Thanh toán điện tử đang định hình lại thế giới như thế nào? (P2)

Bên cạnh tiền tệ truyền thống được kiểm soát bởi chính phủ, thời đại công nghệ đã đón chào những loại tiền điện tử tự điều chỉnh. Các nhà đầu tư lớn đã đặt cược vào Bitcoin, loại tiền điện tử lớn nhất, và hàng trăm loại tiền điện tử khác đã được tạo ra. Ngày càng có nhiều cửa hàng bán lẻ chấp nhận Bitcoin, nhưng thị trường để sử dụng Bitcoin vẫn còn rất hạn chế. Biến động giá và chi phí giao dịch vẫn còn cao, và rủi ro khi đầu tư vào Bitcoin vẫn còn lớn.

Vậy tại sao tiền điện tử cũng như việc ‘đào’ chúng lại rất được coi trọng?

Đầu tiên, chúng thách thức các cách thức huy động vốn hiện tại của các doanh nhân. ICO (Initial Coin Offering) là hình thức huy động tài chính bằng cách bán một phần cổ phiếu cryptocurrency dưới dạng token mà các startup công nghệ sử dụng.

Trên lý thuyết, các token này sẽ tăng giá trị miễn là những người khác tiếp tục đầu tư. Chiến thuật như vậy rất nhanh chóng và dễ dàng, nhưng cũng chứa đựng nhiều rủi ro và không được quản lý, do đó nó không nhận được sự ủng hộ của các chính phủ, điển hình là trường hợp cấm ICO ở Trung Quốc trong thời gian gần đây.

Thứ hai, nhiều người nói rằng blockchain – hệ thống làm nền tảng cho các loại tiền điện tử – có tiền năng lớn. Blockchain là một sổ cái kỹ thuật số cho các giao dịch, thỏa thuận và hợp đồng mà không được giữ ở một nơi giống như sổ cái của giám đốc ngân hàng truyền thống, thay vào đó, nó được phân phối đến hàng ngàn máy tính trên khắp thế giới.

Mỗi giao dịch hay thỏa thuận được nhập vào một khối (block), sau đó được thêm vào một chuỗi (chain). Nếu bất kỳ máy tính nào cố gắng thay đổi giao dịch trước đó, tất cả các giao dịch trong khối và chuỗi đó sẽ được cảnh báo về hành động đó và sẽ ngăn chặn nó. Trên thực tế, điều này sẽ loại bỏ người trung gian thường đóng vai trò kiểm tra các giao dịch này như các công ty thẻ tín dụng, hoặc thậm chí cả những ngân hàng. Trong lý thuyết, một giao dịch khi mua một tài sản nào đó có thể diễn ra tức thì thông qua blockchain.

Tất cả những điều này trở thành thách thức lớn đối với tiền mặt. Tuy nhiên, các bằng chứng cho thấy thời kỳ thống trị vì của nó vẫn chưa kết thúc. Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, lượng tiền mặt và đồng xu được lưu hành gần như không thay đổi ở các nền kinh tế lớn ở phương Tây.

Tại Mỹ, giá trị của chúng tăng trong giai đoạn 2011 – 2015. Số lượng máy rút tiền mặt đã tăng mạnh ở các nước BRIC – Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc – và thay đổi rất ít ở các nước phương Tây.

Điều đó không có nghĩa là tiền mặt không tiến hóa. Các nhà vận hành ATM cũng đã đón nhận công nghệ – yếu tố đồng thời là mối đe dọa lớn nhất của họ – để tạo ra “một ngân hàng trong hộp”. Công ty NCR cho biết máy ATM mới nhất với liên kết video và tương tác di động có thể hoàn thành 80% các giao dịch bên trong một chi nhánh ngân hàng điển hình.

Ở Bồ Đào Nha, nơi có tỷ lệ máy rút tiền trên đầu người cao nhất Tây Âu, mạng lưới này đã mở rộng dịch vụ sang các khoản thanh toán thuế, thanh toán hóa đơn và thậm chí cả vé hòa nhạc cũng như vé xem phim.

Các ngân hàng dù sở hữu tài sản khổng lồ nhưng chậm chạp hơn trong việc phát triển các sản phẩm mới so với các startup công nghệ tài chính. Do đó, họ sẽ cần phải hợp tác với các công ty khởi nghiệp có tiềm năng đột phá này hoặc phải đối mặt với thách thức tới từ các công ty công nghệ lớn có thể ngang hàng với họ về mặt quy mô.

Trong khi đó, các khách hàng đều muốn hưởng lợi từ những sản phẩm rẻ và tiện lợi hơn, nhưng vẫn duy trì sự cảnh giác với những rủi ro mà tự động hóa có thể đem lại.

Thanh toán điện tử đang định hình lại thế giới như thế nào?(P.1)

Bài viết mới