Đây là một trong những vấn đề đã được lãnh đạo Bộ Tài chính nêu lên và đề nghị sửa đổi tại dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi.
Thời gian thanh tra có thể là 360 ngày
Theo đại diện Bộ Tài chính, quy định hiện tại nêu rõ: Thời hạn thanh tra thuế do Tổng cục Thuế tiến hành không quá 45 ngày làm việc, trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày làm việc. Thời hạn của cuộc thanh tra được tính từ ngày công bố quyết định thanh tra đến ngày kết thúc việc thanh tra tại nơi được thanh tra.
Tuy vậy, theo đánh giá, thực tế, thời gian dành cho việc cung cấp hồ sơ, tạm dừng, hoãn thanh tra chiếm rất nhiều thời gian nhất là đối với các doanh nghiệp quy mô lớn, có phát sinh giao dịch liên kết.
Bởi vậy, quy định thời gian thanh tra như luật hiện hành theo đại diện Bộ Tài chính chỉ phù hợp với các cuộc thanh tra thông thường.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, đối với các cuộc thanh tra chuyên đề, thanh tra các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp đa quốc gia, quy định hiện tại không phù hợp do việc thu thập thông tin về công ty mẹ, công ty liên kết ở nước ngoài, thông tin về các giao dịch diễn ra ở bên ngoài Việt Nam mất rất nhiều thời gian.
Đặc biệt, nhiều trường hợp, cơ quan chức năng phải thực hiện trao đổi thông tin với cơ quan thuế nước ngoài nên trong quá trình làm việc, các đoàn thanh tra phải tạm dừng nhiều lần chờ cung cấp, trao đổi thông tin.
Dẫn báo cáo tổng kết của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), đại diện Bộ Tài chính cho hay, thời gian trung bình để thực hiện một cuộc thanh tra giá chuyển nhượng tại các nước trên thế giới là 573 ngày làm việc.
“Qua thanh tra thực tế đối với một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Metro, BigC… thì thời gian để hoàn thành một cuộc thanh tra thường trên 1 năm do phải tạm dừng thanh tra để chờ doanh nghiệp cung cấp bổ sung thông tin, hồ sơ, tài liệu,” dự thảo nêu lên.
Qua đó, đại diện Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án sửa đổi trong đó phương án 1 là thực hiện theo quy định hiện hành.
Phương án 2 là bổ sung quy định: Trường hợp thanh tra doanh nghiệp có giao dịch liên kết xuyên biên giới thời hạn thanh tra không quá 360 ngày làm việc tại trụ sở người nộp thuế. Ngoài ra, thời gian thanh tra không bao gồm thời gian cung cấp tài liệu, trao đổi thông tin và thời gian tạm dừng, hoãn.
Với 2 phương án trên, lãnh đạo Bộ Tài chính đề xuất lựa chọn phương án 2.
Thêm chức năng điều tra thuế?
Cũng liên quan tới quản lý thuế, lãnh đạo Bộ Tài chính nêu lên thực tế, ngoài các cơ quan bảo vệ pháp luật như an ninh, quốc phòng thì hải quan cũng được giao chức năng thực hiện công tác điều tra phục vụ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực phụ trách. Tuy nhiên, cơ quan thuế lại chưa được giao chức năng trên.
Ngành hải quan đã được giao chức năng thực hiện công tác điều tra nhưng cơ quan thuế thì chưa. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Giải thích cho chức năng này, dự thảo ghi rõ, về bản chất, điều tra thuế là việc cơ quan thuế thực hiện quyền tố tụng về thuế trong trường hợp người nộp thuế cố tình trốn tránh nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước (trốn thuế, gian lận thuế) với mục đích trục lợi.
Thẩm quyền điều tra có thể hiểu là cơ quan thuế được khám xét không báo trước cho người nộp thuế và được hỏi xét, lấy lời khai của ngừơi nộp thuế và đối tượng liên quan. Trong khi ấy, người nộp thuế được sử dụng luật sư hoặc người đại diện trong quá trình điều tra.
Đại diện ngành tài chính nhấn mạnh, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước đã giao chức năng điều tra thuế cho cơ quan quản lý thuế như điều tra tố tụng hình sự. Cán bộ điều tra thuế có quyền chất vấn, kiểm tra, thu giữ hay khám xét, tịch biên các sổ sách giấy tờ có liên quan để bảo vệ những chứng cứ ban đầu.
Dự thảo dẫn đánh giá của chuyên gia cơ quan thuế Nhật Bản cho rằng, các mối quan hệ chứng cứ trong tội phạm thuế rất khác với tội phạm thông thường do đó cần có kinh nghiệm và kiến thức đặc biệt để thu thập và đánh giá giá trị chứng cứ.
“Trên thế giới, có trên 80 quốc gia, trong đó có nhiều nước Asean đã thành lập bộ phận điều tra thuế,” báo cáo thống kê.
Qua đó, cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung một chương trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế. Cụ thể, thẩm quyền của cơ quan thuế là yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu để phục vụ việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, xác minh hành vi vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế. Ngoài ra, cơ quan này cũng được yêu cầu người nộp thuế cung cấp hồ sơ, chứng từ để kiểm tra khi có căn cứ cho rằng người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế.
Ngoài ra, trường hợp có căn cứ cho rằng có hành vi vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế, trưởng đoàn kiểm tra, trưởng đoàn thanh tra, chi cục trưởng, cục trưởng có thẩm quyền niêm phong hàng hóa, kho, hồ sơ, tài liệu, tạm giữ người, áp giải người vi phạm.
“Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật về thuế đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan thuế, công chức thuế có thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật tổ chức điều tra hình sự,” Bộ Tài chính đề xuất./.