Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An và Ninh Thuận không chậm trễ, cố gắng trong quý 2, chậm nhất là tới 15/7/2024 phải lựa chọn được nhà đầu tư cho 3 dự án điện khí ở 3 địa phương này.
Tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo 15 tỉnh, thành phố về tình hình triển khai thực hiện các dự án điện sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) theo Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII ngày 12/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các địa phương phải có cam kết tiến độ thực hiện các dự án điện khí đang triển khai, theo báo Công Thương.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với lãnh đạo 15 tỉnh, thành phố về các dự án điện khí
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá ý kiến của các địa phương, tập đoàn, đơn vị đã phản ánh đầy đủ khó khăn vướng mắc, cũng như những kiến nghị, đề xuất từ các địa phương có liên quan đến các dự án điện khí đang triển khai.
Trên cơ sở những ý kiến này, Bộ Công Thương sẽ giải quyết theo thẩm quyền và sẽ kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành xem xét giải quyết.
Người đứng đầu Bộ Công Thương khẳng định, các dự án điện khí trong Quy hoạch điện VIII là nguồn năng lượng vô cùng quan trọng, không chỉ bảo đảm đủ tổng nguồn theo quy hoạch mà còn là nguồn điện nền để có thể huy động khai thác những nguồn năng lượng tái tạo.
Để thực hiện được mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các địa phương chưa lựa chọn được nhà đầu tư, trong đó có tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An và Ninh Thuận không chậm trễ, cố gắng trong quý 2/2024, chậm nhất là tới 15/7/2024 phải lựa chọn được nhà đầu tư cho 3 dự án điện khí ở 3 địa phương này.
“Các địa phương phải lựa chọn được nhà đầu tư đủ năng lực, kỹ thuật và có kinh nghiệm để thực hiện dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý.
Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An và Ninh Thuận ngay sau khi lựa chọn được nhà đầu tư phải lên tiến độ và cam kết thực hiện theo tiến độ đề ra.
Đối với các địa phương đã có chủ đầu tư, Bộ Công Thương đề nghị, khẩn trương rà soát những vướng mắc của chủ đầu tư phản ánh để chủ động xử lý theo thẩm quyền, bao gồm rà soát điều chỉnh quy hoạch tỉnh, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất, mặt bằng, điều chỉnh chủ trương đầu tư…
Các địa phương báo cáo về Bộ Công Thương, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về tiến độ tổng thể của các dự án đang triển khai, tiến độ này phải có sự cam kết của chủ đầu tư và có xác nhận của chính quyền địa phương, sẽ là cơ sở để bộ, Chính phủ xử lý theo quy định của pháp luật.
Kiên quyết xử lý các vi phạm đối với các chủ đầu tư hoặc các bên có liên quan. Đồng thời, trình Chính phủ xử lý các chủ đầu tư nếu có dấu hiệu chây ỳ, trốn tránh trách nhiệm trì hoãn việc triển khai dự án.
Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, đây là 3 việc trọng tâm nhất các địa phương phải làm. Đồng thời đôn đốc các chủ đầu tư khi hoàn tất các thủ tục thì trình để phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) và ký các hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn điện lực Việt Nam.