuế của MWG đạt mức trên 2.206 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 40%. So với chỉ tiêu đề ra cho hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2017, MWG đã vượt gần 5% kế hoạch doanh thu và vừa đủ hoàn thành lợi nhuận sau thuế.
Về cơ cấu doanh thu năm 2017, hiện dẫn đầu là Thế giới di động với tỷ lệ 52.3%, xếp thứ hai Điện máy xanh với 45,6%, Bách hóa xanh hiện chỉ chiếm hơn 2% tổng doanh thu. “Tuy nhiên, thời gian đến cơ cấu này sẽ có sự thay đổi mạnh, trong đó Bách hóa xanh sẽ tăng trưởng vượt bậc”, ông Tài nhấn mạnh.
Theo quan điểm CTCK Bản Việt (VCSC) trong báo cáo ngày 6/2 vừa qua thì dù vẫn khuyến nghị mua với mức sinh lời lên đến 46% nhưng VCSC đã giảm dự báo riêng cho chuỗi Bách Hóa Xanh. Theo VCSC, Bách Hóa Xanh sẽ lỗ khoảng 14 triệu USD cho năm 2018 thay vì lãi khoảng 2 triệu USD như nhận định hồi tháng 11/2017.
VCSC bày tỏ quan điểm cho rằng Thế giới di động sẽ thành công với chuỗi Bách Hóa Xanh do công ty đã áp dụng hàng loạt thay đổi để cải thiện hệ thống này cũng như giải quyết những vấn đề tồn đọng trong việc phát triển chuỗi.
“Đối thủ của Bách hóa xanh chỉ có thể là… chính mình”
Ông Tài nhấn mạnh, “Đối với hàng tiêu dùng tươi và hàng chế biến thì khoảng 30% thị trường này được cung cấp bởi kênh siêu thị, còn 70% vẫn đến từ kênh chợ truyền thống.
MWG dự tính lấy khoảng 10% trong tổng 70% từ kênh chợ truyền thống, chứ không quan tâm đến Cood Food, Satrafoods… bởi những đơn vị nắm 30% còn lại”.
Được biết, hiện Bách hóa xanh là kênh mới, nên Công ty đang cố gắng để đạt doanh thu mỗi cửa hàng từ 1-1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, KPI cửa hàng Bách hóa xanh thì MWG chưa đặt nặng.
Chính ông Tài cũng thừa nhận: “Bài toán quản lý về chuỗi bán lẻ dạng này rất khó, làm sao cho hàng ngàn cửa hàng luôn có rau quả tươi, an toàn, đúng giá, không bị tồn hàng nhiều, làm sao thực phẩm tươi vứt bỏ phải ở tỉ lệ thấp nhất… Chúng tôi vẫn đang học hỏi và tìm cách giải quyết”. Đó là chưa kể đến những cách thức tạo ra khác biệt, để Bách hóa xanh không bị chìm lẫn với các siêu thị khác.
Không quan tâm đến mảng dược, Thế giới di động chưa có kế hoạch phát triển cho Trần Anh
Sau khi hoàn tất thủ tục mua lại chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang, Công ty chính thức lấn sân sang ngành dược và dự kiến mở khoảng 100 cửa hàng tại Tp.HCM ngay trong năm 2017. Việc tham gia ngành hàng mới được ban lãnh đạo Công ty tiến hành chậm rãi với định hướng cho trung và dài hạn.
“Trước mắt quy mô thị trường ngành dược khoảng 4,5 tỷ USD trong khi đó hơn 2,3 tỷ USD đã thuộc về kênh bệnh viện thật sự không hấp dẫn đối với MWG”, ông Tài phân trần. Như vậy, thị trường dược chỉ còn khoảng 1,5 tỷ USD, so với MWG không là gì, nên dược thật ra không là công ty con hay đóng góp gì cho Công ty. “Mà đâu đó, mảng dược chỉ có thể xuất hiện tại khoản vay chuyển đổi trên BCTC”.
Tương tự mảng dược, mặc dù đình đám trong năm 2017, nhưng thương vụ M&A Trần Anh thực sự không khiến MWG chú tâm trong năm nay. Hiện, Công ty chưa có kế hoạch phát triển cho Trần Anh, ông Tài cho biết thêm.