Phải bỏ vì giá quá thấp
Những quả dứa chín vàng nhưng người dân không muốn thu hoạch do giá thấp không đủ chi phí.
Hiện nay, toàn tỉnh Thanh hóa có hàng nghìn ha trồng dứa phân bổ ở các vùng như Nông trường Thống Nhất (huyện Yên Định), huyện Ngọc Lặc, Thạch Thành, Hà Trung, TX. Bỉm Sơn…; nhưng năm nay do giá dứa xuống thấp cộng với thương lái không thu mua rầm rộ như những năm trước khiến nhiều nông dân trồng dứa tại các vùng rơi vào cảnh lao đao.
Tại xã Hà Long, huyện Hà Trung, nhiều hộ dân đã bỏ hàng chục tấn dứa không thu hoạch để cho chín vàng trên cây, có những quả đã dần chuyển sang màu nâu và thối dần.
Dứa chín nẫu |
Chúng tôi tìm đến nhà chị Mai Thị Tuyết (46 tuổi, trú thôn Vạn Bảo, xã Hà Long) khi gia đình còn hơn 20 tấn dứa đã chín đến kỳ thu hoạch nhưng gia đình không hái do giá quá thấp sẽ không đủ chi phí và các thương lái không thu mua nữa. |
Chị Tuyết cho biết: “Gia đình tôi trồng 1ha dứa, giống má, chăm sóc, phân bón, thuê người làm chi phí hết 120 triệu đồng nhưng đến thời điểm hiện tại mới thu hoạch được khoảng 0,5 ha với khoảng 20 tấn dứa còn lại khoảng hơn 20 tấn nữa đang chín nhưng giá rẻ có 2.000 đồng/kg, với lại không có thương lái thu mua nên chúng tôi đành để chín đỏ cây. Để vậy là cứ tự chín nắng, héo cuống, gục xuống hư hết dứa chẳng có bán được, không có ai thu mua cho”.
Chị Mai Thị Tuyết không mặn mà với việc thu hoạch dứa vì rớt giá. |
“Mới tháng trước giá dứa còn được bán với giá 6.000-6.500 đồng/kg nhưng bây giờ 2.000 đồng/kg cũng không có ai mua kể cả quả to. Đến gần 1 tháng nay thương lái thu mua dứa ít đi, cộng với thời tiết càng nắng nóng thì dứa càng nhanh hỏng”, chị Tuyết xót xa nói. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay các hộ trồng dứa ở xã Hà Long chủ yếu là tự phát, tự đầu tư, tự bán và tìm kiếm nguồn ra cho sản phẩm.
Trồng dứa bấp bênh lắm!
Nhiều hộ gia đình phải thuê máy cày để phá bỏ dứa. |
Ông Nguyễn Hữu Thành – Chủ tịch UBND xã Hà Long cho biết: “Hiện nay trên toàn xã có khoảng 650ha dứa nhưng đến thời điểm hiện tại cả xã đã thu hoạch được 80% tổng số với khoảng trên 20.000 tấn. Bây giờ giá rẻ nên người dân không thu hoạch nữa.” |
“Việc trồng dứa bấp bênh lắm, năm nay giá lại xuống thấp và quan trọng nhất là thị trường nhưng dân thì trồng tự phát bán cho thương lái chứ chưa ký kết với công ty thu mua nào. Xã cũng đã đề xuất với các cơ quan chức năng về xây dựng một nhà sản xuất sản phẩm dứa và cũng đang khảo sát vị trí để xây dựng”, ông Thành cho biết thêm.
Còn tại nông trường Thống Nhất và huyện Ngọc Lặc có tới hơn 800ha trồng dứa cũng đến kỳ thu hoạch nhưng người dân mới thu hoạch được một phần, còn nhiều hộ cũng không mặn mà lắm đến việc thu hoạch do giá thu mua thấp chỉ 1.000-1.500đồng/kg khiến nhiều ruộng dứa vẫn còn ngổn ngang và hư hỏng hết.
Ông Nguyễn Văn Diện (trú nông trường Thống Nhất, huyện Yên Định) cho biết: “Giá thấp quá với lại thương lái tới mua cũng ít nên gia đình đành thuê máy phá đi tiền mồ hôi, xương máu của mình làm ra”.
Chị Nguyễn Thị Xuân xót xa nhìn dứa nám cháy nắng. |
Còn chị Nguyễn Thị Xuân cho hay: “Gia đình tôi trồng 6 ha với tiền đầu tư lớn nhưng vụ này thu hoạch chưa được nửa còn lại thối hết rồi biết sao được. Tiền nợ ngân hàng biết khi nào trả được”. |
|
|
Ông Trịnh Quốc Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa (một trong những đơn vị chính thu mua dứa gai của bà con) cho biết: “Diện tích trồng dứa năm nay tăng cùng với việc giá thu mua thấp nên nông dân cũng không mặn mà cho lắm đến việc thu hoạch. Đơn vị cũng đang thống kê ban đầu để giúp đỡ, hỗ trợ một phần cho người dân trồng dứa trên địa bàn”. |
Được biết, vụ dứa năm nay được mùa, quả to hơn mọi năm với 1 ha dứa cho thu hoạch được khoảng 40 tấn nhưng giá dứa lại tụt thấp hơn so với mọi năm.
|
|
|
Giá dứa thu mua thấp nên người nông dân cũng không mặn mà cho lắm đến việc thu hoạch. Lại một mùa dứa thối trên nương ở Bản Lầu, dân ‘khóc ngất’
|